Kinh tế Trung Quốc có tín hiệu hồi phục

Nhật Linh

(Dân trí) - Nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục trong tháng 8 khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp kích thích nhằm chống lại sự suy thoái.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, sản xuất công nghiệp, bán lẻ bất động sản cũng như đầu tư tài sản cố định trong tháng trước đều tăng nhanh hơn dự báo của các nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 5,3% trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cũng giảm từ mức cao kỷ lục.

Kinh tế Trung Quốc có tín hiệu hồi phục - 1

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục khi các biện pháp kích thích kinh tế được tăng cường (Ảnh: Bloomberg).

Doanh số bán lẻ tăng, một phần do cơ sở so sánh năm ngoái thấp hơn và do doanh số bán xe hơi tăng vọt sau khi Bắc Kinh trợ cấp cho người mua xe điện. Sản lượng công nghiệp cũng được hỗ trợ nhờ sản lượng điện tăng mạnh trong đợt nắng nóng hồi tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, sự phục hồi này khó có thể duy trì lâu.

Theo NBS, những dữ liệu đó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã chịu được tác động của các yếu tố bất ngờ và duy trì được đà phục hồi.

Dù vậy, phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh, ông Fu Linghui - người phát ngôn của NBS cho biết, trong năm nay, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với một tình hình phức tạp và khắc nghiệt hơn so với năm 2020, trong đó có khó khăn trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù có những dấu hiệu cải thiện, song sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn còn mong manh khi dịch Covid-19 vẫn bùng phát nhiều nơi hơn và chính phủ nước này vẫn thắt chặt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

Trong khi đó, sự sụt giảm trên thị trường bất động sản Trung Quốc, lĩnh vực đóng góp 1/4 GDP nước này, chưa có dấu hiệu giảm bớt. Một báo cáo công bố cuối tuần trước cho thấy giá nhà vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, và mức giảm trong tháng 8 lớn hơn so với tháng 7.

Tuy nhiên, dữ liệu khả quan trên không tác động nhiều đến các nhà đầu tư. Thứ ảnh hưởng đến tâm lý của họ là đồng nhân dân tệ tiếp tục vi phạm ngưỡng quan trọng 7 nhân dân tệ/USD khi giao dịch ở mức 7,0187 nhân dân tệ/USD vào trưa nay (16/9).

Thị trường chứng khoán cũng phản ứng mờ nhạt, với chỉ số CSI 300 giảm 1,2% khi tạm dừng phiên giao dịch sáng nay (16/9).

Bà Helen Qiao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục tại BofA Global Research, cho rằng dữ liệu này cho thấy tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc vẫn có thể đạt được mức 3,5% trong năm nay, dù nhu cầu nội địa vẫn còn yếu.

"Chúng tôi vẫn trông chờ nhiều hành động chính sách hơn để vực dậy tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng chính sách duy nhất có thể giúp ích cho tăng trưởng là việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19", bà nói với Bloomberg TV.

Chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc gần đây đã thực hiện một số bước để hỗ trợ ngành bất động sản và xây dựng cũng như tìm cách thúc đẩy nền kinh tế vốn đã chậm lại trong năm nay. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính phủ được đẩy mạnh cùng với việc giảm lãi suất của ngân hàng trung ương để thúc đẩy tăng trưởng.

Trước đó, giới chuyên gia kinh tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 3,5%, năm suy yếu thứ 2 trong hơn một thập kỷ qua. Mức dự báo này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà chính phủ nước này đưa ra hồi tháng 3.

"Trong tương lai gần, chúng tôi tin rằng chính sách hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục được đưa ra", Zhou Hao, nhà kinh tế trưởng tại Goutai Junan International Holdings, nói và hy vọng rằng lãi suất cho vay cơ bản sẽ thấp hơn nữa.

Ngành công nghiệp ô tô được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng cả về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ trong tháng 8 sau khi chính phủ Trung Quốc giảm thuế cho xe điện kể từ 1/6, làm thúc đẩy nhu cầu. Trong tháng qua, sản lượng xe chạy bằng năng lượng mới cũng tăng 117% so với cùng kỳ hàng năm.

Một yếu tố khác góp phần vào sự phục hồi nền kinh tế Trung Quốc trong tháng qua là sản lượng điện tăng. Theo đó, sản lượng điện từ than đá tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện ở các tỉnh phía tây nam do nắng nóng và hạn hán.

Tuy vậy, theo Bloomberg, chiến lược kiểm soát Covid-19 của Bắc Kinh vẫn được coi là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng, với việc các thành phố quan trọng như Thành Đô vừa bị phong tỏa khẩn cấp gần đây.

Theo Bloomberg