1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất tăng không theo quy luật!

Vốn khả dụng dư thừa nhưng ngân hàng vẫn tăng lãi suất. Theo nhận định của Phòng Chính sách tiền tệ và Quản lý vốn khả dụng, lãi suất trong thời gian qua đã tăng trái quy luật.

Sau phản ánh của báo chí, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cũng đã chính thức đưa ra nhận định: Trong thời gian qua, mặc dù vốn khả dụng của hầu hết các ngân hàng dư thừa nhưng lãi suất vẫn tăng và đang trong xu hướng tăng.

 

Vụ Chính sách tiền tệ cho biết mức dư thừa vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng trong quý I/2006 cao hơn so với cùng kỳ năm 2005; trong đó tập trung ở khối ngân hàng thương mại nhà nước. Và nhìn chung, khối các ngân hàng cổ phần, liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn khả dụng dư thừa ở mức thấp hoặc tương đối cân bằng. Trong khi đó, lãi suất cả USD và VND vẫn tăng khá đều.

 

Vì sao?

 

Theo phân tích của Phòng Chính sách tiền tệ và Quản lý vốn khả dụng (Vụ Chính sách tiền tệ), có hai nguyên nhân chính đẩy lãi suất lên cao trong thời gian qua.

 

Thứ nhất là tác động của lãi suất trên thị trường quốc tế liên tục tăng. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2006, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 3 lần tăng lãi suất, từ mức 4,25% lên 5%/năm. Lãi suất quốc tế tăng, đã làm lãi suất huy động ngoại tệ trong nước tăng theo. Và để đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa VND và ngoại tệ, khi lãi suất ngoại tệ tăng thì lãi suất VND cũng tăng tương ứng.

 

Thứ hai là mặc dù vốn khả dụng dư thừa, nhưng không đồng đều ở tất cả các ngân hàng. Một số ngân hàng cổ phần vẫn có thời điểm thiếu vốn tạm thời và phải vay cầm cố từ Ngân hàng Nhà nước. Thêm vào đó, hoạt động trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng chưa phát triển nên đồng vốn không được luân chuyển từ ngân hàng thừa vốn đến ngân hàng thiếu vốn.

 

Vì vậy vốn dư thừa vẫn bị đọng ở một số ngân hàng trong khi những ngân hàng thiếu vốn vẫn phải tăng cường huy động từ nền kinh tế bằng mức lãi suất hấp dẫn... Do đó, nhìn chung toàn hệ thống có dư thừa vốn nhưng lãi suất vẫn có xu hướng tăng.

 

Lãi suất tăng trái quy luật?

 

Lý giải về nhận định trên, Phòng Chính sách tiền tệ và Quản lý vốn khả dụng đưa ra một số phân tích sau:

 

Trước hết, vốn khả dụng dư thừa trong khi lãi suất vẫn tăng là một bất bình thường. Chỉ số giá tiêu dùng tính theo năm của tháng 1 là 8,8%, tháng 2 là 8,4%, tháng 3 là 7,7% và tháng 4 là 7,4% đều giảm nhưng lãi suất vẫn tăng.

 

Các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu vẫn ổn định kể từ đầu năm; thậm chí lãi suất nghiệp vụ thị trường mở liên tục giảm từ mức 6,4-6,85%/năm đầu năm xuống còn 1,9-4,4%/năm vào cuối tháng 5/2006.

 

Một trái ngược đáng chú ý khác là trong quý I/2006, giá chứng khoán tăng mạnh, VNIndex liên tục phá kỷ lục nhưng lãi suất vẫn có xu hướng tăng. Về lý thuyết, khi giá chứng khoán tăng làm cầu về chứng khoán tăng, cầu tiền tệ giảm sẽ làm giảm lãi suất. Nhưng diễn biến trên thực tế lại cho thấy thêm một sự trái ngược.

 

Vậy vì sao có sự trái ngược trên? “Là do tác động của lãi suất trên thị trường quốc tế, do sự cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại trong khi thị trường tiền tệ của Việt Nam chưa phát triển”, Vụ Chính sách tiền tệ khẳng định.

 

Vụ Chính sách tiền tệ cũng đưa ra khuyến cáo “các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng lớn, cần nhìn nhận lại việc điều hành vốn và lãi suất. Về lâu dài, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường tiền tệ, làm cho nguồn vốn được hoạt động thông suốt để tránh hiện tượng vốn thừa ở một số ngân hàng nhưng lãi suất vẫn tăng”.

 

Theo T.M.Đức

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm