Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm, ngân hàng nào vẫn để mức 11%/năm?

Thảo Thu

(Dân trí) - Từ hôm nay, trần lãi suất huy động giảm. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có ngân hàng để lãi suất tiết kiệm gần 11%/năm. Để hưởng mức này, người gửi tiền phải đáp ứng một điều kiện.

Theo ghi nhận của Dân trí, khoảng gần một tháng trở lại đây, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi, tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Mức giảm phổ biến dao động 0,3-0,6 điểm %/năm. Thậm chí một số ngân hàng để lãi suất tiết kiệm giảm tới 1 điểm %/năm. 

Xu hướng giảm lãi suất lan rộng ra các ngân hàng kéo mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt. Đầu tháng 3, vẫn có khoảng 15 nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất trên 9%/năm với kỳ hạn 12 tháng thì nay chỉ có 2 đơn vị sẵn sàng trả mức này là SCB, ABBank.

Nhiều ngân hàng tư nhân khác đang trả lãi suất dao động 8-9%/năm. Đầu tuần trước, Dân trí ghi nhận chỉ có 4 đơn vị trả lãi suất dưới 8%/năm nhưng sang đến tuần đầu tháng 4, hàng loạt đơn vị trả mức này gồm Techcombank, PG Bank, VIB, Eximbank, Sacombank, Agribank, BIDV, Vietcombank, ACB, HDBank…

Diễn biến này ngược lại với cuối năm ngoái, khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng, có thời điểm lên tới gần 11% cho kỳ hạn 12 tháng, gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay. Ngân hàng Nhà nước khi đó cho biết sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý các nhà băng tiếp tục tăng lãi suất.

Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm, ngân hàng nào vẫn để mức 11%/năm? - 1

Để nhận lãi lên tới gần 11%/năm, khách hàng phải gửi tiết kiệm kỳ hạn dài (Ảnh: Tiến Tuấn).

Hiện để được hưởng mức lãi tiết kiệm ở mức 11%/năm như thời điểm cuối năm ngoái, khách hàng chỉ còn lựa chọn gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài.

Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng sẵn sàng trả mức trên 10%/năm. Với kỳ hạn 24 tháng, lãi tiết kiệm phổ biến ở mức 8,9-9,2%/năm. Chỉ một đơn vị trả lãi lên tới 10,95%/năm là CBBank với các kỳ hạn 24, 36, 48 và 60 tháng, cũng là ngân hàng có lãi tiết kiệm kỳ hạn dài cao nhất thị trường tuần đầu tháng 4. 

Diễn biến hạ lãi suất vốn đã được giới trong ngành dự báo trước đó. Các công ty chứng khoán đều cùng chung nhận định lãi suất sẽ rục rịch giảm từ quý II và xu hướng này sẽ trở nên rõ nét khi bước vào nửa cuối năm. Cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại gần đây sau nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, nhà điều hành liên tục gửi văn bản yêu cầu hạ lãi suất tiền gửi, đồng thời chỉ riêng tháng 3 đã có tới 2 lần hạ lãi suất điều hành. Từ hôm nay (3/4), trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng hạ 0,5% xuống 5,5%/năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do các ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Chia sẻ mới đây tại họp báo thông tin hoạt động ngân hàng quý I, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết việc giảm lãi suất điều hành để cắt giảm mặt bằng lãi suất huy động, từ đó đề nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí, tạo nền tảng giảm lãi vay. "Tác động từ cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây tại Mỹ và châu Âu không tác động nhiều đến hệ thống ngân hàng trong nước", ông Quang nói.