Lắc đầu, lè lưỡi với các dịch vụ “chặt chém” ở Huế

Rất nhiều du khách đến cố đô Huế đã lè lưỡi, lắc đầu với dịch vụ “chặt chém” quanh các khu di tích.

Uống nước dừa tươi với giá 50.000 đồng/quả ở cạnh Lăng Tự Đức. Ảnh: Minh Hải.
Uống nước dừa tươi với giá 50.000 đồng/quả ở cạnh Lăng Tự Đức. Ảnh: Minh Hải.

 

Chế độ 3 giá (giá cho Tây, “ta du lịch” và “ta bản địa”) không biết hình thành từ khi nào nhưng nó đã tạo thành thói quen cố hữu của những người kinh doanh nơi đây.

 

Mọi thứ đều cao vút

 

Lăng Khải Định giữa cái nắng chang chang 39-40 độ C, nhiều du khách đã tấp vào quán giải khát đơn sơ, tranh tre mái lá ngay dưới chân lăng “nạp thêm năng lượng”, trước khi leo hàng trăm bậc thang bỏng rát.

 

Chị chủ quán giọng Huế ngọt ngào: “Vào uống nước, ăn kem các em ơi!”. Trong quán không có nhiều lựa chọn, chủ yếu là nước uống đóng chai, kem, dừa tươi. Chúng tôi uống 4 chai nước ngọt, 7 chiếc kem socola ốc quế. Khi tính tiền, chị chủ hàng hét: 360.000 đồng. Tôi tưởng chị bán hàng nhầm nên nói: “Chị có nhầm không, bọn em chỉ uống có 4 chai nước ngọt và 7 chiếc kem ốc quế?”. “Có mấy khách đâu mà chị nhầm, nước ngọt 20.000 đồng/chai, kem ốc quế bọn em dùng là của Thái 40.000 đồng/chiếc, tổng cộng hết 360.000 đồng là đúng rồi”. “Sao đắt thế? Nước ngọt đóng chai cũng chỉ 8.000- 10.000 đồng/chai; kem thì 15.000 – 18.000 đồng/chiếc là cùng”. “Ăn kem của chị là khác đấy, kem Thái mà em”. “Em cũng đang nói giá kem Thái đấy”. “Giá chung đấy”. Giọng của chị bán hàng ngọt ngào nghe ra đã… nhạt. Chúng tôi đành ngậm ngùi móc ví trả đủ.

 

Ngay gần đó, chị bán nón, mũ phục vụ du khách cũng hét giá cao ngất ngưởng và miễn mặc cả: nón Huế bằng lá dừa mỏng manh một lớp không quai 40.000 đồng/chiếc; mũ lá 20.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành 50.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, những dân bản địa mua nón Huế một lớp 18.000 đồng/chiếc; mũ lá 8.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành là 20.000 đồng/chiếc.

 

Vào lăng Khải Định, nhiều người nghĩ dịch vụ ở trong lăng thuộc sự quản lý của Ban quản lý di tích thì không thể có chuyện “chặt chém” được, không ngờ vẫn là giá “trên trời”. Kem ốc quế sôcôla Thái Lan 40.000 đồng/cái. Khách kêu đắt, cô bán hàng vẩy tà áo dài thướt tha bảo: “Có loại còn 50.000 đồng/cái đấy!”.

 

Nhìn mặt khách để “chặt”

 

Giá vé tham quan các điểm di tích ở Huế khá cao: Vé thăm các lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng cho khách quốc tế là 80.000 đồng/vé/người; cho khách Việt là 55.000 đồng/vé/người; Đại Nội - bảo tàng cổ vật cung đình, khách quốc tế là 105.000 đồng/người; khách Việt là 75.000 đồng/người. Trong khi đó, vé tham quan tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) chỉ 15.000 đồng/người; tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) chỉ là 30.000 đồng/người…

 

Khác với không khí hẻo lánh ở lăng Khải Định, dịch vụ quanh khu vực lăng Tự Đức sầm uất, nhộn nhịp hơn. Ai cũng nghĩ ở đây nhiều hàng quán chắc chuyện “chặt chém” sẽ ít hơn nên mạnh dạn vào uống nước. Nào ngờ, 4 quả dừa tươi được “chém đẹp” 200.000 đồng; 3 cái quạt giấy nhỏ có giá 90.000 đồng. Thậm chí, 3 chiếc quạt nhựa đồ chơi trẻ em chạy pin giá 90.000 đồng, trong khi tại các cửa hàng đồ chơi ở Hà Nội nó chỉ là 10.000đồng/chiếc… Thật quá “chát”!

