1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi suất tiết kiệm VND ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

An Hạ

(Dân trí) - Lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn dài vẫn được ngân hàng duy trì ở mức 8,6%/năm, nhưng với khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng...

Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn đã giảm rất sâu, có kỳ hạn giảm tới 2,5%/năm. Thậm chí, sau quyết định giảm trần lãi suất tiền của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã dồn dập cắt giảm lãi suất, có ngân hàng còn điều chỉnh giảm 2 lần kể từ đầu tháng 10 đến nay.

Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng chỉ còn 3,3%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng thấp kỷ lục.

Lãi suất tiết kiệm VND ngân hàng nào cao nhất hiện nay? - 1
Lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn dài vẫn được nhiều ngân hàng duy trì ở mức 8,6%/năm, nhưng với khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng...

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn áp dụng biểu lãi suất huy động trên 8%/năm đối với kỳ hạn dài và khoản tiền gửi có điều kiện. Biểu lãi suất huy động cao nhất phải kể đến Nam Á Bank khi ngân hàng này niêm yết lãi suất tiết kiệm thông thường kỳ hạn 24 tháng lãi cuối kỳ lên tới 8,6%/năm, nhưng với những khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng trở lên. Với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất ngân hàng này đang trả cho khách là 8,45%/năm cùng điều kiện giá trị tiền gửi.

Viet Capital Bank cũng công bố lãi suất tiền gửi với yêu cầu giá trị tương tự là 8,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Eximbank công bố lãi suất 8,4%/năm với khoản tiền gửi có điều kiện tương tự. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có hai mức lãi suất cao cá biệt cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng với điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng lần lượt là 7,2%/năm và 8,4%/năm. 

MB cũng công bố lãi suất 7,2%/năm với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 7,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng với giá trị 200-300 tỷ đồng...

Trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng có nhiều rủi ro, thì việc một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 8%/năm thu hút sự chú ý của dòng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi 7 - 8% thì không phải ai cũng có số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI- SSI Research, dù dịch bệnh được kiểm soát và thị trường đã bước vào quý cuối năm thường là cao điểm về nhu cầu vốn, tăng trưởng tín dụng vẫn yếu và thấp hơn khá nhiều (khoảng 2%) so với tăng trưởng huy động, tiền đồng vẫn dư thừa trong hệ thống các ngân hàng, lãi suất sẽ đi ngang ở vùng thấp trong thời gian tới.

Chứng khoán KB cho hay, thanh khoản dư thừa khiến lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp nhất trong nhiều năm qua.

Còn theo Công ty Chứng khoán KB, trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh từ sau lần cắt giảm lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân.

Thứ nhất, thanh khoản hệ thống duy trì ở trạng thái dư thừa khi mà nguồn cung dồi dào (Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ, huy động vốn 9 tháng tăng khá ở mức 7,7%), trong khi phía cầu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc (tín dụng 9 tháng chỉ tăng 5,12%).

Thứ hai, áp lực giảm lãi suất huy động để duy trì tỷ lệ NIM (biên độ lãi ròng) phù hợp trong bối cảnh các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho hay, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào trong quý 3 nhờ cung vốn VND tăng (qua hoạt mua ròng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước) và cầu vốn tăng chậm (tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9 mới tăng 6% trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%).

Theo đó, lãi suất huy động hạ có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tăng chậm lại (7 tháng đầu năm tăng 7,85% so với cùng kỳ trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây đều tăng trên 10%). Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.