1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Kỷ nguyên thần kỳ của “những ngôi sao” đang tàn lụi?

(Dân trí) - Khi một vận động viên không đạt được tốc độ tốt nhất, phải mất một thời gian mới phán xét được anh ta đánh rơi phong độ tạm thời hay vĩnh viễn. Điều này cũng đúng với những nền kinh tế mới nổi thế kỷ 21.

Kỷ nguyên thần kỳ của “những ngôi sao” đang tàn lụi?
Các nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn phát triển trong vòng 1 thập kỷ tới, nhưng khó tạo được đột phá (ảnh minh họa).

Những gã khổng lồ đang dần giảm tốc

Sự chững lại của các nền kinh tế mới nổi không phải là sự bắt đầu của một thời kỳ suy thoái mà đó là một bước ngoặt của kinh tế thế giới.

Khi một vận động viên điền kinh không đạt được tốc độ tốt nhất, phải mất một quãng thời gian nhất định để có thể đánh giá được xem anh ta đánh rơi phong độ tạm thời hay vĩnh viễn. Điều này cũng đúng với những nền kinh tế mới nổi trong thế kỷ 21. 

Sau hơn một thập niên phát triển như vũ bão, tạo nên sự bùng nổ toàn cầu, kéo nền kinh tế thế giới tiếp tục tiến lên trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, thì gần đây, những gã khổng lồ đang dần giảm tốc.

Trong năm 2013, Trung Quốc rất may mắn khi đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng hơn 2 con số mà nền kinh tế này kỳ vọng vào những năm đầu thế kỷ 21. 

Tăng trưởng GDP ở Ấn Độ là 5%, Brazil và Nga xấp xỉ 2,5%, chỉ bằng một nửa so với thời kỳ huy hoàng. Nếu gộp lại, thì những nền kinh tế mới nổi này sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng xung quanh 5% vào cuối năm này. 

Con số này có vẻ nhanh khi đem so sánh với tốc độ phát triển ì ạch của các nước giàu nhưng đây là mức thấp nhất của các nước này.

Điều này đánh dấu một dấu chấm hết kỷ nguyên phát triển thần kỳ đầu tiên của các nền kinh tế mới nổi, kể từ khi tổng sản lượng đầu ra của các nước này từ mức 38% nhảy vọt tới mốc 50% toàn thế giới. 

Trong vòng 10 năm nữa, các nền kinh tế này vẫn phát triển, nhưng tăng trưởng sẽ đều đặn hơn. Những tác động ngắn hạn của đà suy giảm này có thể kiểm soát được, nhưng ảnh hưởng dài hạn đối với nền kinh tế thế giới là không nhỏ.

Thời kỳ hoàng kim, kỷ lục đã qua

Trong quá khứ, sau một giai đoạn bùng nổ kinh tế sẽ thường là một quá trình suy thoái (điều này giải thích tại sao có rất ít nước nghèo trở thành nước giàu). 

Những người theo quan điểm tiêu cực có nhiều lý do để lo lắng cho một sự suy thoái mạnh mẽ của Trung Quốc hay một chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh hơn nữa trên toàn cầu. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại, viễn cảnh tồi tệ này hiếm có cửa xảy ra.

Trung Quốc đang lưỡng lự giữa giai đoạn chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư và một mô hình cân bằng hơn giữa đầu tư và tiêu dùng. 

Đầu tư tăng mạnh đã sản sinh ra rất nhiều các khoản nợ xấu. Thế nhưng Bắc Kinh có sức mạnh tài chính đủ để hấp thụ nợ xấu và kích thích nền kinh tế nếu cần thiết. Điều đó không phải nền kinh tế mới nổi nào cũng có thể có được. 

Như vậy một sự suy thoái trầm trọng khó xảy ra hơn. Và nền kinh tế các nước giàu vẫn tiếp tục ảm đạm, cũng rất khó có khả năng chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt. Và ngay cả khi điều đó xảy ra, các thị trường mới nổi sẽ vẫn có sự phòng vệ an toàn bằng tỷ giá hối đoái linh hoạt, dự trữ ngoại hối dồi dào và ít nợ hơn.

Kỷ nguyên thần kỳ của “những ngôi sao” đang tàn lụi?

Sau hơn một thập niên phát triển như vũ bão, tạo nên sự bùng nổ toàn cầu, tốc độ tăng trưởng của các quốc gia mới nổi đã chùng lại.

