Kinh tế Trung Quốc lộ triệu chứng khủng hoảng?

(Dân trí) - Ngay khi những lo ngại về khả năng kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng vừa lắng xuống, giới chuyên gia lại cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này đang có những triệu chứng đáng ngại tương tự như triệu chứng báo trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Hãng tin

Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo do hai chuyên gia kinh tế Zhiwei Zhang và Wendy Chen của ngân hàng Nomura thực hiện nhận định, tình trạng vay nợ đang gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc, trong khi tốc độ tăng trưởng tiềm năng giảm và giá bất động sản gia tăng mạnh. Cả ba vấn đề này đều là những dấu hiệu cảnh báo không thể xem nhẹ, hai chuyên gia đánh giá.

“Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro ngày càng lớn về một cuộc khủng hoảng tài chính mang tính chất hệ thống. Chính phủ Trung Quốc cần hành động nhanh chóng để kiểm soát những rủi ro này. Chúng tôi cho rằng, giới đầu tư đến nay vẫn chưa đánh giá được mức độ thực sự của những rủi ro tài chính ở Trung Quốc”, báo cáo có đoạn viết.

Theo hai nhà phân tích của Nomura, nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay, thì nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ gia tăng trong năm 2014. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo có khả năng đẩy lạm phát tăng cao và tình trạng vay nợ tràn lan trong nền kinh tế, khiến quy trình giảm nợ về sau càng tiềm ẩn những khả năng “công phá” nền kinh tế mạnh hơn.

“Đây rõ ràng là một sự lựa chọn nguy hiểm, nhưng chúng tôi không thể loại trừ chính sách này sẽ tiếp tục, xét tới những áp lực chính trị buộc phải duy trì sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”, bản báo cáo nhận xét.

Mức độ vay nợ, một chỉ số hàng đầu về mức độ căng thẳng tài chính và được xác định bằng tỷ lệ giữa dư nợ tín dụng trong nước với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất kể từ khi các số liệu được ghi chép vào năm 1978. Tỷ lệ này đạt mức 121% vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đến năm 2012, chỉ số này tăng lên mức 155% do chính sách tài khóa và tiền tệ của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

“Mức độ vay nợ của Trung Quốc đã tăng thêm 34% GDP trong vòng 5 năm. Đây là một tín hiệu đáng ngại”, báo cáo của Nomura viết, đồng thời nhấn mạnh rằng, mức độ vay nợ của Mỹ đã tăng khoảng 30% GDP trong vòng 5 năm trước khi khủng hoảng bùng nổ.

Theo báo cáo, trong mấy tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã phát đi một số tín hiệu “mạnh mẽ bất thường” rằng Bắc Kinh đang lo ngại về những rủi ro tài chính trong nền kinh tế. Tại cuộc  họp quý 4/2012 của ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), cơ quan này tuyên bố việc “kiểm soát rủi ro” là một mục tiêu chính sách hàng đầu.

Tuần trước, Thống đốc PBoC Chu Tiểu Xuyên nói rằng không thể xem nhẹ rủi ro mà các ngân hàng của Trung Quốc đang phải đối mặt từ các khoản vay cấp cho các chính quyền địa phương. Theo Thống đốc Chu, khoảng 20% số khoản vay cấp cho bộ phận tài chính của các chính quyền địa phương là các khoản vay rủi ro.

Hai chuyên gia của Nomura nhận định, ngoài nỗi lo nợ nần, Trung Quốc còn đang đương đầu với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng mà dẫn đầu là sự suy giảm trong lực lượng lao động và tốc độ tăng trưởng năng suất. Theo Nomura, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã bắt đầu giảm vào năm 2012.

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,8%, mức tăng chậm nhất trong 13 năm. Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 7,5%.

Giá nhà đất tăng nhanh là tín hiệu cảnh báo cuối cùng của kinh tế Trung Quốc hiện nay, theo báo cáo. Hai chuyên gia của Nomura cũng lưu ý rằng, giá nhà đất tăng bất thường thường là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Thống kê chính thức cho thấy, giá nhà đất tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã tăng 113% trong thời gian từ 2004-2012. Tuy nhiên, hai chuyên gia cho rằng, dữ liệu này là “đáng ngờ” và “trái ngược” với những quan sát thực tế.

Dẫn một báo cáo được thực hiện bởi ba vị giáo sư thuộc Đại học Tsinghua và Đại học Quốc gia Singapore, Nomura cho hay, giá nhà đất ở Trung Quốc đã tăng 250% trong thời gian 2004-2009, vượt xa con số chính thức được công bố. Trong khi đó, chỉ số giá nhà Case-Shiller của Mỹ chỉ tăng 84% từ năm 2001 tới khi đạt đỉnh vào năm 2006.

Chính phủ Trung quốc đã nhận thức được những rủi ro trong lĩnh vực bất động sản thông qua việc áp dụng một loạt biện pháp mới để bình ổn giá nhà vào đầu tháng này, bao gồm đánh thuế 20% vào lợi nhuận từ việc bán nhà.

Tuy nhiên, hai chuyên gia Zhang và Chen của Nomura cho rằng, trong dài hạn, những biện pháp như vậy sẽ không đủ hiệu quả để ngăn giá nhà leo thang. “Xu hướng bấy lâu nay là giá nhà ở Trung Quốc giảm ngay sau khi chính sách thắt chặt được áp dụng, sau đó bật tăng trở lại. Điều này cho thấy, những rủi ro vấn chưa lắng dịu”, hai chuyên gia kết luận.

Phương Anh
Theo CNBC