"Lãi suất cao hay thấp, phải hỏi doanh nghiệp!"

(Dân trí) - Lãi suất hạ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đủ sức để hấp thụ vốn khi không còn tài sản thế chấp, thậm chí đã lâm vào nợ quá hạn. Do đó, việc cần làm tiếp theo là giải tỏa những quy định pháp luật về điều kiện cho vay của ngân hàng.

Kể cả khi lãi suất huy động xuống thấp, dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng.

Kể cả khi lãi suất huy động xuống thấp, dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng.

Từ hôm qua (11/6), lần thứ 4 trong năm nay lãi suất huy động đã chính thức được điều chỉnh giảm, với mức giảm mạnh tay nhất lên đến 2% xuống hẳn 9%/năm. Lần hạ lãi suất gần nhất trước đó là 28/5.

Giảm lãi suất là hợp lý và cần thiết

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này phù hợp với xu hướng kỳ vọng lạm phát, thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào, thị trường tiền tệ diễn biến theo xu hướng tích cực và ổn định.

Theo đó, mức lãi suất tiền gửi tối đa theo quy định hiện nay 11%/năm ở mức khá cao, cao hơn khoảng 3% so với lạm phát dự báo của tháng 6/2012 (khoảng 7,4-7,5% so cùng kỳ) và lạm phát kỳ vọng cả năm 2012 (khoảng 7-8%). Mức lãi suất này cũng được cho là có chênh lệch cao so với lãi suất tiền gửi huy động USD (khoảng 2%/năm) và mức tăng tỷ giá kỳ vọng (khoảng 2-3%/năm).

Mong muốn của cơ quan điều hành tiền tệ là với việc điều chỉnh này sẽ đảm bảo hài hòa được lợi ích của người gửi tiền, người vay và các TCTD. Trong khi người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương, doanh nghiệp được tiếp cận vốn với lãi suất thấp hơn, đặc biệt là đối với 4 lĩnh vực ưu tiên thì ngân hàng vẫn đảm bảo được chi phí hoạt động, dự phòng chi trả và có lợi nhuận ở mức hợp lý.

Nhìn chung, quốc tế nhìn nhận khá tích cực về động thái này của NHNN Việt Nam và mặc dù các quyết định được đưa ra dồn dập song không gây “sốc” vì trước đó đã có những dự báo của các tổ chức nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Theo đó, ngay trước lần giảm hồi cuối tháng 5, J.P.Morgan đã đưa ra nhận định, nếu tình hình lạm phát tiếp tục tiến triển như kỳ vọng thì dù NHNN tiếp tục hạ trần lãi suất, lãi suất thực sẽ vẫn dương và mức cắt giảm trần lãi suất có thể từ 2-3%.

Còn theo chuyên gia kinh tế độc lập Vũ Đình Ánh, như đã có lần trao đổi với Dân trí gần đây, ông Ánh cũng đã khẳng định trên cơ sở diễn biến lạm phát hiện tại, mức kéo giảm lãi suất hoàn toàn có thể mạnh dạn mỗi lần tỉ lệ 2% chứ không phải là 1% trước đó.

Quyết định giảm lãi suất lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 tháng của NHNN được đưa ra ngay sau khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “ổn định” từ mức “tiêu cực” hôm 6/6 trên cơ sở đề cao những thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thể hiện qua những chỉ số chủ chốt.

Trong một bản thông cáo mới nhất phát ra hôm qua (11/6), Khối nghiên cứu của HSBC, ngân hàng với chủ trương hoạt động toàn cầu song am hiểu địa phương, thậm chí còn cho rằng, với áp lực lạm phát được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do nhu cầu nội địa còn yếu và giá nhiên liệu giảm, NHNN sẽ tiếp tục còn cắt giảm trần lãi suất thêm 2% trong những tháng tiếp theo.

Tổ chức này đánh giá: “Xét bề ngoài, việc NHNN liên tục tiến hành cắt giảm lãi suất trong một khoảng thời gian ngắn có vẻ là hơi vội vàng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lạm phát giảm tốc nhanh và điều kiện tín dụng vẫn còn bị thắt chặt như hiện nay thì động thái này là hợp lý”.

Nhiều lý thuyết về lãi suất không phù hợp với bối cảnh Việt Nam

Tuy nhiên, thông điệp mà đại diện phía NHNN, Phó thống đốc Lê Minh Hưng đưa ra hồi cuối tuần trước lại khá rõ ràng, rằng mức lãi suất 9% hiện tại sẽ ổn định từ giờ tới cuối năm. 

Quan điểm của Phó Thống đốc cho rằng, mức lãi suất hiện nay là phù hợp, đủ đảm bảo cho người gửi tiền hiện nay có được lãi suất thực dương khi mục tiêu lạm phát cả năm chỉ 7-8%. Việc ổn định lãi suất nhằm giúp doanh nghiệp có thể lường trước, không phải chịu các cú sốc về mặt tài chính và cũng tránh tình trạng kỳ vọng để đầu cơ tỷ giá.

