Doanh nghiệp than lãi suất, sếp Vietcombank, Techcombank, VPBank... nói gì?

Thảo Thu

(Dân trí) - Ngoài pháp lý thì lãi suất vẫn là chủ đề chính được doanh nghiệp bất động sản nêu ra trong họp sáng 13/11. CEO Vietcombank nói đã nhiều lần giảm lãi suất. CEO MB khẳng định "lãi vay đã thấp nhất"...

 Sáng 13/11, hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Đại diện 14 tổ chức tín dụng có dư nợ bất động sản lớn hơn 20.000 tỷ đồng tham dự.

Chủ trì hội nghị có Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, các lãnh đạo vụ, cục quản lý cùng đại diện các doanh nghiệp bất động sản lớn... 

Lãnh đạo các doanh nghiệp đề xuất gì?

Đại diện Tập đoàn Vingroup là ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes. Ông Hoa nói thời gian qua Chính phủ, các ngân hàng thương mại đã có nhiều hoạt động, kiến tạo, giúp đỡ doanh nghiệp. Ông chỉ ra một số khó khăn về lãi suất. Theo đó, doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp, lãi vẫn cao, một số ngân hàng bị hạn chế room tín dụng, biên độ lãi suất cao. "Lãi suất chưa đạt kỳ vọng", ông Hoa nói. 

Ông Hoa cũng đề cập đến cập đến câu chuyện dự án bất động sản vướng mắc trong quy trình, nhiều ngân hàng chỉ giải ngân cho khoản vay có tài sản đảm bảo. "Cổ phiếu niêm yết, máy móc phát sinh cũng không được gọi là tài sản đảm bảo", ông Hoa nói.

Doanh nghiệp than lãi suất, sếp Vietcombank, Techcombank, VPBank... nói gì? - 1

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes, cho biết thời gian qua, Chính phủ, các ngân hàng đã có nhiều hoạt động kiến tạo giúp đỡ doanh nghiệp nhưng về lãi suất vẫn có một số khó khăn và lãi suất "chưa đạt kỳ vọng" (Ảnh: SBV).

Đại diện Bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) là Chủ tịch Nguyễn Quốc Hiệp. Ông Hiệp nói vướng mắc 70% là pháp lý. Ông nêu câu chuyện có dự án kéo dài 15 năm chưa giải phóng mặt bằng xong, tốn thời gian. Ngoài ra, ông đề cập đến việc một dự án đi vào triển khai phải cần trên 30 con dấu. "Vướng mắc pháp lý ảnh hưởng sức khỏe doanh nghiệp, môi trường đầu tư FDI", ông Hiệp nói. 

Ông Hiệp cũng đề xuất các cơ quan liên quan cần sớm có phương án định giá đất cho địa phương áp dụng.

Ngoài ra, vị này nói đến việc quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng lâu, từ 2-3 tháng. "Ngân hàng thận trọng nhưng cố gắng rút dưới một tháng hỗ trợ doanh nghiệp", ông nói. 

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) - thông tin, đến ngày 31/10, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022.

Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm ngoái, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế. 

Doanh nghiệp than lãi suất, sếp Vietcombank, Techcombank, VPBank... nói gì? - 2

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng trưởng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Sếp ngân hàng: Chúng tôi là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn!

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank - nói cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa cân đối, giá vẫn cao so với thu nhập. Vốn bất động sản đến từ kênh trái phiếu, tiền khách hàng, vốn tín dụng… Theo ông Tùng, thị trường trái phiếu có dấu hiệu phục hồi nhưng áp lực, nỗi lo của nhà đầu tư vẫn lớn.

Với nguồn tiền của khách hàng, ngân hàng này nhận thấy nhiều khách hàng có tâm lý chờ đợi giá xuống, chưa xuống tiền mua nhà. "Ngân hàng giảm lãi suất nhưng tiền gửi vẫn tăng rất mạnh", ông nói. 

Đại diện ngân hàng này nói đã nhiều lần giảm lãi suất, lên tới 2,5% với tổ chức, cá nhân nhưng mặt bằng giá bất động sản cao, có xu hướng tăng. "Lãi suất vay chỉ là một phần", ông nói. Các giao dịch bất động sản chủ yếu là mua đi, bán lại của các môi giới, có thể gây bong bóng bất động sản. Ông Tùng thông tin bất động sản chiếm 24,6% tổng dư nợ tín dụng của Vietcombank.

Đại diện MB là Tổng giám đốc Phạm Như Ánh nói "lãi vay đã thấp nhất từ trước đến nay". Về ý kiến các thủ tục, thẩm định cho vay, ông Ánh nói đây là giai đoạn bắt buộc phải thẩm định kỹ bởi doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn. Ông nói doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để cung cấp đầy đủ hồ sơ, không được giấu diếm. 

Đại diện Techcombank là Phó tổng giám đốc Phùng Quang Hưng nói đã làm việc với doanh nghiệp bất động sản nhiều năm, hợp tác sâu, tham gia cùng khâu thẩm định dự án.

Về lãi suất, ông Hưng nói đã giảm nhiều. Lãi vay mua nhà đã giảm khoảng 3% từ đầu năm, có thể chỉ khoảng 7-8%, tùy sản phẩm. Đơn vị này cũng đã phát triển nhiều giải pháp tài chính đa dạng: cho vay vốn lưu động, tài trợ... 

Ông Hưng kiến nghị Bộ Tài chính thúc đẩy tính thanh khoản thị trường trái phiếu để hỗ trợ kênh dẫn vốn, không chỉ phụ thuộc tín dụng. Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cân nhắc giảm hệ số rủi ro cho ngân hàng và xem xét giãn tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ để xếp hạng tín nhiệm. 

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank - nói: "Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản". 70-80% khó khăn của thị trường này không nằm ở lãi suất ngân hàng mà là các quy định, chính sách của Nhà nước: pháp lý, quá trình thực thi. "Giải quyết vấn đề bất động sản chủ yếu phải ở cơ quan Nhà nước", ông Vinh nói. 

Ông nói gói lãi suất 2% không chạy dù đã cố gắng. Ông Vinh đề xuất gói này hỗ trợ cho người mua nhà. Còn với doanh nghiệp bất động sản, ông nói "phải thay đổi, xem lại mình", đặc biệt ở việc minh bạch trong sử dụng vốn, không thể "ôm" tất cả dự án.

"Chúng tôi cũng là đơn vị cho vay bất động sản nhiều nhưng giờ cũng sợ luôn", ông Vinh nói.

Doanh nghiệp than lãi suất, sếp Vietcombank, Techcombank, VPBank... nói gì? - 3

Đại diện ngân hàng nói doanh nghiệp cần phối hợp với ngân hàng để cung cấp đầy đủ hồ sơ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02.

Đồng thời, đơn vị này sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Vào ngày 17/11, báo Dân trí tổ chức hội thảo với chủ đề "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" tại TPHCM. Độc giả đăng ký tham dự hội thảo tại đây .

Với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế vĩ mô và điều hành tín dụng trong năm 2023, dự báo năm 2024; đồng thời gợi mở một loạt giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp và điều kiện ưu đãi.

Hội thảo cũng bố trí quầy tư vấn hồ sơ trực tiếp để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm khơi thông dòng tiền, tạo động lực tăng trưởng đón đầu chu kỳ phục hồi mới của nền kinh tế.

"Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng" là hội thảo nằm trong chuỗi "Đối thoại và Giải pháp" do báo Dân trí tổ chức. Tại "Đối thoại và Giải pháp", các diễn giả là nhà làm chính sách, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia, thành tố lĩnh vực kinh tế... sẽ cùng bàn luận, nêu quan điểm, góc nhìn, đồng thời đề xuất, kiến nghị, giải pháp cho những vấn đề kinh tế nóng hổi, cấp bách, được dư luận quan tâm.