Kỷ lục chưa từng có: Hơn 50.000 tỷ đồng "dội" vào chứng khoán
(Dân trí) - Áp lực bán tháo trong sự hoảng loạn của giới đầu tư khiến VN-Index lao dốc, có lúc đánh mất gần 55 điểm. Tuy vậy, thị trường chứng kiến thanh khoản kỷ lục, riêng khớp lệnh trên HSX hơn 38.000 tỷ đồng.
Đóng cửa giảm hơn 45 điểm, thanh khoản kỷ lục
Phiên chiều tiếp tục là cơn ác mộng với giới đầu tư khi VN-Index tiếp tục lao dốc rất mạnh, thủng cả mốc 1.320 điểm xuống 1.318,21 điểm, ghi nhận thiệt hại 56,64 điểm trước khi đóng cửa ở 1.329,43 điểm, ấn định mức giảm 45,42 điểm tương ứng 3,3%.
VN30-Index giảm 54,56 điểm tương ứng 3,63% còn 1.450,45 điểm. HNX-Index giảm 7,13 điểm tương ứng 2,06% còn 338,93 điểm. UPCoM-Index giảm 2,22 điểm tương ứng 2,35% còn 92,48 điểm.
Hơn 660 mã giảm trên toàn thị trường với 45 mã giảm sàn. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu thuộc rổ VN30 giảm sâu. GVR giảm 6,3%; VIC giảm 6,1%; STB giảm 5,5%; KDH giảm 5,2%; MWG giảm 4,9%; ACB giảm 4,8%; BID giảm 4,7%; CTG giảm 4,7%; TCB giảm 4,7%; TPB giảm 4,6%... Cổ phiếu ngành thực phẩm, đồ uống cũng bị sụt giảm đáng kể. ANV giảm 6,3%; ASM giảm 6,3%; FMC giảm 5,5%; VHC giảm 5,3%; GTN giảm 4,3%; IDI giảm 4,1%; DBC giảm 3%...
Trong khi đó, tại dòng chứng khoán, nhiều mã vẫn khỏe: APG tiếp tục tăng trần lên 16.050 đồng; CTS tăng 5,8%; VIX tăng 5%; IVS tăng 3,7%; HCM tăng 1,1%. Một số mã ngành hóa chất như HCD tăng trần, DAG tăng 4,2%; DPM tăng 3,6%; DCM tăng 1,1%; BFC tăng 1,1%...
Đáng chú ý trong phiên hôm nay đó là kỷ lục về thanh khoản. Tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường (ở cả khớp lệnh và thỏa thuận) lên tới con số 50.163 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên HSX lên tới 38.349,6 tỷ đồng, khối lượng đạt 1,2 tỷ đơn vị. HNX cũng thu hút tới 6.041,8 tỷ đồng giải ngân, khối lượng khớp 246,7 triệu đơn vị. Con số này trên UPCoM là 213,3 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị khớp lệnh ở mức 2.931,9 tỷ đồng.
Thị trường bất ngờ giảm sâu, nhà đầu tư hoang mang
Như đã trở thành thông lệ, sau mỗi đợt đáo hạn phái sinh, hễ VN-Index được "kéo trộm" cuối phiên nhờ trụ thì ngay đầu phiên hôm sau thị trường sẽ "trả" lại chừng đó điểm.
Sau đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO) sáng nay (20/8), VN-Index về đúng vùng 1.367 điểm trước khi tiếp tục giảm thêm do áp lực chốt lời mạnh từ cộng đồng nhà đầu tư. Thử thách hai lần ngưỡng 1.355 điểm, tới 11h, VN-Index bắt đầu lao dốc thẳng đứng, từ vùng 1.356 điểm xuyên thủng 1.340 điểm về 1.337,7 điểm tại 11h12 trước khi "nẩy" trở lại 1.348 điểm.
Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index vẫn đang mất 29,14 điểm tương ứng 2,12% còn 1.345,71 điểm. VN30-Index bị "đạp" mạnh, giảm 36,29 điểm tương ứng 2,41% còn 1.468,72 điểm. HNX-Index giảm 3,97 điểm tương ứng 1,15% còn 342,09 điểm và UPCoM-Index giảm 1,52 điểm tương ứng 1,6% còn 93,19 điểm.
Lực bán trên thị trường bất ngờ gia tăng mạnh ngay khi có tin đồn về tình hình dịch bệnh khiến toàn bộ TPHCM phải "lock down". Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trước báo giới, thông tin "lockdown" (phong tỏa, đóng cửa) toàn thành phố lan truyền trên mạng là không chính xác.
Theo đó, thành phố không đóng cửa toàn địa bàn mà tập trung, nâng cao hơn các giải pháp giãn cách xã hội. Từ 23/8, TPHCM siết chặt "vùng đỏ", yêu cầu dân "ở yên trong nhà".
"Tôi khẳng định không có chuyện đóng cửa toàn thành phố. Từ ngày 23/8, thành phố sẽ thực hiện các biện pháp nâng cao, tăng cường để tiến tới kiểm soát dịch Covid-19 trước ngày 15/9", ông Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI, cũng trấn an nhà đầu tư: "Thị trường chứng khoán vẫn hoạt động bình thường dù TPHCM thực hiện ai ở đâu ở yên đó từ ngày 23/8".
Trở lại với thị trường, sắc đỏ bao trùm 3 sàn giao dịch với số lượng mã giảm giá lên tới 626 mã, 37 mã giảm sàn so với 315 mã tăng, 54 mã tăng trần. Bên cạnh đó, hàng loạt "trụ" bị xả bán mạnh đã khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Nếu hôm qua VIC là "công thần" thì sáng nay mã này lại là "tội đồ" lấy đi của chỉ số 5,25 điểm. VCB, VHM cũng ảnh hưởng tiêu cực khiến chỉ số bị kéo giảm gần 2 điểm mỗi mã.
Không một mã nào trong rổ VN30 tăng giá: VIC giảm 5,5%; MBB giảm 3,4%; VPB giảm 3,3%; GVR giảm 3,2%; STB giảm 3%; GAS giảm 2,8%; ACB giảm 2,7%; TCB giảm 2,6%; MWG giảm 2,4%; TPB giảm 2,3%...
Như vậy tuy mức giảm tương đối lớn và trên diện rộng nhưng vẫn không có mã nào trong VN30 giảm sàn.
Dòng bất động sản nhiều mã cũng đã bị chốt lời đáng kể. Ngoài VIC giảm sâu thì VHM và VRE cũng cùng giảm 2,1%; NTL giảm 3,8%; TDH giảm 3,7%; LHG giảm 3,6%; PTL giảm 3,6%; HTN giảm 3,4%; DIG giảm 3,2%; HDG giảm 3%...
Cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn khá khỏe. Trong khi cổ phiếu trên thị trường bị bán mạnh thì APG vẫn tăng trần, CTS tăng 5,8%; BVS tăng 3,3%; VIX tăng 2,5%; IVS tăng 1,9%; ORS tăng 1,5%; HBS, ASS, AGR, HCM đều đang tăng giá.
Tuy vậy, có thể thấy dòng tiền vẫn rất khỏe. Thời điểm chỉ số lùi sâu lập tức dòng tiền lớn ồ ạt vào giải cứu. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VPS, đến hết phiên sáng nay, dự tính khối lượng khớp lệnh trên HSX vượt 42% khối lượng giao dịch trung bình 5 phiên.
Cụ thể, dòng tiền đổ vào HSX trong phiên sáng đạt 19.789 tỷ đồng, khối lượng khớp gần 628,8 triệu đơn vị; HNX có 146,4 triệu cổ phiếu giao dịch khớp lệnh tương ứng giá trị khớp đạt gần 3.383 tỷ đồng. Con số này trên sàn UPCoM ở mức 139 triệu cổ phiếu tương ứng 1.816 tỷ đồng.
Tổng giá trị dòng tiền đổ vào mua chứng khoán sáng nay (trên cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận) đã đạt xấp xỉ 26.181 tỷ đồng.