Lãi suất cho vay đã giảm?

Nhật Quang

(Dân trí) - Các khách hàng có nhu cầu vay mua, sửa nhà... gần đây nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất 1-3 điểm %/năm so với các tháng trước. Tuy nhiên dù đã giảm, lãi suất cho vay vẫn trên 10%/năm.

Lãi vay ngân hàng "hạ nhiệt", người vay kỳ vọng giảm thêm

Chị M.Loan (32 tuổi, ngụ tại TPHCM) - một nhân viên văn phòng - cho biết vừa được ngân hàng điều chỉnh lãi suất vay mua nhà giảm tiếp 1 điểm %, xuống còn quanh mốc 13,5%/năm.

Gia đình chị đang có khoản vay mua nhà gần 1,3 tỷ đồng tại một ngân hàng quy mô tầm trung, thời hạn vay 20 năm, lãi suất thả nổi biên độ 3,8%/năm. "Hồi đầu năm, lãi suất có lúc đã lên 15-15,5%/năm, nay tuy đã giảm nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao. Tôi kỳ vọng lãi suất có thể giảm sâu thêm", chị Loan cho hay.

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), biểu lãi suất cho vay mua nhà tính đến 31/10 tại 13 ngân hàng dao động trong khoảng 10,5-13,2%/năm. Trong khi đó, vào cuối tháng 7, mức lãi suất dao động trong khoảng 10,5-15,5%/năm.

Hiện, hầu hết ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất là lãi suất vay ưu đãi trong 12 tháng đầu và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi vay giữa ưu đãi và sau ưu đãi từ 2% đến 4%.

Lãi suất cho vay đã giảm? - 1

(Nguồn: VARS).

Trong 12 tháng đầu tiên, mức lãi suất ưu đãi được các ngân hàng áp dụng trong khoảng 7,19-10%/năm. Cụ thể, UOB áp dụng mức lãi suất ưu đãi 7,19%/năm, sau ưu đãi về mức 11%/năm.

Tại ACB, lãi suất áp dụng là 8,5%/năm, sau ưu đãi là 12,5%/năm. Vietcombank có lãi suất ưu đãi 7,5%/năm, sau ưu đãi quanh mốc 10,5%/năm.

Không chỉ chị Loan, anh L.Trung (37 tuổi, ngụ tại TPHCM), cho biết đang có nhu cầu vay 900 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa, lãi suất cho các khoản vay mới trong khoảng 8,5-11%/năm tùy theo ngân hàng vay.

Liên hệ với phía ngân hàng hỏi vay, anh Trung nhận được mức lãi suất thấp hơn 1-2 điểm %/năm so với cách đây vài tháng. Còn so với hồi đầu năm, lãi suất đã giảm từ 2-4 điểm %/năm.

Nhân viên tín dụng tại một ngân hàng quy mô tầm trung, cho biết đối với khoản vay có tài sản đảm bảo lãi suất dao động quanh 8-9,5%/năm, thời hạn vay tối đa 180 tháng. Còn trong trường hợp vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo), lãi suất khoảng 13-15%/năm, thời hạn vay tối đa 60 tháng.

Còn tại một ngân hàng TMCP Nhà nước tại Hà Nội, chị Minh Lan (Q. Thanh Xuân) đang vay vốn với lãi suất chưa tới 7,5%/năm, cố định lãi suất ưu đãi trong 2 năm đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay tính trên lãi suất huy động 12 tháng cộng biên độ 3,5% nhưng không thấp hơn mức sàn hiện là 10%/năm. 

Vì sao lãi suất còn cao?

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2 điểm % so với cuối năm ngoái.

Trong cuộc họp bàn về tín dụng bất động sản (ngày 13/11), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cho biết mặt bằng lãi suất cũ có giảm nhưng theo các ngân hàng cần theo kỳ hạn của người gửi tiền.

Giải thích cho việc vì sao lãi suất các khoản cho vay bất động sản dài hạn vẫn còn cao, các ngân hàng cho biết nguồn vốn chủ yếu vẫn từ ngắn hạn và cần tuân thủ các quy định về an toàn vốn.

Cũng tại cuộc họp nêu trên, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank - cho hay lãi vay phụ thuộc vào năng lực tài chính mỗi ngân hàng.

Lãi suất cho vay đã giảm? - 2

Tổng giám đốc MB cho rằng dự kiến đến quý II/2024 mới có giá vốn thấp hơn. (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Theo ông, tinh thần chung các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay, song việc giảm đến đâu còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng, nếu cơ cấu nguồn vốn giá cao thì phải cho vay lãi suất cao. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nợ xấu cao, phải trích lập dự phòng lớn thì giá vốn cũng bị đẩy lên cao, dẫn tới lãi suất cho vay cao.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB - cho biết lãi suất cho vay thực tế đang ở mức thấp nhất từ trước tới nay, trước cả thời điểm dịch Covid-19.

Trước ý kiến vì sao các ngân hàng huy động bình quân lãi suất đầu vào 4,6%/năm nhưng cho vay khoảng 9%/năm, lãnh đạo ngân hàng này cho rằng 9%/năm là lãi suất cho vay trung dài hạn, đòi hỏi nguồn vốn huy động trên 24 tháng bao gồm huy động tiền gửi từ thị trường dân cư, vay tổ chức quốc tế hoặc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế… với giá vốn bình quân lên tới 6,5%-7%/năm. 

"Chưa kể, các ngân hàng khó giảm lãi ngay vì các khoản tiết kiệm trung dài hạn trả lãi suất bắt đầu cao từ quý IV/2022, có ngân hàng huy động lúc đó từ 9%-10%/năm, dự kiến đến quý II/2024 mới có giá vốn thấp hơn nữa", ông Ánh nhận định.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định lãi suất cho vay thời gian tới sẽ còn giảm tiếp, nhưng sẽ giảm chậm hơn lãi suất huy động. Việc giảm lãi suất mạnh sẽ có thể chỉ xảy ra tại các ngân hàng lớn, còn những ngân hàng nhỏ có giảm cũng không quá nhiều.

Vào ngày 17/11, báo Dân trí tổ chức hội thảo với chủ đề "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" tại TPHCM. Độc giả đăng ký tham dự hội thảo tại đây .

Với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế vĩ mô và điều hành tín dụng trong năm 2023, dự báo năm 2024; đồng thời gợi mở một loạt giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp và điều kiện ưu đãi.

Hội thảo cũng bố trí quầy tư vấn hồ sơ trực tiếp để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm khơi thông dòng tiền, tạo động lực tăng trưởng đón đầu chu kỳ phục hồi mới của nền kinh tế.

"Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" là hội thảo nằm trong chuỗi "Đối thoại và Giải pháp" do báo Dân trí tổ chức. Tại "Đối thoại và Giải pháp", các diễn giả là nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, thành tố lĩnh vực kinh tế... sẽ cùng bàn luận, nêu quan điểm, góc nhìn, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho những vấn đề kinh tế nóng hổi, cấp bách, được dư luận quan tâm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm