1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Kỳ án" lừa đảo 430 tỷ đồng: Ai phải đền tiền cho "đại gia"?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được ông Toàn "thông đồng" với bị cáo thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này.

Như Dân trí đưa tin, Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Móc nối với cán bộ ngân hàng, làm giả chữ ký, Thành đã chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân.

Kỳ án lừa đảo 430 tỷ đồng: Ai phải đền tiền cho đại gia? - 1

Móc nối với cán bộ ngân hàng, làm giả chữ ký, bị cáo đã chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng và nhiều cá nhân (ảnh: Dân Việt)

24 đồng phạm của Thành bị truy tố về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" và "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Theo cáo trạng, từ tháng 6-11/2018, Thành mất khả năng thanh toán và đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, VAB và nhiều cá nhân.

Một trong những người gửi tiết kiệm tại 3 ngân hàng bị Thành chiếm đoạt nhiều nhất là ông Đặng Nghĩa Toàn. Tổng số tiền ông gửi tiết kiệm tại các ngân hàng và bị chiếm đoạt lên đến 122 tỷ đồng.

Vậy vấn đề đặt ra, quyền lợi của khách hàng bị Hà Thành rút tiền sẽ ra sao, trách nhiệm ngân hàng thế nào trong vụ việc này?

Nếu tiền bị mất hoặc bị chiếm đoạt thì ngân hàng là người bị hại, chứ không phải là khách hàng. Đồng thời ngân hàng phải có trách nhiệm với khách hàng chứ không thể thoái thác, ông Lực nhấn mạnh.

Nhìn lại vụ việc chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng nói trên, luật sư Lực phân tích: có 3 mối quan hệ phát sinh. Mối quan hệ thứ nhất giữa ông Toàn và bà Thành - đây là giao dịch dân sự.

"Mối quan hệ thứ hai giữa ông Toàn và phía ngân hàng. Theo quy định, đây là giao dịch vay tài sản. Ngân hàng chịu trách nhiệm khi số tiền này bị mất", ông Lực nhận định.

Mối quan thứ ba phát sinh ở đây, theo ông Lực, đó là quan hệ ngân hàng với các nhân viên. Trong mối quan hệ này, ngân hàng bị nhân viên lừa đảo chứ không phải các khách hàng như ông Toàn.

"Tổng hợp quan hệ này, dù ông Toàn có giao dịch với bà Thành thế nào, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được ông Toàn và bà Thành bắt tay nhau lừa đảo, thông đồng thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bồi thường số tiền này", ông Lực nói. 

Trao đổi với PV Dân trí, một số chuyên gia tài chính cũng cho biết theo quy định, chỉ người chủ sở hữu của sổ tiết kiệm mang sổ này ra ngân hàng mới rút tiền tất toán. Muốn rút được tiền còn phải có chứng minh nhân dân, chữ ký cũng phải khớp.

Còn nếu người khác được tất toán hay thực hiện giao dịch gì bằng sổ tiết kiệm đó thì buộc phải có giấy ủy quyền có công chứng của người chủ sở hữu sổ. 

Luật sư Quách Thành Lực nói thêm rằng, dù khách hàng có làm rơi sổ thì cũng không thể mất được tiền với các nghiệp vụ từ phía ngân hàng. Nếu vụ việc trong vụ chiếm đoạt của Nguyễn Thị Hà Thành không được xử lý "thấu tình đạt lý" sẽ khiến cho hệ thống tín dụng "rủi ro" trong mắt các khách hàng, bởi đây không chỉ là nỗi lo của các khách hàng khác, ông Lực nhấn mạnh. 

Nêu giải pháp để xử lý vụ việc nêu trên, luật sư cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần lên tiếng kịp thời, vì đây không phải là vụ việc đầu tiên. Với vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần có công văn chính thức, đưa các giải pháp để tránh xảy ra những trường hợp tương tự. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm