Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn
(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh giảm mạnh một loạt lãi suất điều hành, trong đó trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng về 4%/năm.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua đạt 2,12%, lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng đạt 3,85% và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 1/10.
Theo Quyết định số 1728 của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 4,5%/năm xuống 4,%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07.
Cụ thể, theo Quyết định số 1729, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
"Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Còn theo Quyết định số 1730, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, từ đầu năm đến nay đã điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và giảm mặt bằng lãi suất thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, tại buổi họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng quý 3/2020 ngày 22/9, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa để ngân hàng giảm lãi suất cho vay.
"Ngân hàng Nhà nước luôn cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế. Đầu năm nay, khi Covid-19 chưa tác động đến nền kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 14%. Tuy nhiên, đại dịch đã tác động mạnh đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân rất thấp. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 16/9/2020 chỉ tăng 4,81% so với cuối năm 2019", bà Hồng cho hay.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức đã phê duyệt đầu năm. Sắp tới, tổ chức tín dụng nào có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét trên tinh thần vừa tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Trước xu hướng nhiều ngân hàng lại đồng loạt giảm thêm lãi suất huy động, bà Hồng cho biết: "Về chủ trương, Ngân hàng Nhà nước rất muốn và sẽ cố gắng phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Chính vì vậy, trong điều hành, chúng tôi sẽ điều tiết thanh khoản tạo thuận lợi nhất cho tổ chức tín dụng, sẵn sàng cho vay tái cấp vốn, nếu các tổ chức tín dụng có nhu cầu nhằm đảm bảo các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ để cho doanh nghiệp, người dân vay".
Người đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn lực tài chính của mình, tiết kiệm chi phí, kể cả lương thưởng, trả cổ tức tiền mặt, để có nguồn vốn rẻ hỗ trợ khách vay.