Kể cả khi lãi suất huy động xuống thấp, dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Trong điều kiện hiện tại, mức lãi suất vay dài hạn 12-13% là không khả thi. 

Tuy nhiên, khi trao đổi với Dân trí về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, “nếu nói từ bây giờ cố định lãi suất huy động 9% đến cuối năm cũng không hợp lý vì không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. NHNN nên quản lý mặt bằng lãi suất như thế nào đó để lãi suất cho vay xuống được dưới 10%. NHNN nếu muốn biết được mức lãi suất như thế nào là phù hợp thì phải hỏi doanh nghiệp chứ không thể duy ý chí quyết một mình. Việc điều tiết lưu lượng tiền tệ như thế nào để doanh nghiệp hoạt động tốt là trách nhiệm của NHNN.”

Theo ông Thành, trong điều kiện hiện tại, mức lãi suất vay dài hạn 12-13% là không khả thi. 

Ngoài ra, theo ông, vấn đề hiện tại không chỉ là giảm lãi suất mà là sau khi hạ thì các doanh nghiệp có sức hấp thụ tiền vốn hay không trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp đã gần như “kiệt sức”, không còn tài sản thế chấp theo những điều kiện vay vốn hiện tại của phía nhà băng.

Một số lớn các doanh nghiệp đã đi đến tình trạng nợ quá hạn, không được phép vay tiếp. Do đó, ngoài lãi suất phải giải tỏa được những quy định pháp luật về việc ngân hàng được phép cho vay như thế nào, doanh nghiệp được phép vay như thế nào. Về phía doanh nghiệp, bản thân họ cũng phải trình ra được những dự án tốt với ngân hàng để phía ngân hàng nhận thấy sự khả thi và mức độ rủi ro là có thể chấp nhận được, từ đó mới cho vay.

Ông Thành đồng thời cũng bác bỏ luận điểm nếu hạ lãi suất huy động xuống thấp 6-7% thì người dân sẽ đến ngân hàng rút tiền để đầu tư vào các lĩnh vực khác. 

“Ở Mỹ, hiện lãi suất cho vay ở mức 3% nhưng lãi suất huy động vốn thời hạn 3 tháng chỉ 0,02% và 1 năm chỉ ở dưới 0,05%. Cứ việc suy nghĩ tiếp theo, người dân rút tiền ra để làm gì. Cứ cho là rút tiền đi mua vàng thì tiền trả cho tiệm vàng sẽ chảy đi đâu, rồi cũng chảy về ngân hàng. Nếu họ đầu tư vào bất động sản thì số tiền trả cho các nhà phát triển bất động sản thì họ cũng đẩy vào ngân hàng chứ họ không cất trong tủ”. Như vậy, dòng tiền vẫn chảy.

“Người dân bình thường không có đủ hàng nghìn tỷ đồng để gửi ngân hàng thì chỉ với 1-2 tỷ đồng cũng không thể kinh doanh được gì trong thời điểm hiện tại.

Lý luận cho rằng lãi suất thấp dưới lạm phát kỳ vọng 7-8% sẽ không huy động được vốn, phải có lãi suất thực dương - tôi không đồng ý chút nào. Đó chỉ là vấn đề lý thuyết được đưa ra chứ không được áp dụng ở bất kỳ nền tài chính nào trên thế giới ngày hôm nay” - ông Thành nói.

Còn mối lo ngại rằng lãi suất xuống thấp sẽ tác động xấu đến lạm phát thì theo ông, lạm phát không phải bị gây ra do lãi suất khi NHNN đã hạn chế tăng trưởng tín dụng ở 17% trong năm 2012. Chỉ khi nào có tăng trưởng tín dụng quá nóng thì mới có lạm phát. Tại những nước không dùng biện pháp hành chính để khống chế tăng trưởng tín dụng thì mới lo lãi suất thấp, người dân đi vay vốn để đầu tư thêm, mua hàng tiêu dùng, đẩy lạm phát lên cao. Còn ở Việt Nam, lý thuyết trên không đúng.

Lạm phát năm 2012 sẽ thấp kỳ lạ!

Trong bản Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2012 được TS Nguyễn Đức Thành cùng cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện có đưa ra 2 kịch bản dự báo:

Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ rất chậm, tổng cầu bị suy kiệt, do đó mức tăng trưởng kinh tế được dự báo chỉ khoảng 4,4%. Kịch bản thứ hai, với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn, sẽ xảy ra nếu các nút thắt kinh tế vĩ mô hiện nay được tháo gỡ, nhưng cũng chỉ đạt mức 5,1%. 

Tương ứng với các mức tăng trưởng đó, lạm phát cả năm 2012 cũng chỉ trong vùng 4,6 - 6,2% - mức lạm phát được cho là “thấp kỳ lạ”.

Bích Diệp