1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Lãi suất ngân hàng sẽ hạ xuống quanh 10%/năm"

(Dân trí) - Tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kéo lãi suất huy động xuống quanh mức 10%/năm là mục tiêu chính mà Thống đốc NHNN đặt ra trong năm 2012.

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định tiếp tục siết lại kỷ cương ngân hàng, quản lý thị trường vàng và tìm “đòn bẩy” cho thị trường chứng khoán vốn đìu hiu trong năm vừa qua.
 
"Lãi suất ngân hàng sẽ hạ xuống quanh 10%/năm" - 1
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời báo chí tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 sáng 22/12:

 

Việc điều hành chính sách tiền tệ thực hiện như thế nào để đáp ứng được những mục tiêu của năm tới?

 

Điều hành kinh tế năm 2012 vẫn theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu trọng tâm. Xuất phát từ tinh thần đó, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn theo hướng chặt chẽ nhưng mức độ linh hoạt, chủ động được nâng cao lên để có thể đáp ứng mọi diễn biến trong năm 2012.

 

Chúng ta vẫn coi đây là 1 năm kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ có diễn biến hết sức phức tạp. Từ định hướng chung như vậy, chúng tôi thấy, về lĩnh vực tín dụng, như vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói - tăng trưởng tín dụng của VN là 12% trong năm 2011, năm 2012 chúng tôi quyết định đưa mức tăng trưởng tín dụng chung lên 15-17%.

 

Theo tính toán của chúng tôi ở mức như thế mới phù hợp với mức tăng trưởng 6-6,5% và mới có điều kiện đưa lạm phát về 1 con số trong 2012.

 

Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ 12%, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp. Có những thời điểm tín dụng cho nông nghiệp tăng đến 30% nhưng trung bình, do tính chất thời vụ nên mức chung chỉ là 25%. Đặc biệt tín dụng ngân hàng vừa rồi dành cho lĩnh vực xuất khẩu rất lớn, trung bình ở mức 30-35% nhưng đến cuối năm nay mức tăng trưởng tập trung cho lĩnh vực này tới 58%. Các lĩnh vực khác, tốc độ có thể thấp hơn nhưng nhìn chung cho toàn bộ khối sản xuất là 15,7%.

 

Lĩnh vực phi sản xuất có cái giảm đáng kể, đều giảm trên 20%. Như vậy nền kinh tế của ta ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

 

Từ những kết quả đó, dự kiến cũng có những chính sách tương tự nhưng ở mức độ linh hoạt hơn trong năm 2012.

 

Điểm mới cơ bản là bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi có quy định tỷ lệ nhất định với các tổ chức tín dụng, khác nhau với từng tổ chức để phù hợp với điều kiện hoạt động cũng như tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng đó.

 

Năm nay chúng tôi có bỏ ra một số đối tượng đặc biệt liên quan đến bất động sản như xây nhà ở mà hoàn thành trong năm 2012, đặc biệt ưu tiên nhà ở xây dựng cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đặc biệt, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà trọ cho công nhân các khu công nghiệp hoặc xây dựng lại khu định cư của các thành phố khi giải tỏ mặt bằng…Những đối tượng đó được loại ra khỏi nhóm phi sản xuất.

 

Đối tượng thứ 2 trong lĩnh vực này là đối tượng cho vay mua nhà để ở của người có thu nhập trung bình và thấp vì có cho vay được cái này mới giải phóng được hàng tồn kho trong thị trường bất động sản.

 

Hiện cũng có một số ý kiến nói rằng thị trường chứng khoán đang có bước đi xuống. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán để có cách cải thiện phần nào thị trường.

 

Vậy điều ông lo ngại nhất trong hoạt động điều hành NH năm 2012?

 

Điều lo ngại nhất chúng tôi cho rằng là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Đây là điều thực sự còn rất nhiều trăn trở vì một mặt lãi suất dù có xuống nhưng lúc nào cũng vẫn ở thế rình rập. Và như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói, lạm phát là chiều hướng chung của tất cả các nước trên thế giới, trong cả khu vực, không loại trừ Việt Nam.

 

Nguy cơ lạm phát vẫn rất hiện hữu trong khi chúng ta phải cố gắng làm sao để hạ lãi suất xuống. Cân đối được cái đó là bài toán rất khó đối với NHNN. Lúc nào là lúc có thể hạ, hạ ở mức độ bao nhiêu. Điều hành chung, dù kinh tế vĩ mô vẫn chưa đầy đủ điều kiện để áp dụng mô hình “lạm phát mục tiêu” nhưng chúng tôi cũng lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012. Nếu thực hiện được mục tiêu đặt ra, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động cuối năm tới trong hệ thống ngân hàng cũng chỉ dao động trong khoảng 10%.

