1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất tiết kiệm chỉ tăng cục bộ

Trước xu hướng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng gần đây (cả kỳ hạn ngắn và dài ngày), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, lãi suất chỉ tăng cục bộ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trên thực tế, lãi suất tiết kiệm thời gian qua đã giảm khá nhiều nên nguồn tiền tiết kiệm có dịch chuyển sang các kênh đầu tư đang có chiều hướng ấm dần trở lại như: bất động sản, chứng khoán.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đang cải thiện dần, nhất là 2 quý còn lại của năm. Đón đầu xu hướng này, các nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhằm bổ sung nguồn cung, đáp ứng cầu vốn. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cũng vừa được NHNN điều chỉnh lên 17%.

Nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm

Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, nguyên nhân chính phải tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm là do lãi suất đã giảm sâu trước đó. Cụ thể, tại một số ngân hàng cổ phần, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng đã áp dụng mức 4,8%/năm. Với mức lãi suất này, không phải khách hàng nào cũng mặn mà gửi vốn, kể cả các nhà đầu tư có nhu cầu luân chuyển vốn thường xuyên.

Vì thế, chính sách được các nhà băng đưa ra là tiếp tục cộng biên độ lãi suất để thu hút nguồn tiết kiệm, nhưng vẫn không thể vượt trần. Chẳng hạn, SHB cộng thêm biên độ 0,3% cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 3 tháng, nhưng mức lãi suất sau khi cộng thêm biên độ nói trên của nhà băng này cũng chỉ ở mức 5,1%.
 
Lãi suất cho vay khó tăng nhưng cũng khó giảm thêm
Lãi suất cho vay khó tăng nhưng cũng khó giảm thêm

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất hiện nay được SHB công bố ở mức 7,1%, áp dụng cho kỳ hạn dài ngày từ 12 - 36 tháng. Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như: VietCapital, VietA Bank… lại sử dụng chương trình ưu đãi khác, đó là cộng thêm biên độ lãi suất cho những khách hàng có độ tuổi từ 40 trở lên, với mức từ 0,2 - 0,3%.

Đơn cử tại VietA Bank, khách hàng từ 45 tuổi trở lên, khi gửi tiết kiệm sẽ được nhà băng này cộng thêm biên độ 0,3%, nhưng đối với kỳ hạn 1 - 5 tháng, lãi suất cao nhất cũng chỉ được 5,1%/năm. Tương tự, VietCapital áp dụng biên độ cộng thêm 0,3% cho khách hàng từ 40 tuổi trở lên, tạo thêm tính hấp dẫn trong thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ dân cư.

Tuy lãi suất tiền gửi tiết kiệm có tăng lên, nhưng đối với kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày, khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất không quá trần 5,5%/năm. Còn đối với kỳ hạn tiền gửi 12 tháng trở lên, mức cao nhất trên thị trường hiện nay cũng chỉ dao động từ 7,1 -7,4%/năm. Vì thế, theo lãnh đạo các ngân hàng, việc lãi suất tăng nhẹ trở lại là để cân đối với mặt bằng chung của thị trường.

Mới đây, DongA Bank tăng mạnh nhất đối với kỳ hạn tiết kiệm 9 tháng, từ 5,6%/năm lên 6%/năm. Eximbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 5,2%/năm lên 5,4%/năm; 12 tháng tăng từ 5,8%/năm lên 6,2%/năm…

Tại HDBank, lãi suất kỳ hạn 6 - 11 tháng từ mức 5,5%/năm tăng lên 5,7%/năm. Mức tăng mạnh nhất là ở kỳ hạn 12 tháng, từ 6,5%/năm lên 7%/năm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, sở dĩ lãi suất tiền gửi tăng nhẹ là do trước đó DongA Bank đã điều chỉnh giảm xuống mức thấp, nên tăng lại để phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Phó Tổng giám đốc HDBank ông Lê Thành Trung cho hay, việc điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng gần đây chủ yếu do cầu tín dụng đã cải thiện. Tuy thanh khoản của Ngân hàng vẫn khá dồi dào, song theo ông Trung, trước sức cầu vốn của khách hàng, nhất là với doanh nghiệp tăng trở lại, các ngân hàng cần sẵn sàng chuẩn bị nguồn tiền.

Ông Trung nhận định, lãi suất tiền gửi tiết kiệm khó có thể tăng thêm trong thời gian tới, khi lạm phát mục tiêu của năm 2015 được kiểm soát ở mức thấp.

