Lãi suất tiết kiệm tăng, sau lễ 2/9 gửi tiền ở đâu lời nhất?

Thảo Thu

(Dân trí) - Số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất áp đảo số đơn vị giảm trong tháng 8. Sau nghỉ lễ 2/9, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng nhận lãi suất phổ biến từ 4,7%/năm đến 5,7%/năm.

Ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn ngắn

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí trong tuần cuối cùng của tháng 8, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, từ 0,1 điểm %/năm đến 0,9 điểm %/năm. Các ngân hàng điều chỉnh lãi tiền gửi đều là ngân hàng tư nhân, gồm VPBank, Techcombank, Sacombank, TPBank, SHB, ACB, HDBank, Eximbank…

Trong đó, VPBank tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %/năm ở kỳ hạn 1 tháng và 0,2 điểm %/năm kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. ACB, SHB tăng 0,1 điểm %/năm đến 0,4 điểm %/năm ở tất cả kỳ hạn. Techcombank, TPBank tăng 0,2 điểm %/năm đến 0,4 điểm %/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng…

HDBank thậm chí tăng lãi suất huy động lần thứ 2 trong tháng, với các kỳ hạn 1-6 tháng, mức 0,3 điểm %/năm đến 0,4 điểm %/năm với kỳ hạn 3-5 tháng và 12 tháng. Trong khi đó lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng được HDBank giữ nguyên ở mức 5,5%/năm, kỳ hạn 13 tháng là 5,7%/năm.

Eximbank cũng tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn 1 tháng thêm 0,3 điểm %/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2 điểm %/năm.

Một vài đơn vị tầm trung như DongABank, CBBank, Saigonbank, BaoVietBank… sau thời gian dài giữ nguyên cũng điều chỉnh tăng lãi suất. Trong đó, DongABank tăng mạnh tới 0,9 điểm %/năm ở hầu hết kỳ hạn.

Tháng 7 liền trước đó, Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), có tổng 16 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 điểm %/năm đến 0,7 điểm %/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng, sau lễ 2/9 gửi tiền ở đâu lời nhất? - 1

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay (Ảnh: Mạnh Quân).

Một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất

Ngược lại đợt tăng lãi suất vừa rồi, thị trường tài chính cũng ghi nhận tại một vài đơn vị điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau các đợt tăng trước đó, như SeABank, BacABank.

SeABank trong tháng 8 vừa rồi giảm đồng loạt 0,25 điểm %/năm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn. Trước đó, ngân hàng này từng tăng lãi suất cao nhất lên đến 6,2%/năm, mức dẫn đầu thị trường.

ABBank hồi đầu tháng cũng bất ngờ giảm lãi suất tiết kiệm, hạ 0,2 điểm %/năm đến 0,3 điểm %/năm tại hầu hết các kỳ hạn tiền gửi online.

Eximbank cũng vừa giảm 0,2 điểm %/năm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, xuống còn 5,2%/năm đối với tiền gửi trực tuyến.

Hiện, ABBank là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống, với mức 6,2%/năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Một số nhà băng khác như BaoVietBank, BVBank, NCB, HDBank cũng trả lãi suất 6%/năm song khách hàng phải gửi tiền kỳ hạn dài, từ 15-24 tháng.

Theo số liệu phóng viên Dân trí thống kê trước đó từ báo cáo tài chính quý II/2024 của các ngân hàng, nửa đầu năm, các ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất trong năm vừa rồi đều nằm trong big 4 (4 ngân hàng lớn có vốn Nhà nước). Tuy nhiên, tháng 8 vừa rồi, nhóm này không điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm

Agribank hút nhiều tiền gửi nhất nửa đầu năm với 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm ngoái. Xếp vị trí thứ hai là BIDV với tổng tiền gửi đạt 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Theo sau là VietinBank với số dư là 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4%. Xếp vị trí thứ 4 là Vietcombank với 1,37 triệu tỷ đồng, giảm 1,5% so với cuối năm ngoái.

Hầu hết chuyên gia đều nhận định tiền vẫn sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng trong bối cảnh lãi suất sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu, lãi suất huy động sẽ dần tăng lên do 2 lý do. Thứ nhất, nửa cuối năm, có thể các ngân hàng sẽ mạnh tay hơn trong cho vay, do đó phải huy động vốn nhiều hơn, ngân hàng phải tăng lãi suất để kéo vốn vào.

Mặt khác, việc tăng lãi suất huy động còn có thể do nợ xấu gia tăng. "Nợ xấu nội bảng tại thời điểm này vào khoảng 4,5%, nếu tính nợ xấu ngoại bảng theo dự tính của tôi vào khoảng 6%. Với nợ xấu tăng cao và nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất huy động sẽ phải tăng, kéo lãi suất cho vay tăng theo", ông Hiếu nói.

Theo vị này, khi nguồn vốn cho vay không quay trở lại hệ thống, các ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho tiền gửi cũ đáo hạn. Việc tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền mới có thể là biện pháp cần thiết để đảm bảo thanh khoản. Dù vậy, vị này lưu ý điều này đẩy chi phí vay lên cao vì các ngân hàng cần giữ biên độ lợi nhuận khoảng 3-4%.

"Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để tăng huy động và tăng cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa năm sau của 2024", ông Nguyễn Trí Hiếu nêu.