1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kỳ lạ lãi suất huy động

Có những ngân hàng thừa vốn vẫn huy động với lãi suất cao. Đã có câu hỏi về tình trạng huy động lãi suất cao để có vốn cho vay “sân sau”.

Các ngân hàng đang tập trung thu hồi nợ, siết chặt cho vay.
Các ngân hàng đang tập trung thu hồi nợ, siết chặt cho vay.
 
Thừa vốn và lãi suất cao - thấp

Khảo sát của PV tại các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mức lãi suất huy động tại từng ngân hàng khác nhau rõ rệt. Cụ thể, Vietcombank niêm yết lãi suất huy động 1 tháng là 5%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm, 3 tháng là 6,8%/năm, 6 tháng là 7%/năm, 12 tháng là 7,5%/năm; OceanBank có lãi suất huy động 1 - 3 tháng là 7%/năm, 6 - 11 tháng là 7,3%/năm, 12 tháng là 8,5%/năm; tại TienPhong Bank, lãi suất huy động 1 - 2 tháng là 6,8%/năm, 3 tháng là 7%/năm, 6 - 9 tháng là 8%/năm, 12 tháng là 9%/năm.

Giám đốc nguồn vốn một NHTM cổ phần cho biết: “Các NHTM có gốc quốc doanh có lãi suất huy động thấp bởi không phải lo nguồn vốn. Còn một số ngân hàng TMCP đang thừa nguồn vốn khá nhiều nên không mặn mà với việc huy động. Ví dụ, ngân hàng H dư 3.000 tỷ đồng, ngân hàng M dư xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, còn ngân hàng P được coi là ngân hàng ‘bé’ cũng dư khoảng 2.000 tỷ đồng. Hoạt động của các ngân hàng TMCP hiện nay chủ yếu là thu hồi nợ, siết chặt cho vay”.

Về tình trạng hạn chế cho vay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tính đến cuối tháng 7, huy động của toàn ngành ngân hàng đạt mức tăng xấp xỉ 10% so với đầu năm, trong đó huy động VND tăng hơn 9%, huy động USD tăng khoảng 12%; tín dụng tăng hơn 5%, trong đó tín dụng VND tăng 9%.

Trở lại vấn đề lãi suất, theo tìm hiểu của PV, có những ngân hàng khi làm sổ tiết kiệm, khách hàng sẽ được mặc nhiên tham gia một chương trình khuyến mại. Đến cuối chương trình, điểm thưởng được quy ra tiền mặt và chuyển vào tài khoản của khách hàng, tương ứng với mức lãi suất huy động 1 tháng là 7%/năm, 3 tháng là 8%/năm, 6 tháng 8,5%/năm, 12 tháng là 9,5%/năm, 13 tháng là 10,5%/năm.

Theo nhân viên giao dịch của một NHTM cổ phần, ngân hàng B và S có truyền thống huy động với lãi suất cao, hiện cũng trả tiền mặt trực tiếp cho khách đối với phần lãi suất được cộng thêm, ngay khi sổ tiết kiệm hoàn tất.

Bí ẩn lãi suất cao

“Những ngân hàng vẫn phải huy động với lãi suất cao chủ yếu là những đơn vị đang đổ tiền vào DN mà chủ của ngân hàng có quan hệ sở hữu. Chẳng hạn, ngân hàng B đang dồn tiền cho dự án sản phẩm tiêu dùng sạch, ngân hàng S đang tập trung vốn cho các dự án bất động sản”, Tổng giám đốc một NHTM nói.

“Để lách quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu của Luật Các tổ chức tín dụng, một số cổ đông đã thực hiện các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo và gián tiếp sở hữu tổ chức tín dụng thông qua những cá nhân, tổ chức khác mà không công khai thông tin, biến tổ chức tín dụng thành công cụ để phục vụ cho các hoạt động ‘sân sau’ của mình”, ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN nhận xét.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, hầu hết tập đoàn kinh tế và DNNN lớn đều sở hữu cổ phần tại các ngân hàng TMCP và các ngân hàng này lại cho chính các chủ sở hữu vay vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng TMCP đảm bảo thanh khoản nhờ tiền gửi lớn của chủ sở hữu tại ngân hàng. Điều này đã vô hiệu hóa các quy định về an toàn (như NHTM tăng vốn ảo), vô hiệu hóa các quy định về vốn pháp định cũng như quy định về giới hạn tín dụng; đánh giá không đúng về tài sản “Có” rủi ro, từ đó làm tăng hệ số đảm bảo an toàn vốn (CAR) một cách không thực chất…

“Đặc biệt, NHTM có thể chuyển các khoản nợ xấu thành tài sản ‘Có’ khác thông qua việc chuyển nợ xấu sang các công ty con, công ty liên kết, từ đó, vô hiệu hóa quy định về báo cáo chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng rủi ro”, ông Thành nhấn mạnh.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cho biết, cũng có ngân hàng huy động với lãi suất cao để chi trả phần nào cho những món chi vượt hạn mức trước kia và xử lý nợ xấu; cũng có ngân hàng thay vì đẩy mạnh cho vay DN như trước, nay chuyển mục tiêu sang cho vay tiêu dùng cá nhân và đặc trưng là đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng. Trước đây, nhiều ngân hàng còn thu lợi từ phí thường niên 200.000 - 350.000 đồng/năm ngay từ khi mở thẻ, nay ngân hàng miễn phí mở thẻ, miễn phí năm đầu tiên và còn kèm cả ưu đãi mở thẻ tín dụng quốc tế.         

Theo Nhuệ Mẫn
ĐTCK

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm