Lãi suất tiến và lùi
Khác với trước đây, lần này để giảm 1 điểm phần trăm trần lãi suất huy động Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tiếp thị công khai vừa âm thầm chuẩn bị cơ sở vật chất.
Đầu tiên Thống đốc tuyên bố sẽ giảm lãi suất trong “vài ngày tới” để thăm dò phản ứng thị trường. Kế đó ở phía sau các văn bản đắp nền cho giảm lãi suất như cho vay ngoại tệ, phát hành tín phiếu NHNN, bổ sung quy định giao dịch thị trường liên ngân hàng được ban hành.
Trước tất cả những động thái này là cuộc họp không chính thức của cơ quan quản lý với các ngân hàng tầm cỡ, mà nội dung cơ bản là các “anh cả” được chỉ đạo giảm lãi suất cho vay. Ngay sau đấy những tổ chức tín dụng “thính tai’ đã chạy đua mua trái phiếu chính phủ, khiến lãi suất của loại hàng hóa đang có dấu hiệu khan hiếm này tụt xuống dưới 11%/năm cho các kỳ hạn 2-3 năm.
Đắp nền trước giảm lãi suất
Thông tin được giới tài chính cả nội và ngoại đánh giá tích cực hàng đầu là sự gia tăng mạnh mẽ của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Theo NHNN, năm ngoái dự trữ ngoại hối tăng 50% so với năm 2010 và từ đầu năm đến nay tăng thêm 20% nữa so với cuối năm 2011. Những số liệu khả quan này có vẻ như chưa dừng lại khi mới đây ngành hải quan cho biết nhập siêu hai tháng đầu năm chỉ hơn 100 triệu USD Mỹ. Tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và USD Mỹ đang ổn định theo hướng tiền đồng lên giá. Từ mức 21.000 đồng/USD Mỹ mấy tháng trước, nay chuyển về quanh 20.800 đồng/USD Mỹ, tiền đồng đã lên giá 1,43% chỉ trong chưa đầy 90 ngày. Sự lên giá này là mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ngay cả vào thời điểm năm 2007, khi NHNN được yêu cầu mua vào ngoại tệ để giảm bớt sự ứ đọng USD Mỹ trên thị trường, tiền đồng cũng chỉ tăng giá khoảng 1%.
Muốn động thái giảm lãi suất có ý nghĩa thực sự, thì phải bỏ trần lãi suất. Hoặc ở một mức độ thấp hơn là áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động. |
Một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tiền đồng lên giá là mặt bằng lãi suất cao, cộng với nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ xuất khẩu, từ vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, kiều hối... Lãi suất cao được hỗ trợ bởi nguồn cung tiền đồng đang bị kiểm soát chặt, đồng thời tăng trưởng tín dụng bị đóng khung ở mức thấp. Sự kiểm soát chủ động nguồn cung nội tệ là cần thiết bởi nó là tác nhân trung hòa lượng tiền đồng tung ra để mua ngoại tệ.
Bây giờ giảm lãi suất có nghĩa là gián tiếp làm tiền đồng yếu đi, nên cách hành xử khôn ngoan sẽ phải là “canh cửa” ngoại tệ. Ngày 8/3/2012, NHNN ban hành Thông tư 03 về cho vay ngoại tệ, theo đó cho vay ngoại tệ thanh toán nhập khẩu chỉ thực hiện với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.
Cái này so với quy định trước đây không mới. Cái mới là ở đây: cho vay ngắn hạn để thanh toán nhập khẩu xăng dầu phải được NHNN cho phép bằng văn bản; và mọi nhu cầu vay ngoại tệ khác cũng phải được NHNN chấp nhận bằng văn bản căn cứ theo từng trường hợp cụ thể. Nói cách khác, cơ quan quản lý ráo riết hơn, chặt chẽ hơn trong giám sát tín dụng ngoại tệ vì nó là đầu mối ảnh hưởng đến tỷ giá.
Mặt khác, khi phát đi tín hiệu về khả năng phát hành tín phiếu NHNN, cơ quan quản lý cho thấy sẵn sàng hành động nếu lạm phát biến động theo chiều bất lợi cho ổn định vĩ mô. Rõ ràng để giảm lãi suất, rào chắn bốn bề đã được dựng khá dày đặc.
Thay trần lãi suất huy động bằng trần lãi suất cho vay?
Thanh khoản vẫn là vấn đề trọng tâm của ngành ngân hàng, nhưng là trọng tâm ngắn hạn của một nhóm ngân hàng yếu kém, chiếm thị phần khoảng 10%. Phần còn lại, các ngân hàng đang lãi lớn. Cũng đúng thôi, ngân hàng không quan tâm lãi suất cao thấp, mà sự chú ý là chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, tức lợi nhuận biên. Huy động cao thì ngân hàng cho vay cao và ngược lại.
Với doanh nghiệp thì không thể như vậy!
Lãi suất cao là chuyện sống còn của doanh nghiệp. Hiện nay ngay cả những tiếng nói ủng hộ ưu tiên chống lạm phát đã phần nào dịu đi khi nhận ra lạm phát chưa làm mấy ai ngắc ngoải, nhưng lãi suất cao đã làm 50.000 doanh nghiệp biến mất năm vừa qua. Nói lãi suất cao sàng lọc doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như quan điểm của NHNN không sai, nhưng nền kinh tế sẽ trôi về đâu nếu doanh nghiệp giải thể, phá sản vì lợi nhuận làm ra không đủ bù đắp chi phí tài chính, trong đó phần lớn là chi phí trả lãi vay?
Chính vì thế thị trường ngóng đợi quyết định giảm lãi suất chính thức và sau đó là giảm lãi suất đầu ra. Nhưng xem chừng giảm lãi suất đầu ra vẫn còn khá mờ nhạt. Khi trần lãi suất huy động hạ xuống, lãi suất tiết kiệm tụt ngay, song lãi suất cho vay lại không tụt tương ứng. Vẫn chỉ là những thông báo nhỏ giọt của một số ngân hàng dành vài ngàn tỉ đồng/mỗi nơi để cấp tín dụng cho những khách hàng thuộc lĩnh vực khuyến khích. Vì sao thế? Vì “cơm vẫn treo và mèo vẫn nhịn đói”. Lãi suất giảm, nhưng cung tiền chỉ có từng ấy, tăng trưởng tín dụng cũng chỉ có từng ấy, trong khi nhu cầu vốn của xã hội vẫn cao, thì đương nhiên việc giảm lãi suất huy động đã mất đi ít nhiều ý nghĩa.
Muốn động thái giảm lãi suất có ý nghĩa thực sự, thì phải bỏ trần lãi suất. Hoặc ở một mức độ thấp hơn là áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động. Ngân hàng chẳng dại gì niêm yết lãi suất tiết kiệm cao khi mà trần lãi suất cho vay sờ sờ ra đó. Ngoài ra khi có trần lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ phải chọn lọc để rót vốn cho những khách hàng an toàn, có khả năng trả nợ. Lúc ấy mới thực sự là sàng lọc để loại bỏ bớt doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả.
Theo Lưu Hảo
TBKTSG