1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thu hồi quyết định cho Daewoo-Hanel thuê đất

9 năm ròng “đóng băng”, thêm năm thứ 10 để các cơ quan, Bộ, ngành rà soát, hoàn tất thủ tục, đến nay Công ty liên doanh Daewoo-Hanel đành chia tay với 407ha đất thuộc dự án Khu Công nghiệp Sài Đồng A (Long Biên, Hà Nội) mà lẽ ra được phép thuê, hoạt động đến năm 2047!

Ngày 25/10/2006, UBND TP Hà Nội vừa gửi công văn số 1747/VP-NNĐC tới Sở TN, MT&NĐ yêu cầu kiểm tra, tập hợp tài liệu liên quan, lập hồ sơ thu hồi quyết định cho Công ty liên doanh Daewoo-Hanel thuê đất tại quận Long Biên để thực hiện dự án Khu Công nghiệp Sài Đồng A.

 

Đây thực sự là “điềm khai tử” cho mọi hoạt động của liên doanh này tại “đống đất, đống vàng” Việt Hưng, Phúc Đồng (quận Long Biên)...

 

Nghèo trên đống vàng!

 

Ngày 28/3/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 275/TTg về việc thu hồi 4.069.454m2 đất thuộc các xã Hội Xá, Việt Hưng, Gia Thụy (huyện Gia Lâm), nay thuộc phường Phúc Lợi, Việt Hưng, Phúc Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho Công ty liên doanh Daewoo-Hanel thuê, với mục đích: 1.975.656m2 để xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; 1.046.220m2 để xây dựng khu thương mại và nhà ở.

 

Thế nhưng, sau 8 năm, liên doanh này mới chỉ triển khai được 1 việc duy nhất là: cắm mốc giới trên thực địa. Trong hồ sơ lưu tại Sở KH&ĐT Hà Nội, dù đăng ký lĩnh vực hoạt động nào là công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp ôtô... rồi công nghiệp chính xác, công nghiệp nhẹ, công nghiệp có công nghệ cao - song ở mục “Số dự án đã đầu tư xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp”, 10 năm nay liên doanh này vẫn giữ nguyên từ: “Chưa có”!

 

Lý giải điều này, “người trong cuộc” cho biết nguyên nhân chủ yếu là do Tập đoàn Daewoo “mẹ” tại Hàn Quốc phá sản nên Công ty Daewoo E&C “con” rất khó khăn về tài chính. Chật vật nhiều năm, Daewoo mới góp được 6 triệu USD vào liên doanh, trong khi phía Hanel “khoẻ re” vì đã góp đủ 40% vốn pháp định = 18 triệu USD = quyền sử dụng chính 407ha đất đó!

 

6 triệu USD đâu thấm tháp gì so với tổng vốn đầu tư thực hiện dự án tới 152 triệu USD, nên Daewoo nhiều lần đưa ra phương án sẽ thay thế phần góp vốn của họ cho 5 đối tác nước ngoài khác, nhưng Hanel không đồng ý vì thực chất đây là chuyện “bán cái”, vi phạm giấy phép đầu tư.

 

Mặt khác, Hanel kiên trì động viên Daewoo - nếu thực sự không còn “lối thoát” về tài chính, hãy bán lại phần vốn đã góp trong liên doanh cho Hanel và khẳng định hoàn toàn có khả năng “ôm” lại, song Daewoo chưa đồng ý, nên dự án ách tắc vẫn hoàn ách tắc!

 

Người ngoài cuộc thì thấy mà tiếc cho cả 2 phía Việt Nam - Hàn Quốc trong liên doanh này, bởi lẽ 407ha đất “thẳng cánh cò bay” ấy có vị trí cực đắc địa, nằm ngay cửa ngõ đông bắc Thủ đô, gần các nút giao thông cầu Chui, cầu Đuống, trục đường Ngô Gia Tự, đường 48 đi quốc lộ 1 mới, đường 30 đi trung tâm khu đô thị mới Việt Hưng... và thời gian đã được cho phép hoạt động lên tới 50 năm!

 

Chờ mãi mà không có gì thay đổi, đến ngày 7/12/2004, Bộ KH&ĐT gửi công văn số 7857BKH/KCN&KCX yêu cầu Hội đồng quản trị Công ty liên doanh Daewoo - Hanel thống nhất lại thành phần và quy mô dự án.

 

Ngày 4/3/2005, liên doanh này gửi Bộ KH&ĐT bản Kế hoạch kinh doanh sửa đổi. Nhưng, nhiều điểm trong kế hoạch này ngay lập tức được các nhà chuyên môn nhận ra là “không phù hợp với giấy phép đầu tư, quyết định cho thuê đất và quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tổ hợp công nghiệp Sài Đồng”!

 

Thu hồi cũng lắm công phu!

 

Hơn 1 tháng sau, ngày 12/4/2005, UBND TP Hà Nội gửi văn bản số 1313/UB-KH&ĐT tới Bộ KH&ĐT, đề nghị rút giấy phép đầu tư dự án Khu công nghiệp Sài Đồng A đã cấp cho Công ty liên doanh Daewoo - Hanel.

 

Lại 1 tháng sau, ngày 18/5/2005, Bộ KH&ĐT gửi công văn số 3301/BKH/KCN&KCX thông báo cho liên doanh này biết việc Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chấm dứt hiệu lực pháp lý của Giấy phép đầu tư số 1595/GP ngày 17/6/1996.

 

Gần 4 tháng sau, ngày 5/9/2005, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp này là: Bộ KH&ĐT chủ trì họp bàn với các cơ quan liên quan xem xét lại thật kỹ các khía cạnh pháp lý để đề ra phương án xử lý thích hợp, cụ thể là có thể rút giấy phép đầu tư, hoặc chuyển đổi đối tác thực hiện dự án.

 

Lại nói về phía Công ty điện tử Hà Nội (Hanel), trong khoảng thời gian Bộ KH&ĐT đang báo cáo Thủ tướng và chờ ý kiến chỉ đạo - bà Giám đốc Trịnh Minh Châu cho biết vẫn kiên trì yêu cầu đối tác nếu muốn tiếp tục dự án cần thực hiện các điều kiện: Daewoo E&C là đối tác duy nhất, phải đặt cọc và có phương án triển khai dự án thật cụ thể!

 

Việc chấm dứt hoạt động của Công ty liên doanh Daewoo-Hanel tại dự án Khu công nghiệp Sài Đồng A cuối cùng cũng đã được Bộ KH&ĐT ra văn bản số 608/QĐ-BKH ngày 20/6/2006 quyết định.

 

Lúc này là đến phần việc của Sở TN, MT&NĐ (như đã nói ở trên) cần lập hồ sơ thu hồi quyết định cho Công ty liên doanh Daewoo-Hanel thuê đất tại quận Long Biên để thực hiện dự án Khu Công nghiệp Sài Đồng A, báo cáo UBND TP trước ngày 31/10/2006 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Được biết, khi mọi việc đi vào hồi kết, hàng triệu mét vuông đất bị bỏ hoang một thập kỷ vừa qua tại quận Long Biên (Hà Nội) nhiều khả năng sẽ biến thành một khu dân cư có quy mô và tầm vóc nhất nhì Thủ đô trong tương lai.

 

UBND TP đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng của dự án Khu công nghiệp Sài Đồng A (sau khi bị rút giấy phép) để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng khu đất này theo hướng hoàn chỉnh một khu đô thị mới.

 

Theo T.A.Nguyễn

VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm