1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vấn đề kinh tế tuần qua:

Kỷ luật nặng 29 cán bộ hải quan; Eximbank “bốc hơi” 2.400 tỷ đồng vốn hoá

(Dân trí) - Việc xử lý kỷ luật đối với 29 cán bộ hải quan trong vụ 213 container mất tích, các diễn biến tiếp theo quanh bê bối tiền gửi tại Eximbank, việc xử lý 4 dự án nghìn tỷ của Tập đoàn Hoá chất... là những thông tin gây chú ý trong tuần qua.

Vụ 213 container mất tích, kỷ luật nặng 29 cán bộ hải quan

Từ năm 2015 vụ việc 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển qua cảng Cát Lái - TP.HCM (nơi đi) để trung chuyển qua đường bộ sang Campuchia (nơi đến) đã bị Tổng cục Hải quan phát hiện sai phạm khi số container này được chuyển khỏi cảng Cát Lái mà không được đưa đến nơi xuất theo quy định.

29 công chức hải quan trong vụ container mất tích sẽ bị kỷ luật nặng
29 công chức hải quan trong vụ container mất tích sẽ bị kỷ luật nặng

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Cục Hải quan TP.HCM đã thực hiện kiểm điểm, xử lý điều chuyển vị trí công tác 29 công chức có liên quan, sau đó có xử lý thêm như:

Kỷ luật các công chức bằng hình thức khiển trách đối với 2 công chức liên quan đến việc hủy BOA (hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi) trên hệ thống; 11 công chức và 1 lãnh đạo Đội giám sát có liên quan đến việc hàng đã ra khỏi cảng nhưng không lưu hồ sơ bị kỷ luật hạ 2 mức phân loại (xuống mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực).

Ba lãnh đạo Chi cục và 3 đội trưởng của hải quan theo các thời kỳ có liên quan đến vụ việc bị hạ một mức phân loại (xuống mức hoàn thành tốt nhiệm vụ).

Theo báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính thừa nhận: "Kết quả xử lý của Cục Hải quan TP.HCM chưa được. Mức xử lý chưa nghiêm khắc, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa sai phạm; chưa tương xứng với hậu quả xảy ra".

Chính vì thế, cuối tháng 1/2018, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn yêu cầu Hải quan TP.HCM kiểm điểm, xử lý kỷ luật lại.

Bộ Tài chính cam kết với Thủ tướng sẽ tổng hợp báo cáo kết quả xử lý các cá nhân có liên quan đến vụ việc trong quý I/2018.

Cổ phiếu lao dốc, Eximbank lần đầu lên tiếng với cổ đông vụ mất 245 tỷ đồng

Trong công văn vừa được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Trung tâm lưu ý chứng khoán, ngân hàng này lần đầu tiên đã lên tiếng với cổ đông và nhà đầu tư về việc để mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Công văn này do ông Lê Văn Quyết - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ký. Nội dung công văn cho biết, vừa qua trên một số phương tiện truyền thông có thông tin về bà C.T.B (bà Chu Thị Bình), khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM yêu cầu hoàn trả và tất toán tiền gửi trên các sổ tiết kiệm mở tại Eximbank Chi nhánh TP.HCM.

“Về đề nghị này của khách hàng nêu trên, Eximbank đang gặp gỡ và làm việc với khách hàng để sớm tìm giải pháp phù hợp, hợp tác với Cơ quan Cảnh sảnh sát điều tra Bộ Công an trong suốt quá trình điều tra và thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, báo cáo Ngân hàng Nhà nước”, phía Eximbank cho biết.

Đồng thời, ngân hàng này cũng khẳng định “sẽ công bố thông tin khi có phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan tố tụng”.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB của Eximbank diễn biến bất lợi. Đến thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 8/3, giá EIB chỉ còn 14.250 đồng, tương ứng mất hơn 12% trong vòng hơn 1 tháng. Vốn hoá thị trường của ngân hàng này theo đó sụt giảm gần 2.400 tỷ đồng, hiện ở mức 17.519 tỷ đồng.

Ngành thép Việt Nam có thể mất toàn bộ thị trường Mỹ sau tuyên bố của Tổng thống Trump

Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá với biện pháp đánh thuế mà Nhà trắng công bố mới đây sẽ tác động “rất xấu” đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí có thể làm ngành thép Việt mất toàn bộ thị trường Mỹ.

Hiệp hội Thép lo sẽ không cạnh tranh được với các quốc gia khác trên thị trường Mỹ với mức thuế suất mới
Hiệp hội Thép lo sẽ không cạnh tranh được với các quốc gia khác trên thị trường Mỹ với mức thuế suất mới

Tổng thống Mỹ mới đây đã công bố sẽ đưa quyết định cuối cùng ngày 11/4/2018 về việc áp dụng một trong ba biện pháp hạn chế nhập khẩu thép vì mục đích an ninh quốc gia do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất ngày 11/1/2018.

Cụ thể, thuế nhập khẩu với thuế suất tối thiểu 53% đối với 12 quốc gia trong đó có Việt Nam và áp dụng hạn ngạch tối thiểu 100% đối với các quốc gia khác; hoặc, áp dụng hạn ngạch 63% đối với tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia; hoặc thuế nhập khẩu toàn cầu với mức tối thiểu 24%.

Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, đối với trường hợp Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53%, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác dẫn đến nguy cơ bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích thì việc áp thuế nếu xảy ra, sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết. Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu cho thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.

Nếu không được cứu, đạm Ninh Bình và Hà Bắc sẽ lỗ vài nghìn tỷ đồng trong 3 năm tới

Theo báo cáo của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), trong số 12 dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ của ngành công thương thì Vinachem chiếm tới 4 dự án, bao gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem, DAP số 2 - Vinachem.

