1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất huy động tăng cao, ngân hàng vay nhau 76.000 tỷ đồng mỗi ngày

(Dân trí) - Lãi suất huy động VND được nhiều ngân hàng nâng lên mức gần 9%/năm, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về vốn đầu vào. Thống kê mới nhất cho thấy, các tổ chức tín dụng đang vay mượn nhau trên 76.000 tỷ đồng mỗi ngày.

Theo một khảo sát sơ bộ, trên thị trường ngân hàng hiện đã có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 8%/năm. Nổi bật có các ngân hàng: Bản Việt, Tiên Phong, Quốc tế áp dụng mức lãi suất huy động kỳ hạn dài 8,6%/năm; Kế tiếp là Ngân hàng Sài Gòn có mức lãi suất 8,55% cho kỳ hạn 13 tháng, lãi suất của Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam là 8,5% cho kỳ hạn 13 tháng với khách gửi 500 tỷ đồng trở lên, Ngân hàng Xuất nhập khẩu 8,4% cho kỳ hạn 36 tháng, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng 8,3% cho kỳ hạn 24-36 tháng...

Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất thị trường hiện nay phải kể đến VietABank huy động tới 9,1%/năm qua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Hay như tại NamA Bank, lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng này đối với kỳ hạn 7 năm từ 8,2 - 8,9%/năm...

Lãi suất huy động tăng cao, ngân hàng vay nhau 76.000 tỷ đồng mỗi ngày - 1

Khảo sát thị trường cho thấy, lãi suất huy động VND được nhiều ngân hàng nâng lên mức gần 9%/năm, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về vốn đầu vào.

Không chỉ có kỳ hạn dài, kỳ hạn ngắn cũng được nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng cao. Hiện có 9 ngân hàng niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 7 tháng trên 7%. Có thể kể đến: NamA Bank đang niêm yết lãi suất cao nhất kỳ hạn 7 tháng ở mức 8,05; Viet Capital Bank 7,8%; Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) 7,6%; Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) 7,35%; Ngân hàng Phương Đông (OCB) và VPBank 7,3%; Ngân hàng TMCP Đông Á (Dong A Bank) 7,1% và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) 7,05%...

Trong khi các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất huy động VND thì một báo cáo từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, "thanh khoản hệ thống đã có phần dư thừa trở lại". Điều này thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm trong tuần qua và xuống dưới mức 3%/năm.

Dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần giữa tháng 7 giảm ở các kỳ hạn ngắn ngày, ngoại trừ kì hạn 1 tháng tăng so với tuần trước. Cụ thể: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tuần giảm lần lượt 0,19%/năm và 0,22%/năm xuống mức 2,98%/năm và 3,09%/năm và kì hạn 01 tháng tăng 0,12%/năm lên mức 3,68%/năm.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần bằng VND đạt xấp xỉ 267.243 tỷ đồng, bình quân 53.449 tỷ đồng/ngày, giảm 4.213 tỷ đồng/ngày so với tuần từ ngày 8 - 12/7; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 116.180 tỷ đồng, bình quân 23.236 tỷ đồng/ngày, giảm 1.522 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Như vậy bình quân mỗi ngày các tổ chức tín dụng đã vay mượn nhau hơn 76.000 tỷ đồng trong tuần qua, thấp hơn trên 5.000 tỷ so với mức trên 81.000 tỷ/ngày của tuần trước đó.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND tuần qua chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (65% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (22% tổng doanh số giao dịch). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 64% và 24%.

Thanh khoản của hệ thống dư thừa một phần cũng nhờ Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ kể từ đầu năm. Với việc mua vào 8,35 tỷ USD bổ sung cho quỹ dự trữ ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường khoảng 194 nghìn tỷ đồng.

 An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm