Lại kiến nghị giải cứu "đại dự án" của PVC dưới thời Trịnh Xuân Thanh làm tổng thầu
(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, Bộ Công Thương lại vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí (PVN) đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình (NĐTB) 2. Đây là dự án do PVC làm tổng thầu dưới thời của Trịnh Xuân Thanh.
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, dự án NĐTB 2 có vốn đầu tư lên tới 41 ngàn tỷ đồng sau nhiều lần điều chỉnh. Hiện tại, dự án đã giải ngân được trên 31.000 tỷ đồng đạt khoản 82%. Theo PVN, đến năm 2020 dự án này mới có khả năng hoàn thành và mặc dù vậy, với mốc mới này (kế hoạch vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, tổ máy 2 vào năm 2018), dự án NĐTB 2 đã chậm tiến độ 55-57 tháng.
"Kể từ tháng 11/2017 đến cuối tháng 10/2018 dự án gần như không có tiến triển, tiến độ tổng thể dự án chỉ tăng từ mức 80,9% lên 82,78%, tương ứng khoảng 1,88%", nguồn tin của Dân trí cho biết.
Theo Bộ Công Thương, dự án này vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc nhưng những yếu kém này do nguyên nhân cơ bản là PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu nhà máy nhiệt điện than.
"Năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ", Bộ Công Thương đánh giá.
Như đánh giá trước đó của các cơ quan bảo vệ pháp luật khi xét xử Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, trước đây, PVC sử dụng hơn 1.100 tỷ tiền tạm ứng của dự án vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án. PVN cũng đã có báo cáo, khi hoàn thành dự án, dự kiến tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng hơn 55 triệu USD và hơn 1.000 tỷ đồng so với giá trị hợp đồng EPC.Trong khi đó, PVN khó khăn trong thu xếp nguồn vốn còn thiếu gồm hơn 326 triệu USD vốn vay nước ngoài đã hết hạn giải ngân vào 28/9/2018 (hiện chưa được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng cho phép gia hạn) và khoảng hơn 343 triệu USD chưa ký được hợp đồng vay (dự kiến vay trong nước).
Kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy, hiện nay, nhiều thiết bị tại dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Và nếu dự án NĐTB2 nếu còn chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Sự chậm trễ trong việc thực hiện sẽ càng làm phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Những vướng mắc này, theo Bộ Công Thương, cần có sự chỉ đạo xử lý của Chính phủ.
Hiện nay, PVN đã chuyển giao quyền đại diện vốn chủ sở hữu sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Do vậy, mặc dù dự án NĐTB 2 phát sinh từ thời do Bộ Công Thương quản lý nhưng đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tham gia, xem xét xử lý các vấn đề của dự án này.
Để khắc phục các vướng mắc, PVN kiến nghị được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án. Do đây là nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại PVN, nên Bộ Công Thương cho rằng, kiến nghị này cần được Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét.
Theo Bộ Công Thương, PVN cần báo cáo rõ nguồn vốn sử dụng, mục đích sử dụng cụ thể cho dự án và có đánh giá tổng thể liên quan tới dự án cũng như các nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.
Với một số kiến nghị khác của PVN cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2020 (tổ máy số 1) và tháng 10/2020 (tổ máy số 2), miễn phạt hợp đồng do chậm tiến độ ... Bộ Công Thương cho rằng, PVN nên báo cáo Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Trường hợp PVC tiếp tục được giao thực hiện dự án, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép bộ này chủ động cân đối tiến độ vận hành nhà máy trong quy hoạch điện VII sang tháng 6 và tháng 10/2020.
Hà Nguyễn