DMagazine

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió

(Dân trí) - Nền kinh tế Trung Quốc, 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, vẫn còn đó nhiều sự bất ổn và vô cùng khó đoán.

Không khí buôn bán nhộn nhịp các mặt hàng, từ đồ trang trí Giáng sinh cho tới linh kiện máy móc, điện tử tại chợ Thương mại quốc tế Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chắc hẳn là điều không còn xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, đó không phải là những gì đang diễn ra ở hiện tại.

Hệ thống thang cuốn và điều hòa nhiệt độ đã dừng hoạt động trong khu phức hợp mua bán có diện tích lên tới 4 triệu m2 này. Và chủ những gian hàng, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, đang gà gật trong những ki-ốt chật chội.

Nghĩa Ô, thường được ví von là "phòng trưng bày các sản phẩm sản xuất của Trung Quốc", đã hứng chịu thiệt hại không nhỏ từ dịch bệnh, khi chính phủ áp dụng một loạt các biện pháp mạnh tay như hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài nhằm ngăn chặn nguồn lây bệnh ngoại lai. Hầu như không có một vị khách nước ngoài nào có thể tới thăm thành phố vốn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế này.

Hiện tại, thành phố này còn phải đối diện với một thử thách mới: tình trạng thiếu hụt điện, vốn đang gây ra không ít khó khăn cho nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cách không xa khu phức hợp mua bán này là khu công nghiệp Nghĩa Ô. Các chủ nhà máy liên tục phàn nàn về tình trạng gián đoạn sản xuất cho dù họ đã cho vận hành máy phát điện suốt cả ngày.

"Tôi có cảm giác bị dồn tới bước đường cùng", theo He Meiling - chủ một nhà máy sản xuất bao bì. Nhà máy của cô hiện chỉ hoạt động với một nửa công suất vì thiếu điện.

"Thị trường thì hỗn loạn, cực kỳ hỗn loạn. Giá nguyên liệu thô thì tăng chóng mặt, lương trả cho người lao động cũng không ngừng tăng, chi phí thuê mặt bằng cũng vậy. Thế nhưng hoạt động sản xuất lại bị ngưng trệ, và lợi nhuận của chúng tôi thì ngày một vơi đi".

"Tình thế hiện tại không khác gì một con ngõ cụt", cô nói, trên South China Morning Post.

Trong bối cảnh nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, hệ thống các chuỗi cung ứng của Trung Quốc, vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, một lần nữa lại "dậy sóng", và hệ quả sẽ là những nút thắt mới trong công tác cung ứng hàng hóa.

Nền kinh tế Trung Quốc, 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, vẫn còn đó sự bất ổn và vô cùng khó đoán.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 1

 

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng trong năm 2020, khi cả thế giới bị "kéo tụt" bởi dịch bệnh Covid-19. Tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế số 2 thế giới đạt 2,3% trong năm ngoái, theo thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Đây là năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất sau nhiều thập kỷ tại Trung Quốc. Lần gần nhất Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nền kinh tế thấp như vậy là vào năm 1976, khi đó quốc gia này chỉ tăng trưởng ở mức 1,6%.

Nhưng trong một năm mà dịch bệnh hoành hành tại nhiều nền kinh tế lớn của thế giới, kéo họ vào vũng lầy suy thoái, Trung Quốc lại nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã vượt qua dự đoán của nhiều người. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, và là một trong số ít nền kinh tế mà cơ quan này dự báo có tăng trưởng.

"Kết quả này nằm ngoài dự đoán của chúng tôi", theo Ning Jizhe, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chia sẻ trong một cuộc họp báo đầu năm nay, theo KEYT News.

Bước vào năm 2021, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tạo ấn tượng khi tăng trưởng "kỷ lục" trong quý I, khiến nhiều nền kinh tế lớn khác phải "ghen tỵ" với tốc độ phục hồi sau đại dịch của quốc gia đông dân nhất thế giới. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thậm chí còn tăng trưởng tốt hơn cả thời điểm trước đại dịch, dù phải đối mặt với nhiều thách thức như tỷ lệ hiệu quả thấp của vaccine ngừa Covid-19, các quy định hạn chế đi lại và những lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào một loạt các lĩnh vực chủ chốt.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 3

"Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển, với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết", theo Nicholas Lardy, tới từ Viện kinh tế học quốc tế Peterson, Washington.

Cuộc sống thường ngày của phần lớn người dân Trung Quốc đã quay trở lại trạng thái bình thường, nhờ vào những nỗ lực phòng chống dịch bệnh vô cùng quyết liệt.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc thấp hơn đôi chút so với dự báo, nhưng doanh thu bán lẻ và hoạt động sản xuất vẫn phát triển nhanh hơn so với kỳ vọng trong tháng 6/2021.

GDP của quốc gia này đã tăng 7,9% trong quý II, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Con số này thấp hơn không đáng kể so với dự báo 8,1% của Reuters.

Nhìn chung, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc đang đi đúng hướng. Mục tiêu 6% trong năm nay vẫn nằm trong tầm tay", theo Chaoping Zhu, nhà hoạch định thị trường toàn cầu tới từ JPMorgan Asset Management.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 5

 

Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đáng thất vọng trong quý III, khi chỉ đạt 4,9%. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự tăng trưởng chậm lại của hoạt động công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng quý III thấp hơn so với dự báo 5,2% của Reuters. Hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,1% trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng 4,5% cũng của tờ báo này.