 

Không chỉ ở các điểm tham quan lẻ, tại khu vực Đại nội, giá dịch vụ cũng cao ngút trời. Đặc biệt, giá ở đây có sự phân hạng một cách đáng nói: Các loại chè Huế bán cho khách bản địa chỉ 6.000 đồng/ly, nhưng bán cho khách du lịch người Việt đã thành gấp đôi (10.000 – 12.000 đồng/ly). Quán bún ở phố Chu Văn An bán cho khách du lịch giá 30.000 – 35.000 đồng/bát, trong khi người Huế chỉ 20.000 đồng/bát. Kem Merino trong Đại nội 20.000 đồng/chiếc, ốc quế 40.000 đồng/chiếc, trong khi đó, cũng loại kem này được bán ở BigC Huế giá là 7.500 đồng/chiếc Merino và 14.000 đồng/chiếc kem ốc quế. Như vậy, giá bán trong khuôn viên di tích đã tăng gấp 3 lần so với giá bán ở ngoài.

 

Trước khi ra về, nhiều du khách thuê xe ôm chở đi mua đồ về làm quà. Hầu hết các bác tài xe ôm đều có “mối” riêng và giá cả thì lung tung hết cả. Bởi, cùng mua một loại mực khô tại cùng đại lý đó nhưng mỗi tốp khách được bán một giá: Tốp đầu mua với giá 650.000 đồng/kg; tốp thứ hai mua 630.000 đồng/kg, nhưng tốp cuối chỉ mất có 600.000 đồng/kg. Thế nhưng, người dân bản địa cho biết, loại mực đó họ chỉ mua với giá 500.000- 550.000 đồng/kg.

 

Vẫn tồn tại chế độ 3 giá

 

Bà Hà Thị Anh (phố Duy Tân, phường Phước Vĩnh, TP Huế, cho biết: “Các cơ quan chức năng cũng ra tay dẹp nạn chặt chém nhưng “nếp cũ” vẫn duy trì. Thấy có cán bộ thì hàng quán thôi “chặt chém” nhưng cứ vắng họ là chuyện đâu lại vào đấy. Chế độ 3 giá vẫn tồn tại: bán cho Tây thì đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi giá cho khách “ta du lịch”; còn bán cho khách “ta du lịch” thì đắt gấp rưỡi, gấp đôi người bản địa”.

 

 Chị Nguyễn Thị Hương, người chuyên dẫn các đoàn đi thăm quan Huế, Công ty Du lịch Xanh (Hà Nội) cho biết: “Nạn “chặt chém” khách du lịch ở Huế, các cơ quan chức năng đã ra tay dẹp nhưng bị cản nhiều thì họ tìm cách né. Có cơ hội là các chủ kinh doanh quanh khu di tích vẫn “chém” không thương tiếc. Tôi thường xuyên đến Huế, nhiều chủ cửa hàng quanh các khu di tích đã quen mặt nhưng vẫn không bao giờ được mua với giá mà người dân bản địa ở đây vẫn mua”.

 

Các cơ quan chức năng địa phương có hiểu rằng, cách bán hàng kiểu “chặt chém” này đang làm xấu đi hình ảnh của con người và ngành du lịch xứ Huế? Trong khi việc niêm yết giá dịch vụ và hàng hóa quanh các khu di tích ở Huế để bảo vệ hình ảnh du lịch đâu có phải là một việc quá khó?

 

Theo Mai Hạnh

Gia đình Xã hội