Kỳ vọng "về bờ" của giới đầu tư chứng khoán sau năm "đu đỉnh"

Mai Chi

(Dân trí) - Cơ hội đang rất nhiều và rõ ràng để đầu tư bài bản với một tầm nhìn trung và dài hạn, chứ không chỉ là những cơ hội lướt lát.

Loay hoay "đoán đỉnh"

Đầu năm 2022 đánh dấu thời điểm huy hoàng nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, khi VN-Index đóng cửa tại mức đỉnh lịch sử 1.528 điểm vào ngày 6/1. Đến phiên 4/4/2022, có thời điểm VN-Index lên tới 1.530,95 điểm trước khi đóng cửa lùi về 1.524,7 điểm. Cuộc đổ bộ của nhà đầu tư cá nhân lên thị trường ngày một đông đảo kèm theo những con số kỷ lục về dòng tiền, từ 40.000 tỷ đồng đến hơn 50.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Bài toán "đoán đỉnh" của chỉ số diễn ra trong suốt hơn 2 năm và chỉ kết thúc khi các nhà đầu tư, bao gồm cả các quỹ chuyên nghiệp và tay ngang, từ Fn (những người đầu tư lâu năm) đến F0 (những người mới gia nhập thị trường) bầm dập vì đà lao dốc của cổ phiếu.

Trong bối cảnh đó, cùng với việc rất nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" cổ phiếu thì không ít chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán (CTCK) cũng bị rơi vào "bẫy việt vị" vì đã lỡ đặt cược vào cửa tăng dài hạn của chỉ số.

Đầu năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng VN-Index sẽ vượt 1.800 điểm, ngay cả khi VN-Index đối mặt với những cú điều chỉnh mạnh. Thậm chí, không ít CTCK phải hạ kỳ vọng song vẫn cho rằng, VN-Index có thể quay lại đỉnh cũ và thiết lập các mốc lịch sử cao hơn. Hay như vào trung tuần tháng 5 - tháng lập kỷ lục về số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường với gần nửa triệu tài khoản, có chuyên gia dự báo VN-Index sẽ giảm về 950 điểm nhưng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của số đông.

Nhưng bất chấp đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế, GDP quý III tăng 2 chữ số, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp so với khu vực và thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn liên tục lao dốc không phanh. Các chốt chặn 1.500 điểm, 1.400 điểm, 1.300 điểm, 1.200 điểm, 1.100 điểm rồi 1.000 điểm của VN-Index lần lượt bị phá vỡ, thậm chí có thời điểm VN-Index còn rớt xuống ngưỡng 880 điểm. Thời điểm giữa tháng 11/2022, VN-Index có lúc mất 45% so với đỉnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12/2022, VN-Index đóng cửa ở mức 1.007,09 điểm, ghi nhận mức sụt giảm 491,19 điểm so với đầu năm tương ứng hiệu suất âm 32,78%. Theo đó, TTCK Việt Nam nằm trong nhóm giảm mạnh nhất thế giới năm 2022.

Lý giải cho sự sụt giảm này, TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra một số nguyên nhân như: Xu hướng chung điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng; rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng; dòng tiền vào TTCK sụt giảm; áp lực giải chấp lớn tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong bối cảnh rủi ro gia tăng và nhất là sau những sai phạm trên thị trường khiến nhiều cá nhân bị khởi tố; yếu tố tâm lý đám đông ảnh hưởng tới hành vi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Trong đó, nhóm nghiên cứu cho biết, có 3 nguyên nhân khiến tác động của tâm lý đám đông trên TTCK Việt Nam mạnh hơn so với những quốc gia khác:

Một là cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường (trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia phát triển chỉ khoảng 40-50%).

Hai là tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao cùng với tâm lý đám đông, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống - bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh.

Ba là TTCK Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá dẫn đến bị khởi tố, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan. Do vậy, họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ "hưng phấn quá mức" đến "bi quan quá đà" mỗi khi thị trường có điều chỉnh.