Đó là những tin tốt. Tin xấu là thời kỳ hoàng kim của những kỷ lục đã qua. Mô hình thu hút đầu tư, khuyến khích xuất khẩu của Trung Quốc đang dần mất lợi thế. Bởi vì dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, đất nước khổng lồ này sẽ dần có ít nhân công hơn. 

Thêm vào đó Trung Quốc đang giàu lên, khiến ít chỗ hơn cho một mức tăng trưởng cao. 10 năm trước đây, mức GDP/người của Trung Quốc bằng 8% GDP/người của Hoa Kỳ, và bây giờ con số này là 18%. Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng sẽ chậm hơn.

Sự suy giảm của Trung Quốc sẽ kìm hãm những gã khổng lồ mới nổi khác. Nga phát triển chậm lại do giá năng lượng tăng lên. Brazil đã nhảy vọt nhờ vào sản phẩm thô, và tăng trưởng tín dụng; nhưng hiện tại đang tuột dốc do tác động kép của lạm phát cao và tăng trưởng thấp. 

Kịch bản tương tự cũng diễn ra đối với Ấn Độ, quốc gia với mức tăng trưởng GDP gần 2 con số trước đây là khiến các chính trị gia và nhà đầu tư hoài nghi về tiềm năng tăng trưởng thực sự của một quốc gia trẻ và nghèo đói này. 

Bây giờ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ khó có thể phục hồi nếu không có sự cải cách mạnh mẽ, táo bạo hơn và hầu như không thể trở lại đỉnh cao.

Những hoài nghi về học thuyết thị trường tự do

Sự chững lại của các nền kinh tế mới nổi có nghĩa là các nước này không còn có thể bù đắp sự yếu kém của các nước giàu. Nếu những nền kinh tế mạnh như Mỹ, Nhật và Châu Âu không phục hồi mạnh mẽ, thì tương lai kinh tế thế giới sẽ không thể tăng trưởng quá mức 3% như hiện tại. Tốc độ phát triển vẫn tiếp tục ì ạch.

Trong thập kỷ vừa qua, thế giới chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi kinh tế Trung Quốc, không chỉ bởi vì kích thước không lồ của quốc gia này mà còn bởi vì sản lượng xuất khẩu khổng lồ, cơn khát hàng thô và nhu cầu dự trữ ngoại hối lớn. 

Trong tương lai, một sự tăng trưởng bền vững hơn và cân bằng hơn sẽ đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và 10 nền kinh tế mới nổi lớn nhất tiếp theo, từ Indonesia tới Thái Lan. Tăng trưởng sẽ ở bình diện rộng hơn, và sẽ phụ thuộc ít hơn vào các nước lớn khối BRICs (Brazil, Russia, India và China). 

Các nhà hoạch định chiến lược, những người tin rằng các nền kinh tế mới nổi vẫn sẽ đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tốt nhất nên cần phải bàn bạc lại những con số của họ. 

Trong một vài năm tới, Mỹ với tiềm năng khí đá phiến, sẽ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn các nước khối BRIC. Nhưng thử thách lớn nhất thuộc về những chính trị gia của các nước mới nổi, những người đóng vị trí then chốt của sự phát triển đất nước. 

Dù gì đi nữa, Trung Quốc có vẻ như là nước có nhiều triển vọng tái cơ cấu nhất. Ngược lại, Nga lại đang trì trệ bởi chính sách lạm dụng tài nguyên. Ấn Độ có thế mạnh về dân số, nhưng cả nước này và Brazil cần thiết phải mạnh mẽ hơn trong công cuộc tái thiết hay vực dậy niềm tin từ dân chúng.

Trong tương lai, rất có thể sẽ có sự thay đổi trong “giai điệu” của các học thuyết kinh tế. Trong thập niên 90, những người ủng hộ Washington thuyết giảng các nước mới nổi về dân chủ và thị trường tự do. 

Trong vài năm trở lại đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự hỗn loạn của phố Wall, Washington rơi vào bế tắc và khối EU đối mặt với nguy cơ tan rã, niềm tin về sự tự do đang bị đặt ra nhiều câu hỏi, chủ nghĩa tư bản nhà nước và hiện đại hóa dưới chế độ độc tài đang trở thành xu hướng mới. Sự phục hồi kinh tế có thể khiến thế giới thêm phần chú ý tới học thuyết kinh tế Bắc Kinh và khiến cho phương Tây củng cố lại niềm tin vào chính mình.

Bích Diệp
Theo The Economist