Làm 4 tiếng/ngày, chàng trai Canada kiếm bộn tiền nhờ biết tận dụng ChatGPT
(Dân trí) - Chàng freelancer 27 tuổi thậm chí còn dùng ChatGPT để tăng năng suất công việc. Số tiền kiếm được mỗi năm của anh quy ra tiền Việt lên tới gần 3 tỷ đồng.
Tony Dong là một freelancer (người làm việc tự do) 27 tuổi chuyên viết nội dung trong lĩnh vực tài chính đến từ Canada. Năm ngoái, anh kiếm được 115.000 USD (tương đương 2,7 tỷ đồng) và chỉ làm việc khoảng 30 giờ/tuần (khoảng 4 tiếng mỗi ngày).
Dong chủ yếu theo dõi nội dung liên quan đến quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và viết bài cho các ấn phẩm như U.S. News & World Report và The Motley Fool. Anh trở thành freelancer từ tháng 4 năm ngoái. Sau khoảng một năm viết báo kiếm thêm thu nhập để đi du lịch, Dong nhận ra mình hoàn toàn có thể kiếm tiền từ công việc này.
Dong từng là cố vấn rủi ro cấp cao cho TransLink - cơ quan quản lý giao thông khu vực của hệ thống tàu điện ngầm Vancouver. Anh chia sẻ: "Tôi từng tự hỏi mình sẽ hối tiếc điều gì hơn, làm việc này mãi hay thử việc khác nhưng có thể thất bại? Cuối cùng, tôi quyết định nghỉ việc vào tháng 3/2022".
Tháng tiếp theo, anh kiếm được gần 8.000 USD từ công việc tự do. Thu nhập của Dong vẫn ổn định và tháng kiếm được nhiều tiền nhất của anh là tháng 9/2022 với 12.600 USD.
Một tháng điển hình của Dong bao gồm 24 giờ/tuần viết tin bài và 6 giờ làm những việc như lập hóa đơn cho khách hàng, quản lý sổ sách (Dong tự làm kế toán và nộp thuế) và trao đổi với khách hàng. Năm nay, anh hi vọng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
"Tôi ước tính sẽ kiếm được từ 148.000 USD đến 192.000 USD trong năm nay. Thu nhập hàng tháng của tôi có xu hướng giảm vào mùa hè vì tôi muốn làm việc ít lại để đi du lịch nhiều hơn", Dong chia sẻ.
Theo Dong, việc tắt thông báo trên điện thoại và không kiểm tra email khi làm việc giúp năng suất của anh cao hơn. Ngoài ra, anh còn ăn ngủ điều độ và tập thể dục đều đặn để có tinh thần cũng như thể chất tốt trong khi làm việc.
Trong công việc, Dong sử dụng một số công cụ để hỗ trợ làm việc hiệu quả hơn, trong đó có ChatGPT. Chatbot AI này được anh coi như "trợ lý ảo" giúp nghĩ tiêu đề và dàn ý cho bài viết.
Ví dụ, khi cần viết bài báo về ETF an ninh mạng, anh yêu cầu ChatGPT cung cấp 3 tiêu đề "hấp dẫn và thú vị". Theo Dong, anh luôn đưa ra yêu cầu rất cụ thể khi sử dụng ChatGPT.
Bên cạnh đó, Dong còn dùng ChatGPT để viết dàn ý cho nội dung mà anh gửi các biên tập viên khi trình bày ý tưởng bài viết. Dong cho biết anh không dùng công cụ hỗ trợ cho mọi bài viết của mình. Ví dụ nếu viết về chủ đề quen thuộc, anh không cần bất kỳ công cụ nào.
"Nếu phải viết về Apple nhưng không biết gì cả, tôi sẽ yêu cầu ChatGPT cho mình biết 5 điều thú vị về Apple với khía cạnh là một khoản đầu tư", Dong nói. Sau đó, ChatgGPT có thể cung cấp thông tin về việc doanh thu của Apple tăng bao nhiêu sau khi phát hành một sản phẩm mới. Dong tiến hành kiểm tra lại bằng cách đọc báo cáo tài chính của Apple để đảm bảo rằng thông tin đó chính xác.
Dong cho rằng, đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ phải học cách làm việc với những công cụ như ChatGPT thay vì sợ hãi. "Nó không thể viết bài như một biên tập viên thực thụ. Tôi đã kiểm tra và nhận thấy bài viết của nó quá mơ hồ và chứa nhiều dẫn chứng gây hiểu lầm", Dong nhận xét.
Ngay cả khi ChatGPT có thể viết tốt hơn, Dong cũng không muốn sử dụng nó cho mục đích đó bởi anh có độc giả trung thành - những người không muốn đọc thứ do AI viết.
Ngoài ChatGPT, Dong còn sử dụng Grammarly - công cụ online giúp chỉnh sửa lỗi ngữ pháp, chính tả và gợi ý cấu trúc câu. Nó đã giúp anh viết câu ngắn gọn, súc tích và diễn đạt theo ý chủ động thay vì bị động.
Một công cụ khác mà Dong hay sử dụng là Dragon Professional. Đây là phần mềm nhận diện giọng nói cho phép anh nói vào micro để chuyển lời nói thành chữ viết. Sau đó, anh sẽ cho Grammarly quét qua để phát hiện lỗi sai.
Ứng dụng này tính phí 500 USD nhưng Dong không sợ những chi phí như vậy và coi đó là lợi tức đầu tư. Chỉ cần viết một hoặc hai bài báo là anh có thể bù đắp khoản tiền đó. Sử dụng càng nhiều, Dong càng nhận được nhiều lợi ích.