Làm gì để "giải cứu" ngành du lịch Việt Nam?

(Dân trí) - Khách quốc tế giảm, khách nội địa chững lại; nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch (DL) tạm dừng; doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển gặp khó khăn, thua lỗ... Đó là thực trạng của ngành DL Việt Nam hiện nay.

Cần giải pháp cấp bách

Thực trạng này được đại diện Tổng cục DL nhận định tại Diễn đàn bàn về giải pháp cấp bách thu hút khách DL đến Việt Nam vừa tổ chức ở TPHCM ngày 19/12. Tổng cục DL cũng đã xây dựng dự thảo Đề án Phục hồi và phát triển DL trong tình hình mới đệ trình lên chính phủ, nhằm mục tiêu vượt qua giai đoạn khó khăn này và giữ mức tăng trưởng khách DL trong năm 2009 là 4 - 5% so với 2008.

Theo đề án này, Tổng cục DL chú trọng vào 3 lĩnh vực chính là cơ chế, chính sách; phát triển sản phẩm DL; xúc tiến DL. Mỗi lĩnh vực sẽ có nhiều gói giải pháp nhỏ để triển khai; trong đó nổi bật lên kiến nghị hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp thu hút khách nước ngoài, khấu trừ tiền đi DL khi tính thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập nhiều hơn cho doanh nghiệp kinh doanh DL.

Ngoài ra, Tổng cục cũng kiến nghị Chính phủ đơn phương miễn visa công dân các thị trường tiềm năng như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nga, Trung Quốc... vào Việt Nam, đơn giản hoá thủ tục cấp visa. Chính phủ cũng cần hỗ trợ công tác xúc tiến hình ảnh DL Việt Nam với nước ngoài nhiều hơn; Tổng cục dự kiến xin Chính phủ chi 20 - 30 triệu USD trong gói 6 tỷ USD kích cầu cho hoạt động này.

Làm gì để "giải cứu" ngành du lịch Việt Nam? - 1
  

Quang cảnh diễn đàn.

Về giải pháp chiến lược thì Tổng cục đề nghị thực hiện hai hoạt động song hành là đầu tư nâng chất các sản phẩm DL bằng cách phát triển hệ thống hạ tầng DL, xây dựng các gói sản phẩm mới, hấp dẫn, giá cả thấp hơn... và xác định các nhóm thị trường cụ thể (như thị trường vẫn có tăng trưởng, thị trường có giảm sút nhưng có khả năng phục hồi) để có từng gói sản phẩm thích hợp kích cầu.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TPHCM Lã Quốc Khánh rất đồng tình với đề án này. TPHCM cũng đã có những kế hoạch cụ thể để nâng chất sản phẩm DL với chương trình “Sài Gòn 100 điều thú vị” và xác định 10 nhóm thị trường tiềm năng trong giai đoạn này để tiến hành các hoạt động quảng bá thích hợp cho mỗi nhóm, thu hút khách đến với TPHCM.

“Nhân chuyện cấp bách bàn chuyện lâu dài”

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty DL Lửa Việt, và được các đại biểu hết sức đồng tình. Bởi mọi người đều cho là ngành DL Việt Nam vốn có nhiều lỗi hệ thống từ xưa đến nay, nếu chúng ta không nhân đợt khủng hoảng này nhìn lại mình, tìm kiếm các giải pháp “vá” các lỗi ấy thì không bao giờ phát triển DL được.

Các lỗi chính yếu nhất của chúng ta hiện nay là chưa có một cơ quan đúng tầm để xây dựng hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế để tiếp thị DL cũng như các ngành kinh tế-văn hoá-xã hội khác. Người dân chưa được giáo dục để làm DL, xây dựng hình ảnh thân thiện với khách DL quốc tế.

Các cơ sở dịch vụ thì chèn ép nhau nên sản phẩm DL không cạnh tranh nổi về giá cả và chất lượng với các nước bạn. Các hiệp hội với vai trò trung gian lại chưa thể hiện được nhiệm vụ điều phối và thống nhất các hội viên của mình.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh thì cho là chúng ta chưa chú ý gây dựng ấn tượng tốt ban đầu cho du khách. Bà lấy dẫn chứng về việc du khách phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để lấy visa, trong khi người Việt cứ chen ngang mà người có trách nhiệm lại không nhắc nhở. Hay tại sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất mà nhà vệ sinh lại không có giấy vệ sinh. Những điều ấy tuy nhỏ nhặt nhưng sẽ gây ấn tượng xấu cho khách DL.

Còn nhà báo Trần Trọng Thức thì kể một câu chuyện khá đau: khi ông dẫn người bạn Mỹ vào nhà hàng Việt ăn cơm, người bạn ấy hỏi: “Hình như ta vào khiến họ không vui?”. Ông hỏi tại sao bạn lại nói vậy? Người Mỹ ấy trả lời: “Vì người tiếp không cười và có vẻ khó chịu”.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Viettravel, cho rằng: “Chúng ta phải nhanh chóng giải quyết ngay các vấn đề trên vì thời gian đang rất gấp, càng làm sớm chừng nào càng giảm bớt thiệt hại chừng ấy”.

Hàng ngàn du khách quốc tế "xông đất" Đà Nẵng

Tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch, tuy nhiên, chiều 19/12, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch báo tin vui sẽ có hơn 1.000 du khách quốc tế “xông đất” Đà Nẵng vào đầu năm 2009.

Theo đó, ngay ngày 1/1/2009, 1.100 du khách Đức, Ý, Pháp trên tàu du lịch biển quốc tế Costa Allegra sẽ cập cảng Tiên Sa - Đà Nẵng cùng với 130 du khách Thái Lan sẽ “xông đất” thành phố bằng đường bộ theo tour Caravan.

Tiếp đó, trong tuần lễ đầu tiên năm 2009, chuyến bay thuê bao đầu tiên từ Icheon (Hàn Quốc) chở gần 200 khách sẽ hạ cánh sân bay Quốc tế Đà Nẵng sẽ được Vietnam Airlines và Công ty Trans Asia (TPHCM) phối hợp tổ chức bằng máy bay có sức chứa 178 hành khách.

Khánh Hiền

Tùng Nguyên