Trong 4 đơn vị nêu trên thì có 3 đơn vị liên tục lỗ kể từ khi đưa dự án vào hoạt động thương mại nên không còn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không đủ tiền để trả nợ vốn vay đầu tư và cũng chỉ dành một số tiền rất hạn chế để đầu tư cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm.

Do vậy theo Tập đoàn này, điều kiện quyết định để các đơn vị triển khai phương án sản xuất kinh doanh trong 2018-2020 là cácngân hàng thương mại tiếp tục tài trợ cho vay vốn lưu động với hạn mức đảm bảo các đơn vị luân chuyển dòng tiền đã xây dựng.

Riêng với Đạm Ninh Bình, cần 120 tỷ đồng vốn trung và dài hạn phục vụ cho việc sửa chữa lớn định kỳ nhà máy trong 2018.

Đồng thời các ngân hàng thực hiện giải pháp hỗ trợ giãn nợ, cơ cấu lại các khoản vốn vay đầu tư để đơn vị có đủ dòng tiền trả nợ theo các khoản vay được giãn nợ, cơ cấu lại nợ, không rơi vào tình trạng nợ quá hạn.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, căn cứ vào các phương án mà báo cáo Vinachem đưa ra thì việc lỗ nhiều đến thế nào thì lại tuỳ thuộc rất nhiều vào kết quả việc giải quyết các kiến nghị.

Đình chỉ phiên tòa Vinasun kiện Grab đòi 42 tỷ đồng

Sáng 7/3, phiên tòa xét xử vụ hãng taxi Vinasun kiện Grab Việt Nam đã không diễn ra như dự kiến. Ngay từ đầu phiên tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án này để thu thập chứng cứ từ Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và Bộ Giao thông Vận tải.

Đại diện Grab trao đổi với báo chí
Đại diện Grab trao đổi với báo chí

Theo Hội đồng xét xử, Tòa án ghi nhận rằng Grab Việt Nam đã cung cấp tất cả tài liệu và chứng cứ cần thiết theo yêu cầu của Tòa án vào lúc 7h40 sáng 07/03/2018, trước thời hạn theo yêu cầu của Tòa là 8h00 sáng ngày 07/03/2018.

Đáng lưu ý, trong phiên xử ngày 07/02/2018, Tòa cũng yêu cầu Vinasun cung cấp chứng cứ cần thiết và hợp lệ để chứng minh cho các cáo buộc của đơn vị này. Hôm nay, Tòa cũng xác nhận, Vinasun chưa nộp bổ sung bất cứ tài liệu nào theo yêu cầu của Tòa.

Theo đại diện Grab Việt Nam, những cáo buộc mà Vinasun đưa ra trong vụ kiện này đều không có gì mới mẻ. Trong một thời gian dài, Vinasun đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chính phủ chấm dứt đề án thí điểm. Tuy nhiên, Chính phủ đã khuyến khích Vinasun nắm bắt, tận dụng công nghệ và đổi mới, đồng thời, hợp tác cùng các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối như Grab Việt Nam để thực hiện chương trình mà quốc gia hướng tới - nền công nghiệp 4.0.

Người Thái thâu tóm “ông lớn” ngành nhựa

Chiều 9/3/2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tổ chức thành công phiên chào bán hơn 24,16 triệu cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, tương ứng 29,51% vốn điều lệ doanh nghiệp này.

Một tổ chức đã mua gần trọn lô hơn 24 triệu cổ phiếu BMP với mức giá đúng bằng mức giá khởi điểm 96.500 đồng/cổ phiếu; trong khi, cũng với giá này, nhà đầu tư cá nhân mua được 20.000 cổ phiếu. Kịch bản này “hao hao” với phiên đấu giá Sabeco cách đây không lâu.

Trước đó, công bố từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM cho thấy, tổ chức đăng ký mua toàn bộ số cổ phần mà SCIC muốn bán là Công ty Nawaplastic Industries của Thái Lan. Doanh nghiệp này hiện đang đang sở hữu 16,7 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 20,4% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh.

Sau khi hoàn tất các thủ tục và thực hiện thanh toán sau đấu giá, Nawaplastic sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên khoảng 49,91%. Trong bối cảnh Nhựa Bình Minh đã nới room cho nhà đầu tư ngoại lên 100%, nhiều khả năng Nawa sẽ tiếp tục mua thêm cổ phần để giữ cổ phần chi phối tối thiểu là 51%.

“Huyền thoại” quạt điện Thống Nhất hơn 50 năm được bán cho tư nhân

Chiều 30/3 tới, UBND Thành phố Hà Nội sẽ bán đấu giá toàn bộ hơn 6,7 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP Điện cơ Thống Nhất. Số cổ phần này tương đương với 46,9% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua hết số cổ phần này.

Mức giá khởi điểm được đưa ra đối với cổ phần Điện cơ Thống Nhất là 42.400 đồng/cổ phần. Như vậy, nếu phiên đấu giá diễn ra thuận lợi, cổ đông Nhà nước có thể thu về ít nhất 284,3 tỷ đồng.

Công ty CP Điện cơ Thống nhất, tiền thân là Xí nghiệp Điện khí Thống Nhất, thành lập từ đầu năm 1965. Đây là một trong những đơn vị sản xuất quạt điện lớn nhất Việt Nam. Thương hiệu sản phẩm được đăng ký độc quyền với biểu tượng hình 3 cánh quạt với tên gọi Vinawind, Điện cơ Thống Nhất.

Bích Diệp (tổng hợp)

Kỷ luật nặng 29 cán bộ hải quan; Eximbank “bốc hơi” 2.400 tỷ đồng vốn hoá - 4