Lãi suất USD “đu” theo tỉ giá

Lãi suất tiết kiệm USD đang tăng lên, thị trường có thể xuất hiện cuộc đua huy động vốn bằng ngoại tệ.

Sau khi tỉ giá USD/VNĐ liên ngân hàng (NH) tăng thêm 2,1%, tỉ giá ngoại tệ tại các NH tăng hết biên độ cho phép 3%, cán mức 19.500 đồng/USD, lập tức lãi suất USD của một số NH bắt đầu tăng theo tỉ giá.

Giữ chân khách hàng

Lãi suất USD “đu” theo tỉ giá  - 1
Lãi suất USD thường đi lên sau khi tỉ giá tăng.
 
Theo các chuyên gia tài chính, tỉ giá USD/VNĐ tăng đồng nghĩa USD tăng giá sẽ làm cho lãi suất USD đi lên.

Điều này được thể hiện ngay trong ngày đầu tiên (18/8) áp dụng tỉ giá mới, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tăng lãi suất huy động USD kỳ hạn 3 tháng lên 4,15%/năm, 6 tháng: 4,22%/năm, 12 tháng: 4,25%/năm. Nếu cộng thêm 0,2% lãi suất thưởng thì lãi suất tiền gửi USD cao nhất tại Eximbank lên đến 4,45%/năm.

NH Á Châu (ACB) cũng tăng lãi suất tiết kiệm USD thêm 0,15% - 0,2%/năm đối với các kỳ hạn dưới 9 tháng, nâng mức lãi suất huy động ngoại tệ cao nhất của ACB lên 4,4%/năm.

Trước đó, HDBank đã đẩy lãi suất tiết kiệm ngoại tệ lên 5%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Một số ngân hàng cổ phần khác cũng có kế hoạch tăng lãi suất tiết kiệm USD để thu hút cung ngoại tệ kiều hối, du lịch..., góp phần giảm bớt căng thẳng cung - cầu ngoại tệ.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết tỉ giá tăng có lợi cho người giữ USD, buộc NH phải tăng lãi suất tiết kiệm USD để giữ chân khách hàng, bởi khi tỉ giá USD tăng mạnh khách hàng có thể rút tiết kiệm USD chuyển sang VNĐ. Trong khi đó, một bộ phận dân cư kỳ vọng tỉ giá tăng thêm trong thời gian tới cũng tranh thủ gửi NH theo kỳ hạn 6 - 9 tháng vừa để cất giữ vừa hưởng được lãi suất cao.

Núp bóng kiều hối?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất ngoại tệ hiện không bị ràng buộc bởi bất cứ quy định nào nên NH đẩy lãi suất USD lên để tăng thêm nguồn vốn.

Tổng giám đốc một NH tại TPHCM cho biết, thời gian gần đây thị trường ngoại tệ nở rộ hiện tượng chuyển tiền núp bóng kiều hối với mức phí 0,5%.

Lãnh đạo của nhiều NH khác còn cho rằng, sẽ có một lượng ngoại tệ không nhỏ từ nước ngoài chảy vào tiết kiệm. Với mức lãi suất tiết kiệm USD phổ biến 4,5%-5%/năm, gấp đôi lãi suất tại một số quốc gia châu Âu - Mỹ, người ở nước ngoài có thể không cần làm ăn gì, chỉ chuyển USD về nước cho người thân gửi tiết kiệm để sinh lời.

Theo các NH, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ sẽ nhích dần trong những tháng còn lại của năm 2010 sau khi lãi suất đầu vào USD được đẩy lên. Vì vậy, trong thời gian tới, khoảng cách lãi suất VNĐ và USD không còn chênh lệch lớn. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ không tập trung vay ngoại tệ, chuyển sang vay VNĐ.

Theo Hải Nam
NLĐ