Đại biểu Quốc hội: “Lãi suất cao giết chết doanh nghiệp”

(Dân trí) - “Từ nay đến cuối năm, tôi mong Thống đốc mạnh mẽ hơn với những kịch bản mua bán, sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động, cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém”.

"Chúng ta thấy trong thời gian qua, sự cạnh tranh đó đẩy lãi suất lên cao, giết chết nền kinh tế, doanh nghiệp", TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đã nói như vậy khi trao đổi với báo chí tại phiên họp tổ sáng 24/5.

Đại biểu Quốc hội: “Lãi suất cao giết chết doanh nghiệp”
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân.

Ông đánh giá thế nào về mức độ kiềm chế lạm phát hiện nay?

Chúng ta kiềm chế lạm phát thành công nhưng không có nghĩa là đã bình yên, nó vẫn còn có những yếu tố đe dọa bùng lạm phát trở lại.

Từ mức 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 8% vào tháng 5/2012, đó là sự đi xuống nhưng đã bền chưa? Đó là cái lo vì trong rổ hàng hóa để tính chỉ số CPI có tới 40% là lương thực thực phẩm, ăn uống. Trong khi những khoản đó hệ thống phân phối của chúng ta trong thời gian vừa qua có cải thiện, có mở rộng mạng lưới bán lẻ, đi vào vùng sâu vùng xa, mở rộng các siêu thị, các quầy, cửa hàng. Ngoài ra bên lương thực, bên chế biến, các công ty chăn nuôi cũng đã có những cải tiến. Nhưng để bền ở đây còn một khâu nữa là dịch vụ ăn uống và gia đình.

Trong yếu tố kiềm chế lạm phát vừa qua, bên cạnh sự thành công có một phần là của Chính phủ nhưng có yếu tố khách quan, đó là thịt heo bị bệnh siêu nạc mà yếu tố này chiếm rất lớn trong rổ hàng hóa thực phẩm, người dân sợ không dám mua.

Trong bản trả lời các kiến nghị của kỳ họp trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có nói đến xem xét lãi suất cơ bản trong 6 tháng đầu năm, ông bình luận về việc này như thế nào?

Tôi nghĩ thời điểm này chúng ta có thể xem xét lại các chính sách lãi suất và điều hành lãi suất nên theo hướng tự do hóa lãi suất. Thời điểm này với chỉ số lạm phát này, với nền kinh tế này phải giảm sâu lãi suất huy động và có thể kéo xuống ở mức 10% và đưa ra một mức lãi suất của Ngân hàng Trung ương như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu. Nhưng Ngân hàng Trung ương phải có một thông điệp, khi kéo lãi suất về 10%, chúng tôi sẵn sàng cho bất kỳ ngân hàng nào vay ở mức 10%. Các ngân hàng nào cần vốn thì chạy đến Ngân hàng Trung ương để vay 10% chứ không cần vượt trần huy động.

Ngân hàng Trung ương nếu có thông điệp đó, mạnh dạn đưa vốn ra thị trường để hỗ trợ cho thị trường thì chúng ta sẽ xóa được việc cạnh tranh vốn trên thị trường, từ đó có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay.

Mặt khác, tôi mong Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ nay đến cuối năm mạnh mẽ hơn với những kịch bản mua bán, sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động, cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém. Nếu để càng lâu thì nền kinh tế càng phải gánh chịu những hậu quả. Chúng ta thấy trong thời gian qua, sự cạnh tranh đó đẩy lãi suất lên cao, giết chết nền kinh tế, cụ thể là giết chết doanh nghiệp

Cho nên hãy làm nhanh, làm nhanh hơn nữa việc tái cơ cấu ngân hàng đem lại mặt bằng lãi suất thấp cho doanh nghiệp.

Tức là ông không đồngthuận với những chính sách hiện nay của Ngân hàng Nhà nước?

Tôi thấy điều hành lãi suất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hướng, tức lài lãi suất sẽ đi theo lạm phát cơ bản. Còn nếu chúng ta đi theo CPI thì chúng ta sẽ chạy theo cơn sóng vì giá xăng dầu thế giới bùng lại, nó sẽ làm CPI tăng lên và lúc đó lãi suất phải tăng theo. Lãi suất mà thay đổi quá sẽ làm cho doanh nghiệp không dự báo được và không quyết định đầu tư, do đó hiện nay có tình trạng doanh nghiệp phòng thủ rất lớn, không biết làm gì.

Thông điệp của chúng ta là phải giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài và kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát để giữ lãi suất theo hướng đó.

Với thực tế hiện nay của nền kinh tế, theo ông, chúng ta nên dùng từ “giảm phát” hay “suy giảm”?

Tôi nghĩ nền kinh tế chúng ta đang suy giảm và dấu hiệu lạm phát đang được kiểm soát tốt, chứ chưa gọi là giảm phát. Giảm phát là âm mà chỉ số lạm phát hiện nay là 8%, vẫn còn cao lắm, ở các nước khu vực họ có 4% thôi. Nếu chúng ta sử dụng không khéo thì điều hành sẽ rất khó. Lạm phát các nước trong khu vực bình quân là 4% nên lãi suất cho vay chỉ khoảng 6-7%, còn lạm phát của mình 8% đã được cho là thấp vì thời điểm tháng 8/2011 là 23%. Đó là yếu tố chúng ta cần phải hành động vì nếu nói giảm phát là một gói kích cầu giống như năm 2009 thì nó sẽ thổi bùng lên lạm phát của năm sau.

Cho nên thông điệp cần thiết của Chính phủ là chúng ta kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức hợp lý. Theo tôi lạm phát năm nay khoảng 8% là hợp lý, nên không có lý do gì để lãi suất quá cao.

Ông có bình luận gì về “sức khỏe” các doanh nghiệp hiện nay?

Doanh nghiệp phá sản có rất nhiều nguyên nhân như vòng đời của doanh nghiệp, sinh lão bệnh tử, sinh ra rồi phát triển, nhưng ở đây doanh nghiệp lại tử nhanh quá.

Theo đánh giá của tôi, liều thuốc điều trị là Nghị quyết 11 về thắt chặt chính sách tiền tệ, chúng ta đã uống hơi quá liều. Vì sao chúng ta cần phải cân nhắc cái đó? Bởi vì nó đang dẫn đến những hậu quả chúng ta đang thấy, đó là năm 2011 có 54 nghìn doanh nghiệp ngừng sản xuất và phá sản, 4 tháng đầu năm nay có thêm gần 18 nghìn doanh nghiệp nữa. Như vậy, trong vòng hơn một năm đã có khoảng 80 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản.

Hệ lụy kéo theo là thất nghiệp, làm suy giảm kinh tế, cho nên quý I tăng trưởng 4%, tôi cho rằng con số này quá cao không đúng với thực tế vì dư nợ tín dụng giảm, doanh nghiệp phá sản.

- Xin cảm ơn ông?

Nguyễn Hiền