"Ô tô bay" của NASA sẵn sàng săn lùng sự sống ngoài hành tinh
(Dân trí) - NASA chuẩn bị phóng tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân Dragonfly vào năm 2028 nhằm tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ.
Bước tiến lớn chinh phục Titan - vệ tinh khổng lồ của Sao Thổ

Mô phỏng hình dạng tàu Dragonfly đang hoạt động trên bầu trời tại Titan, vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ (Ảnh: NASA).
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chính thức xác nhận rằng tàu thăm dò Dragonfly - với hình dạng tựa như một trực thăng sử dụng năng lượng hạt nhân - đã vượt qua cột mốc kỹ thuật quan trọng trong hành trình tiến tới vệ tinh Titan của Sao Thổ.
Với việc hoàn tất Đánh giá Thiết kế Quan trọng (Critical Design Review), dự án hiện đã đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn chế tạo và thử nghiệm thiết bị, mở đường cho vụ phóng dự kiến vào tháng 7/2028 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ, bằng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX.
Dragonfly có kích thước tương đương một chiếc ô tô, sử dụng năng lượng từ pin điện đồng vị phóng xạ RTG (viết tắt của Radioisotope Thermoelectric Generator), cho phép hoạt động bền vững trong môi trường lạnh giá và thiếu ánh sáng Mặt Trời như Titan, nơi nhiệt độ bề mặt trung bình khoảng -179℃.
Đây là một trong số ít các sứ mệnh được NASA xếp hạng "New Frontiers", tức nhóm các chương trình khám phá hành tinh quy mô trung bình do NASA điều hành, tập trung vào các sứ mệnh khoa học có mức chi phí trung bình nhưng độ rủi ro và kỳ vọng cao, với tổng ngân sách lên tới 3,35 tỷ USD.
Tàu thăm dò sẽ mất khoảng 7 năm để đến hệ Sao Thổ, trước khi bắt đầu ít nhất 3 năm khám phá mặt trăng Titan - vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ và lớn thứ hai trong hệ Mặt Trời (sau Ganymede của Sao Mộc).
Kỳ vọng về cuộc cách mạng sinh học ngoài Trái Đất

Titan, mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ, có thể sở hữu các chu trình khí tượng tương tự Trái Đất (Ảnh: NASA).
Điểm đặc biệt khiến Titan trở thành mục tiêu ưu tiên trong nghiên cứu vũ trụ là bởi vệ tinh này có bầu khí quyển dày, giàu nitơ và methane, cùng các chu trình khí tượng tương tự Trái Đất, nhưng hoạt động trên cơ sở methane lỏng thay vì nước.
Bề mặt Titan bao gồm cồn cát hydrocarbon, hồ methane và có thể tồn tại đại dương nước mặn ngầm dưới lớp băng, tạo điều kiện lý tưởng để hình thành hóa học tiền sinh học - một trong những điều kiện nền tảng cho sự sống.
Tàu Dragonfly được trang bị nhiều công cụ phân tích hiện đại, gồm: camera, cảm biến, radar xuyên băng và thiết bị lấy mẫu... Các thiết bị này cho phép tàu di chuyển linh hoạt giữa các khu vực khác nhau để thu thập dữ liệu về thành phần hóa học, tốc độ phong hóa, các hợp chất hữu cơ phức tạp, và đặc biệt là dấu hiệu tiềm ẩn của sự sống vi sinh vật.
Khác với các tàu đổ bộ cố định như trong sứ mệnh Mars của NASA, trực thăng Dragonfly có thể cất cánh và hạ cánh nhiều lần, qua đó giúp mở rộng phạm vi khảo sát đáng kể.
Trước Dragonfly, tàu Huygens (thuộc sứ mệnh Cassini của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu - ESA) từng hạ cánh xuống Titan năm 2005, nhưng chỉ hoạt động trong vài giờ.
Bởi lẽ đó, nếu sứ mệnh Dragonfly được triển khai thành công, nó có thể góp phần viết lại hiểu biết của nhân loại về nguồn gốc và sự phát triển của sự sống trong Hệ Mặt Trời.
Theo TS Elizabeth Turtle, nhà nghiên cứu chính thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins (đơn vị thiết kế và chế tạo Dragonfly), đây là "một sứ mệnh đột phá có khả năng thay đổi cách chúng ta hiểu về sinh học trong vũ trụ".
Trong bối cảnh ngành hàng không vũ trụ toàn cầu đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt và đổi mới mạnh mẽ, Dragonfly đại diện cho nỗ lực của Mỹ trong việc giữ vững vị trí dẫn đầu về thăm dò không gian sâu.
Việc vượt qua rào cản thiết kế quan trọng không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn thể hiện cam kết lâu dài của NASA đối với việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất - một trong những câu hỏi khoa học nền tảng của nhân loại.