1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất thấp nhất lịch sử, gửi tiền ngân hàng nào để có lãi cao nhất?

Nhật Quang

(Dân trí) - Tính đến đầu tháng 12, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hơn 30 ngân hàng giảm 0,2 điểm % so với tháng trước. Lãi suất cao nhất chỉ 5,7%/năm, thấp nhất 4,2%/năm.

Lãi suất tiếp tục giảm 

Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến ngày 4/12, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,2%/năm, giảm 0,2 điểm % so với đầu tháng 11 và giảm 3,2 điểm % so với đầu năm.

Lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. 3 tháng đầu năm mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng là trên 8%/năm. Đến quý II, lãi suất giảm về quanh mốc trung bình 7%/năm. 

Bước sang quý IV, mặc dù lãi suất vẫn tiếp tục giảm khoảng 0,2 điểm % mỗi tháng nhưng đà giảm đã chậm lại. Ở các kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng, lãi suất bình quân đã giảm 2,2 điểm %.

Mới đây, Vietcombank đã giảm 0,2 điểm % lãi suất huy động tất cả kỳ hạn. Đây là lần thứ ba chỉ trong 2 tháng qua ngân hàng này điều chỉnh giảm biểu lãi suất huy động. Với lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm của Vietcombank về thấp kỷ lục, cũng là mức thấp nhất hệ thống ngân hàng.

Lãi suất khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Vietcombank giảm về 2,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 2,7%/năm, giảm tới hơn một nửa so với hồi đầu năm.

Với kỳ hạn dài, từ 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất cao nhất tại Vietcombank còn 4,8%/năm trong khi đầu năm trên 7%/năm.

Gửi tiền ngân hàng nào để có lãi cao nhất?

Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tiết kiệm tại quầy, VietBank hiện là đơn vị niêm yết lãi suất cao nhất với 5,7%/năm. Theo sau, loạt nhà băng cùng áp dụng mức lãi suất 5,5%/năm là BaoVietBank, HDBank, KienlongBank, NamABank, NCB, VietABank và BVBank.

Lãi suất thấp nhất lịch sử, gửi tiền ngân hàng nào để có lãi cao nhất? - 1

15 ngân hàng có lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất tính đến đầu tháng 12 (Nguồn: Phóng viên tổng hợp).

Với khoản tiền gửi thông thường, mốc lãi suất trên 6%/năm không còn xuất hiện kể từ đầu tháng 11. 

Thời điểm đầu tháng 11, khảo sát ghi nhận chỉ 2 đơn vị có lãi suất dưới 5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng gồm SeABank (4,9%/năm) và ABBank (4,2%/năm).

Sang đến đầu tháng 12, con số này đã tăng thêm 4 đơn vị. Trong đó, Sacombank, Vietcombank cùng có mức lãi suất 4,8%/năm. Techcombank hạ từ 5,2%/năm về 4,75%/năm. ACB giảm về còn 4,6%/năm.

Tại một số ngân hàng, lãi suất ưu đãi trên 6%/năm vẫn tiếp tục được áp dụng khi đi kèm với điều kiện đặc biệt hoặc gửi tiền kỳ hạn dài. 

Đơn cử như tại MSB, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 9%/năm, dưới 500 tỷ đồng lãi suất ở mức 5,1%/năm. HDBank tiếp tục áp dụng lãi suất 8%/năm kỳ hạn 12 tháng, 8,4%/năm kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 300 tỷ đồng.

Ngoài ra, các kỳ hạn tiền gửi dài cũng sẽ có mức lãi suất nhỉnh hơn 6%/năm tại một số nhà băng. Tại MB, tiền gửi trên 24 tháng được áp dụng lãi suất 6,4%/năm. OCB áp dụng lãi suất 6,3%/năm cho tiền gửi trên 36 tháng. KienlongBank áp dụng lãi suất trên 6%/năm với kỳ hạn trên 17 tháng.

Lãi suất đã ở mức thấp nhất lịch sử

Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết từ cuối tháng 11 các ngân hàng TMCP Nhà nước và một số ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1-0,3 điểm %.

Tính riêng ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, mức lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3%-4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng cho cả cá nhân và tổ chức kinh tế.

Ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc nghiên cứu và phân tích của FIDT - đơn vị chuyên về tư vấn đầu tư và quản lý gia sản - cũng dự báo dư địa giảm thêm lãi suất huy động không còn nhiều. Ông dự đoán lãi suất huy động sẽ có xu hướng đi ngang từ đây đến cuối năm.