Lạ lùng thời Covid-19, dụng cụ ăn xin bán tràn lan trên "chợ mạng"
(Dân trí) - Chỉ cần gõ từ khóa "dụng cụ ăn xin", người dùng có thể dễ dàng tìm thấy vật dụng trên sàn thương mại điện tử. Liệu đây có phải là hình thức câu khách hay là trò đùa trên mạng của các cửa hàng?
Dạo một vòng quanh các sàn thương mại điện tử, các dụng cụ như túi xách ăn xin, mũ nón ăn xin hay cả "combo bộ ăn xin" được rao bán công khai khiến nhiều người ngỡ ngàng. Không những vậy, những dụng cụ "hành khất" thời Covid-19 còn được rao bán với giá khá cao từ 100.000 - 200.000 đồng/bộ, kèm theo cả hình thức bán buôn và bán lẻ.
Chị Thanh Mai (Xã Đàn, Hà Nội) khá bất ngờ khi thấy dụng cụ ăn xin giờ lại được rao bán rầm rộ, đăc biệt là trên các sàn thương mại điện tử thời gian gần đây.
Thấy nghi ngờ, chị gọi điện đến số điện thoại ghi trên gian hàng thì đầu dây phía bên kia xác nhận là không phải. Đồng nghĩa với việc đây đích thị là một trò đùa trong mùa dịch Covid-19.
"Ngay từ đầu, tôi đã nghi ngờ đây chỉ là chiêu trò hút khách của cửa hàng, chứ ai hơi đâu đi mua bán những thứ như vậy. Nhưng từ đây cũng đặt ra câu hỏi, tại sao các sàn thương mại lại cho duyệt một sản phẩm không thực như thế" - chị nói.
Đồng quan điểm, anh Minh Lâm (Long Biên, Hà Nội) nhận định, anh có vào 3 gian hàng trên sàn thương mại thì nhận thấy đây chỉ là chiêu trò của những người bán hàng.
"Tôi có vào 3 gian hàng rao bán đồ ăn xin thì cả 3 đều hướng về 1 tài khoản facebook. Tôi có lần theo dấu hiệu để lại thì mới biết người này đang dạy bán hàng, tôi đoán ngay ra câu chuyện kế tiếp" - anh kể.
Theo anh Lâm, việc rao bán sản phẩm là quyền của mỗi người, còn việc xác minh là của kênh quản lý. Nhưng chính việc quản lý, kiểm soát lỏng lẻo sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn các trường hợp tương tự.
Trước sự tò mò về bộ dụng cụ, anh Hải Quang (Hà Nội) cũng đặt thử 1 bộ ăn xin thì thấy gian hàng vẫn xác nhận và cho đặt đơn. "Thực ra, cũng không khó để kiếm túi, mũ, nón như trong hình vì đây là những sản phẩm mây tre đan mà nhiều cửa hàng lưu niệm vẫn bán. Chẳng qua là họ thích ghi thành ăn xin, ăn mày hay gì cũng được", anh Quang nói.
Theo anh Quang, đây không phải lần đầu, sàn thương mại điện tử này xuất hiện những sản phẩm khiến khách hàng cười ra nước mắt. Bởi trước đó, một tài khoản trên sàn cũng rao bán đôi dép rách bị chó gặm với giá 1 triệu đồng/đôi và hoàn toàn những giao dịch kể trên là ảo. Nhưng việc xuất hiện dày đặc các thông tin không kiểm chứng sẽ làm mất đi tính chính xác, độ tin cậy trên sàn thương mại điện tử.