Lại có người đòi mua lại khách sạn Deawoo?

Hiện nay, khách hàng này đã đặt hàng thông qua một hãng tư vấn dịch vụ tư vấn BĐS và họ có sẵn cả trăm triệu đôla để mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội.

Lại có người đòi mua lại khách sạn Deawoo?
 
Ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn BĐS SohoVietNam cho biết, ông đang nhận được yêu cầu của khách hàng đặt mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội, gần 1 tháng kể từ khi thông tin thương vụ Tập đoàn Hanel mua lại khách sạn 5 sao này từ chủ đầu tư Hàn Quốc được rò rỉ lên mặt báo.

 

Hiện nay, khách hàng này đã đặt hàng thông qua một hãng tư vấn dịch vụ tư vấn BĐS và họ có sẵn cả trăm triệu đôla để mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội.

 

Ông Cần cho biết, đã "dậm dạp nói chuyện" với các bên có liên quan. Tuy nhiên, thủ tục chuyển nhượng, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư của thương vụ Hanel mua lại khách sạn Daewoo Hà Nội từ chủ người Hàn Quốc tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đến giờ vẫn chưa xong. Vì thế, phía các đơn vị tư vấn chưa thể làm thủ tục mua lại.

 

Trước đó, hồi cuối tháng 3, thông tin Tập đoàn điện tử viễn thông Hanel của Hà Nội mua lại toàn bộ 70% cổ phần của phía Hàn Quốc tại khách sạn Daewoo Hà Nội đã trở thành sự kiện được chú ý đặc biệt trong lĩnh vực mua bán sáp nhập (M&A).

 

Khi người trong cuộc đều rất kín tiếng này thì giới thạo tin cho rằng, thực chất thương vụ này đã âm thầm diễn ra từ khoảng cuối năm 2011. Giá trị của thương vụ khoảng 100 triệu đôla. Công ty Hanel đã dùng quyền ưu tiên mua của mình trong liên doanh để đứng ra đại diện cho một nhóm các nhà đầu tư khác nữa thực hiện thành công thương vụ. Trong số này có sự góp mặt của Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC).

 

Không chỉ riêng trường hợp khách sạn Daewoo Hà Nội, số lượng các khách hàng và nhóm khách hàng có khối tiền mặt trong tay rất lớn, không hề qua vay mượn, đang tìm cách đổ vào các tài sản BĐS thông qua hoạt động M&A. Có khách hàng sở hữu số tiền mặt lên tới 500 tỷ đồng, còn bình thường có số tiền từ 100-150 tỷ đồng đang nhờ tìm mua dự án.

 

Họ xuất thân phần lớn là chủ các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn tư nhân hoặc có người làm ăn ở nước ngoài, thấy cơ hội tốt rút vốn về mua. Đây đa số là những người thời gian trước ít đầu tư hoặc chưa có cơ hội nhảy vào BĐS, mà chủ yếu kiếm tiền từ ngành nghề kinh doanh cốt lõi, nay thấy thị trường thuận lợi, phù hợp với chiến lược đầu tư nên tranh thủ tìm mua để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc thâm nhập ngành nghề kinh doanh mới.

 

Nhóm thứ hai là bộ phận những nhà đầu tư BĐS chuyên nghiệp, đã rút khỏi thị trường từ thời điểm năm 2010, nay là lúc họ bắt đầu săn tìm những sản phẩm độc đáo, riêng biệt mà lại giá rẻ, không đầu tư theo phong trào.

 

"Khẩu vị" của những "cá mập" này là các dự án đất sạch hoặc tài sản gắn liền với đất có mặt bằng rộng để xây dựng, kinh doanh từ trường học, bệnh viện, khách sạn, tổ chức sự kiện đến những loại hình tưởng chừng đã "bội thực" như văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở. Mới đây, một tòa nhà trong phố thuộc quận Hai Bà Trưng với giá trị 100 tỷ đồng trên phần diện tích khoảng gần 2.000m2 sàn văn phòng.

 

Theo Thành Dũng

VEF