Chứng khoán Trung Quốc: Khi "con hổ giấy kinh tế" vỡ vụn?

(Dân trí) - “Quả bóng vỡ trong thị trường chứng khoán Trung Quốc không chỉ là cơn ác mộng đối với các nhà đầu tư trong nước mà còn sự sợ hãi với cả nước ngoài. Tôi cho rằng phải còn rất lâu nữa, Trung Quốc mới lấy lại được niềm tin từ các nhà đầu tư thế giới”

Phía chịu tác hại ác nghiệt nhất

Ts Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, nhận định về khả năng đổ vỡ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo ông Hiếu, những cơn địa chấn của Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của các nhà đầu tư lớn của thế giới và Trung Quốc. Theo chuyên gia kinh tế này, xu hướng xách vali tiền từ Trung Quốc ra nước ngoài của các đại gia Trung Quốc hay chuyện đổ tiền dè dặt của các công ty đa quốc gia nước ngoài vào Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy điều đó.

Chứng khoán Trung Quốc: Khi con hổ giấy kinh tế vỡ vụn?

Chịu tác hại ác nghiệt nhất vẫn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người mới biết chơi chứng khoán, đầu tư theo tâm lý đám đông nên chịu thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó là những nhà tư bản tầm trung và cỡ vừa.

“Alibaba là một điển hình cho sự khôn ngoan của giới nhà giàu Trung Quốc khi không lựa chọn Thượng Hải hay Hồng Kông là nơi huy động vốn mà sang tận New York (Mỹ) để niêm yết. Họ thừa hiểu, thị trường chứng khoán Trung Quốc bên cạnh những yếu tố chủ quan như quá nhiều quy định, ràng buộc theo “kiểu Trung Quốc” thì vốn hóa thị trường nhỏ, sự bền vững của các nhà đầu tư ở đây kém, chỉ cần một cơn địa chấn có thể sẽ suy sụp bất cứ lúc nào”, ông Hiếu nói.

Trông vậy mà chẳng phải vậy...

Ông Hiếu phân tích thêm: “Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể cao, thậm chí hai thị trường Thượng Hải, Hồng Kông có thể vượt giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh). Tuy nhiên, dòng tiền không bền vững và hệ suất sinh lời trồi sụt khiến nơi đây chỉ tập trung các DN Châu Á và các nhà đầu tư Châu Á. Các tập đoàn quốc tế ít khi niêm yết tại đây, ngoại trừ các công ty con của họ liên doanh với một đối tác của Trung Quốc”.

Minh chứng nhận định trên, ông Hiếu cho biết: từ quy mô 10.000 tỷ USD, sau cơn địa chấn chứng khoán, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán nước này chỉ còn 7.000 tỷ USD. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 3.000 tỷ USD bốc hơn khỏi thị trường này. Đây là con số biết nói khiến cho thị trường chứng khoán Trung Quốc chắc chắn sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá lại. 

Và dù có lớn, thị trường chứng khoán này cũng khó có thể được đánh giá cao trong mắt giới đầu tư thế giới.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách (VEPR), đánh giá tác động đến các doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc cần có cái nhìn nhiều chiều và có thời gian. Tuy nhiên, trong thời gian tới, dòng tiền đầu tư trực tiếp vào nước này sẽ tiếp tục giảm, dòng tiền đổ vào thị trường vốn cũng vậy.

Ngoài ra, những tác động ghê gớm đến tâm lý các nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư chiến lược sẽ khiến chất lượng giao dịch và quy mô thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ không đạt được những kỳ vọng.

“Trung Quốc đang trong quá trình cải cách để thoát khỏi lỗ hổng của nền kinh tế quá lớn nhưng quá thiếu bền vững. Từ chỉ số tăng trưởng GDP giảm, dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động từ năm 2014 đến nay. Tiếp đó là quả bong bóng ngày càng lớn trong thị trường bất động sản và chứng khoán, đe dọa bất ổn tiềm tàng cho nước này”.

Ông Thành nói thêm: “Trung Quốc trong thời gian gần đây đang muốn chuyển từ nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang nước thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI). Có nghĩa là, họ sẽ chuyển từ nước nhận vốn đổ vào sản xuất nhờ lao động rẻ, nguyên liệu dồi dào nhưng ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng thấp sang kêu gọi nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường vốn - thị trường chứng khoán, bằng việc mở room cho nhà đầu tư ngoại mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, cơn “sóng thần” xảy ra với thị trường chứng khoán Trung Quốc đã và đang dập tắt hy vọng ấy của nước này”.

Nguyễn Tuyền