Lãi suất tăng trở lại, sau lễ gửi tiền ở đâu sinh lời tốt?
(Dân trí) - Một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động trong tháng 4, mức cao nhất hiện lên tới 6,1%/năm cho kỳ hạn dài.
Thay vì xu hướng giảm đồng loạt như trước, tháng 4 vừa rồi, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, có tới 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi trong bối cảnh người dân rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng.
Các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tăng gồm Eximbank, BVBank, CBBank, MSB, TPBank, OceanBank, KienlongBank, VietinBank… Mức tăng phổ biến từ 0,1 đến 0,5 điểm %.
Ở nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, VietinBank là đơn vị duy nhất tăng 0,2 điểm % lãi suất tiết kiệm, áp dụng với các khoản tiền gửi 300 triệu đồng trở lên của khách hàng cá nhân.
Sau điều chỉnh, dải lãi suất cho tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng tăng lên mức 1,9-2,2%/năm; kỳ hạn 6-10 tháng lãi suất 3,2%/năm; kỳ hạn 11 tháng nhận lãi suất 4,5%/năm. Lãi suất với các kỳ hạn 24-36 tháng tăng lên 5%/năm.
Ở nhóm tư nhân, VPBank điều chỉnh từ 0,1 đến 0,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Kỳ hạn tăng cao nhất là 12 tháng, từ mức 4,2% lên 4,7%/năm khi gửi tại quầy, còn khi gửi trực tuyến từ 4,3% lên 4,8%/năm. Mức tăng phổ biến tại các ngân hàng còn lại là 0,2 điểm % và chỉ áp dụng cho một số kỳ hạn.
Với khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất phổ biến được các ngân hàng niêm yết trong khoảng từ 4,3-5%/năm. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất là 5,4-5,7%/năm. Kỳ hạn 24 tháng, lãi suất phổ biến là 5,8%. Mức lãi suất cao nhất ghi nhận hiện tại là 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Tuy nhiên, với những khoản tiền lớn lên tới cả trăm tỷ đồng, khách hàng có thể lựa chọn gửi tại các ngân hàng MSB, DongA Bank, ACB, HDBank, PVCombank... để được hưởng lãi suất đặc biệt.
PVcomBank sẵn sàng trả lãi lên đến 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Hay tại HDBank, lãi suất đặc biệt là 7,7%/năm với kỳ hạn 12 tháng và 8,1%/năm với kỳ hạn 13 tháng với khoản tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng. DongA Bank cũng đang trả lãi tới 7,5%/năm khi gửi tiền từ 200 tỷ đồng.
*Biểu lãi suất một số ngân hàng (đơn vị: %/năm)
Ngân hàng | 9 tháng | 12 tháng | 24 tháng | 36 tháng |
OceanBank | 4,1 | 5,4 | 6 | 6,1 |
OCB | 4,7 | 4,9 | 5,8 | 6 |
VietBank | 4,7 | 5,2 | 5,8 | 5,8 |
SaigonBank | 4,1 | 5 | 5,7 | 5,8 |
MB | 3,7 | 4,6 | 5,7 | 5,7 |
LBank | 4,1 | 5 | 5,6 | 5,6 |
KienlongBank | 5 | 5,2 | 5,5 | 5,5 |
HDBank | 4,6 | 5 | 5,5 | 5,5 |
NCB | 4,65 | 5 | 5,5 | 5,5 |
SHB | 4,4 | 4,9 | 5,5 | 5,5 |
VietABank | 4,3 | 4,8 | 5,2 | 5,2 |
Eximbank | 4,1 | 4,9 | 5,2 | 5,2 |
Xu hướng lãi suất có sự phân hóa thay vì giảm đồng loạt như trước trong bối cảnh tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu chững lại.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, ước tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023, trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%.
Từ tháng 1, người dân đã bắt đầu có dấu hiệu rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng. Đến hết tháng 1, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,53% so với cuối năm ngoái, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố.
Ở phía khách hàng là tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng hiện đạt hơn 6,67 triệu tỷ đồng đến hết tháng 1, giảm 2,41% so với cuối năm ngoái, tức giảm 165.189 tỷ đồng trong một tháng, dù trước đó tăng liên tục, thậm chí đạt kỷ lục.
Trong phiên họp thường niên của VietinBank diễn ra cuối tháng 4, Ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành ngân hàng này, nói điểm nhấn đầu năm nay là tình hình tỷ giá đã liên tục tăng từ đầu quý IV, đến nay đã đạt trên 25.000 đồng/USD.
Ông Sơn nêu, những yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá bao gồm chỉ số USD-Index đo sức mạnh đồng bạc xanh liên tục tăng do CPI Mỹ vượt dự báo, các nhà đầu tư thận trọng dự trữ ngoại tệ ngăn ngừa biến động tỷ giá; và tình trạng chênh lệch lãi suất USD/VND cao nhất lịch sử.
"Chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,5 điểm %. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá", ông Sơn nói. Vị này cho hay, trong bối cảnh này, lãi suất ngân hàng chắc chắn sẽ tăng.