Mặc dù trên thị trường, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất, nhưng NHNN vẫn cho rằng, mặt bằng lãi suất vẫn tương đối ổn định và giảm so với cuối năm 2014. Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất huy động giảm từ 0,2 - 0,4%/năm, cho vay giảm từ 0,2 - 0,5%/năm. NHNN cũng khẳng định, sẽ tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất trong 6 tháng cuối năm theo hướng ổn định như hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng, việc lãi suất tăng gần đây là do cầu tín dụng tăng mạnh, đặc biệt là tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, số liệu từ NHNN cho thấy, vốn đổ vào địa ốc năm nay chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đến hết tháng 5/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89% (chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ) so với 5 tháng đầu năm 2014, vốn đổ vào bất động sản chiếm tỷ trọng 7,96%. 

Các ngân hàng chưa tính tăng lãi suất cho vay

Mặc dù chi phí đầu vào tăng, song theo ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank, lãi suất cho vay khó có thể điều chỉnh tăng theo. Ngược lại, các ngân hàng còn phải cắt giảm chi phí để tiết giảm lãi suất đầu ra nhằm cạnh tranh, thu hút khách hàng vay vốn. Theo ông Trung, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm sâu và khá cạnh tranh, nhưng để có được khách hàng tốt, đòi hỏi ngân hàng phải áp dụng mức lãi suất phù hợp.

Phó Tổng giám đốc VietA Bank, ông Trịnh Minh Thảo cũng cho rằng, khó có thể tăng lãi suất đầu ra, nhất là trước tình hình hiện nay, khi tín dụng chưa thể tăng trưởng nhanh. Mức lãi suất áp dụng như hiện tại, theo ông Thảo là đã phù hợp để vay vốn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngân hàng có thể tăng trưởng nhanh tín dụng, vì tâm lý khách hàng vẫn kỳ vọng lãi suất đi xuống thời gian tới và giá bất động sản giảm thêm.

Còn theo bà Lương Thị Cẩm Tú, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank, Ngân hàng đã nỗ lực đưa ra các chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng. Đáng chú ý là với khách hàng cá nhân, để kích cầu vốn vay mua nhà, không ít gói tín dụng ưu đãi đã được đưa ra, song theo lãnh đạo Nam A Bank, tâm lý khách hàng vẫn dè chừng, vì lo ngại lãi suất tăng sau kỳ ưu đãi, mặc dù, mức lãi suất cho vay cá nhân hiện chỉ dao động 8 - 10%/năm.                

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, một số ngân hàng gần đây tái tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm là do đã giảm mạnh trước đó, nên cần điều chỉnh trở lại để phù hợp hơn với mặt bằng chung của thị trường. Còn thanh khoản của các ngân hàng vẫn khá dồi dào.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng có cải thiện rõ nét trong 6 tháng qua. Tín dụng toàn ngành tăng trưởng 6,09%, tính đến ngày 18/6. Riêng khu vực TP. HCM, ước 6 tháng đầu năm tăng trên 5,5%, so với cuối năm 2014. Vì thế, các ngân hàng tăng lãi suất một phần nhằm chuẩn bị nguồn vốn tốt để cho vay, nhất là với vốn huy động trung, dài hạn.

Theo NHNN chi nhánh TP. HCM, tính đến cuối tháng 6/2015, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng khoảng 3% so với cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn huy động trung, dài hạn có mức tăng trưởng 4% so với cuối năm 2014. Nguồn vốn tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng trưởng 7,6% và chiếm tỷ trọng cao nhất (56%) trong tổng tiền gửi trên địa bàn.

Mặc dù lãi suất đầu vào tăng nhẹ, nhưng ông Minh cũng cho hay, lãi suất đầu ra khó điều chỉnh đi lên. Ngược lại, trong thời gian qua, lãi suất cho vay vốn dần đi xuống, nhất là đối với vốn cho vay trung, dài hạn, theo ông Minh, đã giảm từ 1 - 1,5%.

Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực ưu tiên đối đa không quá 7%/năm, vốn trung, dài hạn dao động 8 - 9%/năm. Riêng với các doanh nghiệp nằm trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, lãi suất còn thấp hơn. Cũng theo ông Minh, lãi suất khó tăng, nhưng cũng khó giảm thêm. Một phần, do thời gian qua mặt bằng lãi suất (cả đầu vào và đầu ra) đã giảm đáng kể, do lạm phát thấp.            

Theo Thùy Vinh
Đầu tư Chứng khoán
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm