Kỳ 2: Hệ lụy buồn đằng sau cơn sóng dữ

(Dân trí) - Những ngày này, đặt chân đến trụ sở Công ty CP XNK Hà Tĩnh và hàng loạt chi nhánh, chúng tôi đều chứng kiến “thảm cảnh” nhân viên thở dài ngán ngẩm vì không có việc hoặc bị cắt, giảm lương.

Bị kê biên tài sản để thu hồi nợ

Hợp đồng làm ăn với Công ty Lê Tấn (TPHCM) thua lỗ và kiện tụng kéo dài đã kéo theo hàng loạt hoạt động khác của Công ty CP XNK Hà Tĩnh như kinh doanh khách sạn, buôn bán xe máy, xăng dầu… thua lỗ nặng nề.

Hầu hết các khách sạn, cửa hàng buôn bán đều hoạt động “cầm hơi” vì thiếu vốn. Lãi suất vay tăng, buôn bán thua lỗ khiến Công ty CP XNK Hà Tĩnh mất khả năng trả nợ.

Do Công ty CP XNK Hà Tĩnh không thể thanh toán các khoản vay nên hai chủ nợ lớn nhất là Chi nhánh NHNN&PTNT TP Hà Tĩnh và Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong kinh doanh.

Quá bức xúc, từ cuối năm 2006 đến nay, hai ngân hàng nói trên đã gửi hàng loạt công văn yêu cầu lãnh đạo Công ty CP XNK Hà Tĩnh thanh toán nợ, tuy nhiên công văn phát đi nhưng họ chẳng có hồi âm.

Sau hàng loạt công văn yêu cầu trả nợ không được, ngày 10/7/2008, Chi nhánh NHNN&PTNT TP Hà Tĩnh đã có công văn số 637/CVNHNN-TD quyết định tiến hành niêm phong, phát mại tài sản mà công ty này đã thế chấp.

Các tài sản bị niêm phong gồm: cửa hàng kinh doanh xe máy (thị xã Hồng Lĩnh), Nhà khách Ngoại thương (thị trấn Cẩm Xuyên) cùng 1 cửa hàng xăng dầu và 2 cửa hàng kinh doanh xe máy tại TP Hà Tĩnh. Trong số các tài sản nói trên thì cửa hàng kinh doanh xe máy tại thị xã Hồng Lĩnh đã bị niêm phong ngày 5/8. Phía NHNN&PTNT Hà Tĩnh khẳng định, số tài sản còn lại sẽ lần lượt được niêm phong trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Lục, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh cũng khẳng định, ngân hàng này đã chuẩn bị phương án để niêm phong, thu hồi tài sản trên đất mà Công ty CP XNK Hà Tĩnh đã thế chấp để vay vốn.

Số tài sản mà Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh nắm trong tay là những tài sản “yết hầu” của Công ty CP XNK Hà Tĩnh, đó là trụ sở nằm trên đường Phan Đình Phùng, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh và khách sạn Ngoại thương 7 tầng ở thị trấn Kỳ Anh.

Về đâu, hơn 120 nhân viên?

Tại cửa hàng kinh doanh xe máy của Công ty CP XNK Hà Tĩnh (ở thị xã Hồng Lĩnh), từng là một cửa hàng tấp nập khách nhưng nay không lấy một bóng người vì nó đã bị niêm phong chờ ngày phát mại. Còn tại trụ sở công ty nằm trên đường Phan Đình Phùng, chúng tôi chứng kiến cảnh các phòng ban làm việc chỉ lác đác vài người.

Ngay cả ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc công ty, thay vì làm việc lại dán mắt vào vi tính chơi trò điện tử. “Có việc gì đâu mà làm. Lâu nay công ty chúng tôi chỉ có bộ phận văn phòng tập trung giải quyết công nợ” - ông Châu nói ngay khi PV hỏi về sự ảm đạm của công ty.

Ngay cạnh phòng Phó Giám đốc, dù là ngày đầu tuần nhưng Văn phòng Xuất khẩu lao động trực thuộc công ty cũng vắng bóng nhân viên. Nhân viên trực duy nhất nói “chua chát” trước thảm cảnh của công ty: “Bọn em cũng không biết thế nào nữa!”

Cuộc trao đổi thẳng thắn mà ông Châu dành cho PV Dân trí cho thấy, lãnh đạo công ty này chẳng có lý do gì để giấu giếm “một con tàu sắp đắm”. Ông Châu cho biết, trong số hơn 120 cán bộ công nhân viên, số đóng cổ phần là hơn 2/3, người thấp nhất là 5 triệu, người cao nhất lên đến 150 triệu đồng.

Từ nhiều tháng nay do công ty làm ăn thua lỗ, không có khả năng chi trả các khoản lương, không ít công nhân đã chấp nhận nghỉ việc không lương, tự nguyện đi tìm công việc mới còn những người buộc phải ở lại thì chỉ được nhận 80% mức lương.

Ông Châu khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ, khi khẳng định do quá thua lỗ nên công ty cũng chẳng màng đến việc làm báo cáo hoạt động năm 2007, hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 này hiện cũng chưa thực hiện. “Có gì đâu mà làm” - ông Châu trả lời ngắn gọn.

“Từ nhiều năm nay, nội bộ công ty đã tổ chức nhiều cuộc họp xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi để công ty rơi vào thảm cảnh nói trên. Tuy nhiên, cho đến lúc này chưa một ai trong công ty chịu đứng ra nhận trách nhiệm” -  ông Châu tiết lộ.

Với những hiện trạng trên, có thể khẳng định việc Công ty CP XNK Hà Tĩnh bị khai tử sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Hơn 120 cán bộ công nhân viên của công ty sẽ về đâu đang là một bài toán khiến không chỉ phía công ty đau đầu mà chắc chắn còn khiến cả lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh mất nhiều thời gian.

Văn Dũng