 

Năm vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại về kỷ cương trong hệ thống ngân hàng như chuyện lãi suất vượt trần 14%, tỷ giá niêm yết 1 đằng, giao dịch 1 nẻo. Thống đốc xử lý việc này thế nào?

 

Kỷ cương thị trường là vấn đề yếu trong hệ thống ngân hàng cũng như thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam nói chung trong thời gian qua. Năm vừa rồi chúng tôi đã đi được 1 bước trong việc củng cố và trấn chỉnh kỷ cương này. Với kết quả ban đầu, những nỗ lực, khung pháp lý, có cái đã ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để làm cho việc kỷ cương thị trường trong năm tới sẽ tốt hơn.

 

Cũng có 1 yếu tố mà chúng tôi cho rằng từ kết quả, kinh nghiệm của năm 2011 chúng ta thấy, nếu làm cho tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ko nóng nữa thì cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng bớt căng thẳng đi, từ đó sẽ bớt những hoạt động không lành mạnh, cũng sẽ góp phần điều tiết thị trường trong thời gian tới. Nhìn chung tất cả các kỷ cương kỷ luật sẽ được siết để đạt kết quả to lớn hơn trong năm tới. Chúng tôi cũng mong muốn 2012, riêng thị trường vàng sẽ có bước tiến hết sức cơ bản để làm sao ổn định được thị trường vàng và cũng bước đầu trong lộ trình 5 năm của chúng tôi về việc chống đô la hóa và hạn chế chi tiêu tiền mặt.

 

Với thị trường vàng, mình đã tiến hành bán vàng bình ổn và tiến tới thống nhất 1 thương hiệu vàng miếng do NHNN nắm giữ nhưng có vẻ như sau một thời gian có sự thu hẹp khoảng cách giá thế giới và trong nước, hiện giờ khoảng cách này lại tăng rất cao. Có thể có 1 phần tâm lý do thương hiệu SJC trong khi các ngân hàng cũng bỏ ra 1 lượng vàng rất lớn để bình ổn nhưng các biện pháp chưa tỏ ra hiệu quả trong thời gian vừa rồi?

 

Đúng thế. Chúng ta cũng thấy rằng ta có tiến bộ ban đầu để tạo ra 1 hình hài cho việc điều hành trong thời gian tới. Chúng tôi còn phải ban hành ít nhất 2 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng là nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng. Mặc dù chúng ta đã đề ra trong năm vừa qua nhưng đến nay cũng vẫn chưa ban hành được.

 

Thời gian tới Chính phủ ban hành Nghị định này thì sẽ có thêm công cụ quan trọng để bình ổn thị trường vàng. Sau đó, NHNN sẽ xây dựng và ban hành quy chế về huy động vàng trong nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng với 3 công cụ là Nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng, Nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này (nghị định 95 đã ban hành) cộng với Quy chế huy động vàng sẽ là điểm quan trọng góp phần bình ổn thị trường vàng. Còn vừa qua chúng ta mới thử nghiệm cơ chế này, dùng đúng lực lượng của thị trường để thử nghiệm nên ta thấy nó có kết quả vì đây là dùng lực lượng thị trường nên chưa thể đi vào nề nếp và cuộc sống như mong muốn.

 

Việc ngân hàng bán vàng bình ổn nhưng cơ chế tài khoản cũng chưa thực sự yên tâm?

 

Việc bán vàng ra, trong năm vừa rồi có diễn biến, giá vàng thế giới thời gian vừa qua rớt nhanh quá. Do vậy, những người dân đã mua vào trước đây không muốn bán ra vì lỗ. Vì vậy tâm lý ko bán vàng ra, những người chưa mua thì cũng mua vào nên làm cho cung cầu có sự bất ổn.

 

Trong khi đó vì 3 cơ chế đã nói ở trên dù đã thử nghiệm nhưng chưa đầy đủ mọi khả năng của nó nên lượng bán có thể bán ra cũng vẫn đang ở mức cầm chừng. Vậy nên khi có đầy đủ các 3 văn bản, đầy đủ môi trường pháp lý thuận lợi người ta sẽ tham gia thị trường mạnh mẽ hơn nữa dưới sự điều hành của NHNN.

 

P.Thảo - H. Kỹ (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm