1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lãi suất huy động VND đột ngột giảm mạnh

(Dân trí) - Thị trường tiền tệ đang có sự thay đổi khi lãi suất huy động VND được một số ngân hàng điều chỉnh giảm từ hôm nay, có nơi tới 1%. Đây có thể là động thái đón đầu đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất huy động giảm mạnh.
Lãi suất huy động giảm mạnh.

Đón đầu đợt cắt giảm mới

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ hôm nay 20/3, lãi suất huy động của ngân hàng này giảm ở một số kỳ hạn.

Cụ thể, ở kỳ hạn từ 1 - 3 tháng, lãi suất huy động tại đây từ mức kịch trần 8%năm xuống còn 7,5%/năm, tức giảm 0,5%/năm. Ở kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm.

Còn theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), kể từ ngày 14/3, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn truyền thống của ACB giảm 0,2% đối với các kỳ hạn 1 đến 6 tháng, niêm yết ở mức 7,8% đối với hình thức lãi cuối kỳ và 7,7% với hình thức lãi tháng. Riêng kỳ hạn 9 tháng hình thức lãi tháng lãi suất chỉ là 7,6%.

Các kỳ hạn từ 12 tháng được doanh nghiệp này áp mức lãi suất từ 10% đến 10,8%; trong đó mức cao nhất là ở kỳ hạn 36 tháng, 24 tháng và 13 tháng với hình thức lãi cuối kỳ.

Trước đó, trong tháng 2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 11 tháng xuống 7,92%. Kỳ hạn 12 tháng và 13 có lãi suất cao nhất là 11,3%; các kỳ hạn còn lại ngân hàng áp mức 11%.

Như vậy, với 3 ngân hàng vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì mức giảm tới 1%/năm (kỳ hạn trên 12 tháng) của Vietcombank hiện nay là mức giảm khá mạnh trên thị trường. Lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng đang được Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng tự thỏa thuận với khách hàng.

Được biết, hiện tại Vietcombank là ngân hàng có thị phần huy động tiền gửi từ dân cư lớn thứ 3 trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Cuối năm 2011, thị phần huy động vốn cá nhân của Vietcombank đạt 14%, đứng sau VietinBank và BIDV.

Với việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng đi tiên phong hiện nay, dư luận cho rằng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có đợt điều chỉnh lãi suất trên toàn hệ thống. Trước đó, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, nhằm tiến tới giảm lãi suất cho vay.

Theo thống kê mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, hiện nay, lãi suất của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 1 - 2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7,8 - 8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 10-11%/năm. Trong đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ vẫn duy trì lãi suất huy động khoảng 12%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

Lãi suất huy động sẽ về mức 7%/năm?

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng chủ động cắt giảm lãi suất huy động vốn VND hiện nay rất “đáng hoan nghênh” trong bối cảnh chi phí vốn doanh nghiệp lớn. Lãi suất huy động VND giảm sẽ kéo lãi suất cho vay xuống.

“Lạm phát tính đến tháng 3 khoảng 3%. Nguy cơ lạm phát vẫn có thể bùng nổ nhưng chúng ta vẫn còn 9 tháng tới để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra. Thế nên, theo tôi, đã đến lúc hệ thống ngân hàng phải giảm tiếp lãi suất xuống”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Lãi suất huy động nếu được cả hệ thống ngân hàng giảm tiếp, liệu có kém hấp dẫn người gửi tiền? Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người gửi tiền hiện quá ít sự lựa chọn, bởi thị trường bất động sản đang đóng băng, chứng khoán biến động mạnh, vàng có nhiều rủi ro; thế nên, “người dân gửi tiền với mức lãi suất 8%/năm hiện nay vừa an toàn, vừa có lãi”.

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng hạ lãi suất đầu vào là tín hiệu vui cho đại bộ phận doanh nghiệp đi vay vốn sản xuất kinh doanh hiện nay, nhưng giảm lãi suất phải được tính toán kỹ lưỡng. “Lãi suất cho vay lý tưởng nhất hiện nay là 10%/năm. Theo đó, lãi suất đầu vào cần giảm xuống 7%/năm để phù hợp với biên độ 3%/năm giữa huy động và cho vay. Nếu tính như vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát phải dưới 5%. Để hoàn thành được công thức này vô cùng khó. Dù sao đi nữa, nếu Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất huy động, ít nhất cũng phải giảm xuống còn 7,5%/năm, chứ không nên điều chỉnh nhỏ giọt từng đợt 0,25%. Nếu giảm nhỏ giọt với tỷ lệ thấp sẽ không giúp nhiều cho việc hạ lãi suất cho vay”, ông Hiếu phân tích.

Cũng theo ông Hiếu, điều hành lãi suất hiện nay cần phải dựa vào tín hiệu của lạm phát, nhưng không phải lúc nào lãi suất cũng phải thực dương. “Nhiều quốc giá trên thế giới, điển hình là Mỹ, có thời điểm lãi suất là thực âm, do lượng tiền gửi từ dân cư dồi dào”, ông Hiếu ví dụ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 2/2013, dư nợ tín dụng đã tăng 0,26% từ mức giảm 1,23% trong tháng 1. Tính chung 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,28% so với cuối năm 2012, thấp hơn mức giảm 1,88% trong 2 tháng đầu năm 2012. Bên cạnh đó, huy động vốn cũng tăng trở lại kể từ cuối tháng 1 và tính đến hết tháng 2/2013, huy động vốn tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn 2 lần mức tăng của 2 tháng đầu năm 2012.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm