1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Trung Quốc xiêu theo chứng khoán

Christy Chen đã lên sẵn những kế hoạch chi tiêu lớn cho tiền lời từ đầu tư chứng khoán. Cô giáo 34 tuổi ở Bắc Kinh này dự tính sẽ đi nghỉ ở châu Âu, tham gia một câu lạc bộ yoga và bổ sung thêm một vài bộ váy sang trọng cho tủ quần áo.

Chỉ sau một năm đầu tư chứng khoán, đến đầu tháng 6 vừa qua, tính ra Chen đã lãi 400.000 Nhân dân tệ, tương đương 64.400 USD, nhưng cô chưa vội chốt lời. Với mức lương tháng khoảng 1.200 USD, trước đây Chen hầu như chưa bao giờ mơ tới những thứ xa xỉ. Thành công từ đầu tư chứng khoán đã đưa cô tới những kế hoạch tiêu tiền.

Kinh tế Trung Quốc xiêu theo chứng khoán
Cú sụt chứng khoán đang đặt ra thêm thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề ra cho năm 2015 - Ảnh: Bloomberg.

“Thiệt hại là rất lớn”

Tuy vậy, hãng tin Bloomberg cho biết, cú sụt giảm kinh hoàng của thị trường chứng khoán Trung Quốc từ đầu tháng 6 đã quét sạch hầu như toàn bộ khoản lời của Chen, khiến các kế hoạch chi tiêu của cô trở nên bất khả.

Mặc dù mức độ ảnh hưởng của sự sụt giảm chứng khoán tới nền kinh tế Trung Quốc hiện còn chưa rõ rệt, bởi các nhà hoạch định chính sách nước này còn đang tung các biện pháp quyết liệt để hỗ trợ thị trường, song câu chuyện của Chen giống như tín hiệu cảnh báo với một nền kinh tế vốn dĩ đã chịu sức ép nặng nề từ sự sa sút của bất động sản và xuất khẩu.

2/3 số chuyên gia kinh tế được Bloomberg khảo sát trong tuần này nói rằng GDP của Trung Quốc trong quý 2 này sẽ chịu ít nhiều ảnh hưởng từ biến động của thị trường chứng khoán. Trước đó, giới quan sát đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm còn 6,8% trong quý 2.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, đợt bán tháo chứng khoán sẽ đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Ảnh hưởng từ sự sụt giảm của thị trường đối với tài sản của các hộ gia đình và hoạt động tiêu dùng trong tương lai là không thể xem nhẹ. Đối với những ai bị hút vào thị trường chứng khoán trong năm nay, mức thiệt hại đã là rất lớn”, ông Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực châu Á của công ty chứng khoán Mizuho Securites tại Hồng Kông nhận xét.

Cú sụt chứng khoán đang đặt ra thêm thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề ra cho năm 2015. Mặc dù tác động tới tài sản của người dân là khó định lượng chính xác, những dấu hiệu của sự giảm tốc nhu cầu đang dần hiện rõ.

Hãng xe Đức Volkswageen hiện đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho một số nhà phân phối xe ở Trung Quốc do nhu cầu đi xuống. Trong tháng 6, doanh số thị trường ôtô lần đầu tiên giảm trong hơn hai năm.

Bình ổn với giá đắt

Những phản ứng của Chính phủ Trung Quốc trong đợt sụt giảm này của thị trường chứng khoán là chưa từng có tiền lệ, bao gồm cam kết cung cấp thanh khoản cho thị trường từ PBoC, đóng băng các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), kêu gọi các đơn vị được nhà nước hậu thuẫn mua thêm cổ phiếu, và Bộ Công an Trung Quốc cảnh báo sẽ xử lý nghiêm những nhà đầu tư bán khống cổ phiếu nhằm trục lợi bất chính.

Những biện pháp này đã phát huy hiệu quả trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, với chỉ số Shanghai Composite Index tăng 5,8%, mạnh nhất kể từ năm 2009, thu hẹp mức sụt giảm của thị trường kể từ mức đỉnh hôm 12/6 xuống còn 28%. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số này tăng thêm 4,5%.

“Những động thái này đã thành công trong việc bình ổn thị trường, nhưng đã gây tổn thất lớn cho cơ chế thị trường”, chuyên gia kinh tế trưởng tại khu vực châu Á của hãng tin Bloomberg, ông Tom Orlik, nhận xét trong một báo cáo.

Vì theo ông: “Rủi ro rơi vào tính đáng tin cậy của chương trình cải cách tại Trung Quốc. Niềm tin rằng nền kinh tế có thể duy trì mức tăng trưởng khoảng 7% được dựa trên cam kết thực thi các cải cách theo nguyên tắc thị trường”.

Theo đánh giá của ông Xu Gao, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty chứng khoán Everbright Securities ở Bắc Kinh, nếu kéo theo sự suy giảm của hoạt động tài chính, đợt lao dốc này của thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của nước này giảm 0,6 điểm phần trăm.

Nếu hoạt động giao dịch chứng khoán thu hẹp, đóng góp của ngành tài chính vào GDP của Trung Quốc trong quý 2 có thể thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với trong quý 1 - theo nhận định của bà Wang Tao, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng UBS tại Hồng Kông.

Trong trường hợp như vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải nỗ lực nhiều hơn, bao gồm tăng cường hỗ trợ tài khóa thông qua tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Anh Qi Xiaoyan, 40 tuổi, là một nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc khác phải mừng hụt. Cách đây vài tuần, anh có trong tay khoản lãi 200.000 Nhân dân tệ từ đầu tư chứng khoán, nhiều gấp đôi thu nhập cả năm của anh. Chưa hiện thực hóa lợi nhuận, nhưng Qi đã lên kế hoạch mua xe hơi mới.

Giờ thì khoản lời đó đã “bốc hơi” và số vốn đầu tư của Qi bị khóa, do cổ phiếu anh mua bị tạm ngừng giao dịch.

“Tôi lại dùng xe cũ vậy”, Qi nói.

Theo An Huy
VnEconomy

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm