1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lãi suất chưa thể giảm mạnh

Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2011 tăng chậm lại, chỉ tăng 1,09% so với tháng 5/2011, áp lực về lãi suất dự báo sẽ giảm dần trong thời gian tới, nhưng khả năng giảm nhanh là khó xảy ra.

Lãi suất chưa thể giảm mạnh - 1
Không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc lãi suất sẽ giảm nhanh trong thời gian tới.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc DongA Bank nhận xét, để huy động được nguồn tiền nhàn rỗi trong bối cảnh hiện nay quả thực không phải dễ, sự cạnh tranh trong huy động vốn của các ngân hàng thương mại còn khá gay gắt, nên cuộc đua về lãi suất tiền đồng vẫn nóng.

 

“Nếu giảm mạnh lãi suất tiết kiệm xuống dưới mức trần 14%/năm, thì ngân hàng sẽ không dễ hút vốn”, bà Vân nói.

 

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát bắt đầu được kiểm soát theo chiều hướng hạ nhiệt dần.

 

“Tuy vậy, cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc lãi suất sẽ giảm nhanh trong thời gian tới. Bởi lẽ lãi suất huy động thực trên thị trường hiện vẫn cao hơn so với mức trần quy định 14%/năm”, ông Kiêm nói.

 

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia dự đoán, từ giữa quý III/2011, lãi suất mới có thể hạ nhiệt.

 

“Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn có không ít khó khăn, thì khó có thể kỳ vọng lãi suất sẽ giảm mạnh và nhanh như mong đợi”, ông Lịch nhận định.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng đưa ra ý kiến, một khi lạm phát được kiểm soát thì lãi suất huy động tiền đồng chắc chắn sẽ hạ nhiệt.

 

“NHNN sẽ sử dụng triệt để mọi công cụ của chính sách tiền tệ để tác động, có kịch bản phối hợp, nhằm đưa lãi suất theo xu hướng giảm dần”, ông Giàu nói và bình luận, để giảm lãi suất không nên tính bằng con số tuyệt đối hay con số tương đối, mà cần tính tới xu hướng ổn định của thị trường, thậm chí phải xem xét lại đánh giá về lạm phát cao trên toàn cầu  tác động tới nền kinh tế Việt Nam như thế nào.

 

Mặt khác, để lạm phát có thể tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất trong những tháng tới, ông Giàu cho rằng, NHNN sẽ kiểm soát chặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại dưới ngưỡng 20% và sẽ không nhân nhượng đối với bất cứ ngân hàng nào vượt mức trần tăng trưởng tín dụng nói trên.

 

NHNN cũng sẽ kiểm soát chỉ tiêu giảm tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất của các ngân hàng là 16% vào cuối năm nay.

 

Hiện về cơ bản, các ngân hàng thương mại trong nước đã triển khai và thực hiện việc giảm dần dư nợ cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất. Song tính đến nay, vẫn còn tới 23 ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất chiếm từ 22 đến 50% tổng dư nợ.

 

Theo Thùy Vinh

Báo Đầu tư