Kỳ vọng về bờ của giới đầu tư chứng khoán sau năm đu đỉnh - 1

Nhiều nhà đầu tư đang bị "kẹp hàng" từ đỉnh 1.500 điểm của VN-Index (Ảnh minh họa: Hải Long).

Hy vọng nào cho sự "về bờ" của giới đầu tư?

Với nhịp hồi phục của VN-Index giai đoạn cuối năm 2022, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS - cho rằng, sau thời gian hoảng loạn, thị trường đã có sự phân hóa và chọn lọc hơn. Theo đó, những cổ phiếu bị bán "oan" có kết quả kinh doanh tốt, định giá rẻ đã thu hút dòng tiền mạnh mẽ để bật tăng trở lại. 

Cùng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của VNDirect - cũng nhận thấy, thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tin tốt hỗ trợ như việc Fed phát đi tín hiệu sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất điều hành, chỉ số USD-Index liên tục giảm thời gian gần đây giúp giảm bớt áp lực tỷ giá trong nước và việc một số ngân hàng bắt đầu có động thái giảm lãi suất cho vay. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét nới "room" tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết. Lực cầu của thị trường cũng đang được hỗ trợ khi các quỹ ETFs liên tục hút vốn (đặc biệt là Fubon ETFs) và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua vào cổ phiếu.

Theo nhận định của ông Hoàng Công Tuấn, chứng khoán Việt Nam đã đạt được 90% chặng đường điều chỉnh trong bối cảnh lãi suất có thể đạt đỉnh vào đầu năm 2023 như dự kiến, áp lực tỷ giá cũng dần vơi bớt khi đồng USD giảm nhiệt, các yếu tố khó khăn của thị trường đã được phản ánh.

Kinh tế trưởng MBS cho rằng, có thời điểm định giá P/E thị trường rơi xuống 9,5 lần - mức tương đương năm 2011, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ xấu, áp lực lạm phát, lãi suất và tỷ giá khi đó được cho là căng thẳng hơn thời điểm hiện tại rất nhiều. Điều này cho thấy, TTCK đã phản ánh mạnh như giai đoạn nền kinh tế rơi vào cùng cực dù bối cảnh vĩ mô của Việt Nam hiện vẫn có nhiều điểm sáng.

Ông Tuấn khuyên nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn, tập trung vào doanh nghiệp cốt lõi có kết quả kinh doanh vững chắc và có định giá rẻ, đặc biệt là những doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt. Nếu vẫn giữ tâm lý bi quan thì nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ mất đi cơ hội lấy lại những gì đã mất.

Nói về thị trường trong bối cảnh hiện tại, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TPHCM CTCK DSC - cho rằng, quãng thời gian khó khăn nhất đã qua và khuyến nghị những nhà đầu tư còn "kẹp" lại và đã có tỷ trọng cổ phiếu cao không nhất thiết phải hạ tỷ trọng cổ phiếu nhưng cần xem xét lại kỹ danh mục để cơ cấu sang một danh mục lành mạnh hơn. Còn với người cầm tiền nếu chưa kịp "bắt đáy" vẫn hoàn toàn có thể cân nhắc giải ngân. 

"Cơ hội đang rất nhiều và rõ ràng để đầu tư bài bản với một tầm nhìn trung và dài hạn, chứ không chỉ là những cơ hội lướt lát" - ông Huy cho hay. Theo báo cáo của CTCK này, sau những đợt điều chỉnh mạnh trong 2022, định giá TTCK Việt Nam hiện đã rơi vào mức khá rẻ khi cả 2 chỉ số định giá P/E và P/B đều thấp hơn mức trung bình 10 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn thận, tránh rượt đuổi những cổ phiếu "định giá rẻ" mà không tìm hiểu kỹ để tránh rủi ro khó lường do định giá rẻ có thể rẻ hơn, việc kết quả kinh doanh giảm sút có thể biến rẻ thành đắt.