Giáo sư Tom Cannon:

“Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục”

(Dân trí) - “Các nước Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đã ở đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đang có dấu hiệu phục hồi trong khi các nước Châu Âu và Bắc Mỹ thì chưa thể thoát ra khủng hoảng”.

“Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục” - 1
Giáo sư Tom Cannon.
 
Giáo sư Tom Cannon đã nói như vậy về tương lai kinh tế Việt Nam tại hội thảo Thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam sáng 29/7.

Để đạt được những cơ hội này sau khủng hoảng Giáo sư cho rằng cần 3 yếu tố: Sự sáng tạo, những con người có đầu óc kinh doanh và những nhà lãnh đạo sáng suốt.

Giáo sư Tom Cannon nhận định kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục do có một hệ thống ngân hàng uy tín, chất lượng nguồn nhân lực tốt (kỹ năng cao, chăm chỉ); Chính phủ Việt Nam luôn có sự sáng tạo, khuyến khích và có những hoạch định chính xác, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Tom Cannon là GS của trường Đại học Liverpool (Anh), giám đốc điều hành của Công ty TNHH Quốc tế Ideopolis, đồng thời là cố vấn cao cấp của trên 30 tập đoàn xuyên quốc gia, như American Express, Goldman Sachs, Microsoft, Airbus, HSBC, GE…

“Chỉ trong 12 tháng tới thì nền kinh tế Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn khôi phục” - Giáo sư Tom Cannon dự báo. Được biết Đông Nam Á đang là một khu vực mà giáo sư Tom Cannon chú ý đến. Ông Cannon cũng có một số dự án liên quan đến Việt Nam.

Giáo sư Tom Cannon cũng lưu ý, việc đầu tư vào các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM sẽ tạo nên động lực phát triển của cả quốc gia, vì ở đó có những con người trẻ trung, năng động và sáng tạo.

Trước đó trong buổi trao đổi với Giáo sư về tình hình Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sau thời gian chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã có những bước tăng trưởng khá và đang hội nhập quốc tế sâu rộng không chỉ về kinh tế mà cả nhiều lĩnh vực khác.

Phó Thủ tướng khẳng định, cùng với những vấn đề khác, Việt Nam coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là một trong những nhân tố hàng đầu của sự phát triển đất nước và bày tỏ hy vọng sẽ nhận được ở Giáo sư những góp ý, chia sẻ kinh nghiệm về định hướng phát triển này.

Minh Tuấn