Vụ Liên Kết Việt: "Tham gia đa cấp là đã chấp nhận chi phí về nhân cách"

(Dân trí) - "Cụ thể là trong con mắt của gia đình, bạn bè… uy tín bản thân sẽ bị giảm sút, thậm chí có thể khiến người khác có cảm giác rằng anh “lừa đảo”. Điều đó xuất phát từ việc anh đã chấp nhận nói dối, nói quá về sản phẩm mà anh đang bán", chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh

"Không thể xóa sổ kinh doanh đa cấp"

Sau vụ Liên Kết Việt và những bê bối lừa đảo tại một số doanh nghiệp đa cấp trước đây, có những ý kiến mạnh mẽ cho rằng nên loại bỏ kinh doanh đa cấp khỏi nền kinh tế để đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của đất nước. Tuy nhiên, như Bộ Công Thương có lý giải thì khi gia nhập WTO, Việt Nam phải thừa nhận tính hợp pháp của loại hình kinh doanh này. Trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay, theo ông, Việt Nam cần ứng xử như thế nào?

Ở điểm này, Bộ Công Thương cũng có cái lý của họ. Với một loại hình kinh doanh hợp pháp thì đành chấp nhận chứ không thể nào từ chối được. Mô hình này trên thế giới thực ra cũng phổ biến. Do vậy, theo tôi, Việt Nam cần bổ sung thêm điều kiện với kinh doanh đa cấp, quản lý chặt chẽ hơn.

Bản thân Việt Nam hiện nay cũng đã có những yêu cầu với loại hình này nêu tại Nghị định 42, nhưng cần phải rà soát lại, kín kẽ hơn. Trong trường hợp cơ quan soạn thảo, ban hành nói rằng chính sách chặt chẽ rồi thì phía thực thi phải nghiêm túc hơn chứ nói “xóa sổ” hoàn toàn đa cấp thì rất khó, gần như là không thể.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, tình trạng các công ty đa cấp (sau khi được cấp phép) biến tướng nhằm mục đích lừa đảo lại diễn ra khá phổ biến. Vậy trong công tác quản lý, theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

Khi một doanh nghiệp nào đó không tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh thì đương nhiên Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý Cạnh tranh phải đứng ra chịu trách nhiệm trong việc giám sát. Nếu doanh nghiệp lừa đảo hay cạnh tranh không lành mạnh, nhiệm vụ của những đơn vị này là phải xử phạt hành chính và truy tố, đưa ra tòa án. Đấy là cách hành xử mà các cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành trong nền kinh tế thị trường.

Còn với người dân thì các bên cần vào cuộc để đưa ra thông tin, cảnh báo. Tham gia kinh doanh đa cấp này theo tôi cũng giống như việc người ta chấp nhận mất tiền khi chơi lô đề.

Về vấn đề liên quan đến Liên Kết Việt, Bộ Công Thương cho rằng trách nhiệm thuộc về 27 địa phương xảy ra lừa đảo. Ông đánh giá điều này như thế nào?

Có thể là đã có sự phân quyền trách nhiệm ở đây. Tuy nhiên, đối với Bộ Công Thương, họ là cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp loại hình kinh doanh này, ngay cả tại các địa phương thì họ cũng có các Sở Công Thương, các chi Cục Quản lý Cạnh tranh, chi Cục Quản lý thị trường… Những đơn vị đó phải cùng với chính quyền địa phương tham gia giám sát. Chứ bây giờ Bộ đẩy trách nhiệm sang chính quyền địa phương hết thì hóa ra Bộ ở trên trời à? Ở đâu, lĩnh vực nào chẳng có chính quyền địa phương?

Tôi nghĩ rằng, trong vấn đề này phải có sự phân công trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm liên đới nhất định.


Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

"Tham gia đa cấp là đã chấp nhận chi phí về nhân cách"

Để lôi kéo thêm người tham gia vào bộ máy kinh doanh đa cấp, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện mời các nhân vật có uy tín, địa vị trong xã hội tham gia hội thảo. Trong những trường hợp như Liên Kết Việt hay các doanh nghiệp đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, liệu các khách mời này có trách nhiệm gì hay không khi để xảy ra thiệt hại cho người dân?

Tôi cho rằng vấn đề này thuộc về tự trọng của các cá nhân, đặc biệt là tự trọng của những người có địa vị trong xã hội. Còn nói để quy trách nhiệm với những cá nhân này thì rất khó.

Việc những vị này được mời tuyên truyền cho kinh doanh đa cấp, quảng cáo, “nói vống” lên cho sản phẩm trên một khía cạnh nào đó cũng tương tự như việc những người nổi tiếng quảng cáo trên truyền hình.

Cá nhân ông đã bao giờ rơi vào tình huống khó xử trước những lời mời tham dự các sự kiện như thế này chưa?

Bản thân tôi cũng đã từng được giới thiệu tham dự hội thảo, thậm chí “được” lôi kéo vào những công ty đa cấp rồi, ngay cả “người nhà” tôi cũng có một số người tham gia và mời tôi vào. Tôi từ chối vì cá nhân không tin tưởng vào các hoạt động kinh doanh kiểu này, chứ còn về mặt pháp luật mà nói thì các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp họ vẫn cứ hoạt động rất đàng hoàng, công khai.

Mỗi người có cách nhìn khác nhau nên tôi cũng không đưa ra phán xét gì với các thành viên trong các hệ thống kinh doanh đa cấp, nếu họ thấy phù hợp thì họ làm thôi.

Dù vậy, tôi vẫn cho rằng, khi quảng cáo về sản phẩm, về cách kiếm tiền thì mỗi người tham gia nên có sự tự trọng nhất định và tự đặt cho mình những giới hạn, thay vì trở thành những công cụ. Ngay cả khi đã trở thành một công cụ thì cũng nên đặt ra cho mình giới hạn nhất định. Không phải là doanh nghiệp vẽ ra cái gì là nói theo như thế.

Là chuyên gia kinh tế và hiểu rõ về tài chính, ông có suy nghĩ như thế nào về khát vọng làm giàu nhanh của một bộ phận người dân, đặc biệt là người trẻ hiện nay?

Mong muốn kiếm tiền nhanh thì tôi nghĩ ai cũng có, không cớ gì là sinh viên, chỉ có điều khi càng trưởng thành thì kinh nghiệm sẽ dạy cho người ta hiểu rằng “kiếm tiền chân chính không thể nào mà nhanh và dễ dàng được”. Thực tế không chỉ sinh viên mà những người có tuổi, hưu trí, thậm chí là giảng viên đại học cũng tham gia “ầm ầm” ấy chứ!

Truyền thông và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh thông tin về những trường hợp kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo để người dân có nhận thức đúng đắn và không bị lợi dụng. Mọi người cũng cần tỉnh táo, không nên bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo ngọt ngào từ phía những người kinh doanh đa cấp.

Tôi nghĩ thế này, kinh doanh đa cấp khác với loại hình kinh doanh truyền thống ở chỗ: Với kinh doanh truyền thống thì bộ phận kinh doanh và bộ phận quảng cáo tương đối độc lập, tách rời; thế nhưng kinh doanh đa cấp thì lẫn lộn, không tách rời, khi anh tham gia quảng cáo cũng là đang trực tiếp bán hàng.

Bình thường ai cũng biết, quảng cáo thì có tình trạng nói quá về sản phẩm, ai cũng hiểu và chấp nhận đó là “nói quá” rồi và không có vấn đề gì về đạo đức. Còn khi tham gia kinh doanh đa cấp, bản thân người bán không phân tách được mình đang bán một sản phẩm thực hay đang bán một sản phẩm bị phóng đại lên, khiến cho nhân cách của con người nhiều khi bị suy giảm, bởi anh đang nói dối người khác về cái mà anh đang bán.

Cho nên khi tham gia vào kinh doanh đa cấp, người ta sẽ phải xác định rằng, ngay cả khi không bị lừa đảo thì anh cũng đã phải chịu một chi phí về nhân cách. Cụ thể là trong con mắt của gia đình, bạn bè… uy tín bản thân sẽ bị giảm sút, thậm chí có thể khiến người khác có cảm giác rằng anh “lừa đảo”. Điều đó xuất phát từ việc anh đã chấp nhận nói dối, nói quá về sản phẩm mà anh đang bán.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Vụ Liên Kết Việt: "Tham gia đa cấp là đã chấp nhận chi phí về nhân cách" - 3