"Bước vào quý III, những rủi ro và thách thức trong nước cũng như từ nước ngoài đã gia tăng đáng kể", theo Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 7

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng, khiến cho sản lượng sản xuất công nghiệp giảm xuống khi nhiều khu vực phải thực hiện cắt điện luân phiên. Tình trạng này được châm ngòi bởi nhu cầu lớn từ các dự án xây dựng cần sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong khoảng thời gian đầu năm nay, bên cạnh đó là tham vọng của Bắc Kinh khi muốn cắt giảm phát thải khí nhà kính. Sự ùn ứ trong công tác lưu thông hàng hóa và lượng hàng tồn kho tăng cao cũng đã ít nhiều ảnh hưởng tới các nhà sản xuất quy mô nhỏ tại Trung Quốc, vốn đang trong cơn "khát tiền mặt", khiến cho họ mất đi nhiều đơn hàng và buộc phải cắt giảm sản xuất.

Nhiều nhà máy đã phải dừng hoạt động trong tháng 9 khi giá than tăng mạnh và tình trạng thiếu điện đã buộc chính quyền các địa phương phải thực hiện cắt giảm lượng điện tiêu thụ. Chính quyền Trung ương Trung Quốc đã đưa ra cam kết rằng họ sẽ gia tăng nguồn cung than đá và đảm bảo ổn định nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Dữ liệu thu thập được cho thấy nhiều doanh nghiệp tỏ ra không mấy mặn mà với việc rót thêm vốn vào các dự án trong tương lai.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 9

 

Nguồn vốn đầu tư tài sản cố định trong 3 quý đầu năm nay tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng, chỉ đạt 7,3% so với 7,9%, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Hoạt động đầu tư bị đình trệ do những điều kiện tín dụng thắt chặt, theo Chaoping Zhu tại J.P. Morgan Asset Management, 

Zhu ước tính đầu tư tài sản cố định đã giảm 2,5% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, và cơ bản bắt nguồn từ đà giảm 3,5% trong nguồn vốn đầu tư bất động sản.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 11

Thị trường bất động sản và nhiều lĩnh vực liên quan đóng góp tới 25% GDP của Trung Quốc, theo ước tính của Moody's. Trong suốt 18 tháng qua, Bắc Kinh đã gia tăng những nỗ lực của mình trong việc giảm sự phụ thuộc của các nhà phát triển bất động sản vào nguồn vốn vay mà điển hình là chiến dịch "ba lằn ranh đỏ".

Cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc về doanh thu - Evergrande được hé lộ trong tháng 8 sau khi công ty này cảnh báo về khả năng mất thanh khoản đối với nhiều khoản thanh toán trái phiếu đồng USD với nhà đầu tư. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sau đó đã phải lên tiếng trấn an rằng Evergrande chỉ là một trường hợp cá biệt, phần lớn các công ty phát triển bất động sản khác vẫn đang hoạt động ổn định.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 13

 

Ngày 27/10, Trung Quốc công bố 50 ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, con số cao kỷ lục trong đợt bùng phát dịch mới nhất này, với ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hôm 17/10. Đợt bùng dịch này đã lan rộng tới 11 tỉnh, thành phố và khu tự trị trong chỉ chưa đầy 2 tuần, sau khi 7 du khách, những người có lịch trình di chuyển phức tạp tới các tỉnh vùng Đông Bắc như Thiểm Tây, Cam Túc và khu tự trị nội Mông, được xét nghiệm dương tính.

Đợt bùng phát dịch tại khu tự trị Nội Mông được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu than từ Mông Cổ khi hoạt động tại một số cảng chính bị đình trệ, làm dấy lên không ít lo ngại về nguồn cung than đá tại Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Chính quyền các địa phương của Trung Quốc một lần nữa có những hành động nhanh chóng nhằm sớm kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần này. Họ đã cho áp dụng các quy định phong tỏa lên hàng triệu người dân. Giờ đây, họ chỉ được phép rời nhà khi có công việc khẩn cấp. Những quy định mới đã được ban bố tại nhiều khu vực trong đó bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh. Theo đó, khu vực phát hiện ca dương tính sẽ bị phong tỏa chặt trong vòng 21 ngày.

Làn sóng lây nhiễm mới nhất này có thể sẽ trở nên khó lường hơn trong những ngày tới, và những khu vực phát hiện ca nhiễm có thể sẽ tăng thêm, theo một quan chức Y tế.

"Đợt bùng dịch này tại Trung Quốc gây ra bởi biến chủng Delta và nguồn lây được xác định là từ nước ngoài", Wu Liangyou, một thành viên Ủy ban Y tế Quốc gia chia sẻ trên Business Standard. Dịch bệnh lần này được đánh giá có mức độ nghiêm trọng và khó lường hơn khi đây là chủng virus siêu lây nhiễm và là nguyên nhân dẫn đến thất bại của nhiều quốc gia theo đuổi chiến lược zero-Covid trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Khi mà hầu hết các quốc gia đã từ bỏ chiến lược zero-Covid thì Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi phương pháp chống dịch mạnh tay của mình, với tham vọng đưa số ca nhiễm mới về 0.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 15

Cách tiếp cận của Bắc Kinh là loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây lan dịch bệnh, thông qua các biện pháp quyết liệt như "hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, cách ly chặt chẽ, tận dụng nguồn lực con người, các ứng dụng truy vết, phong tỏa diện rộng tại các khu vực phát hiện ca nhiễm và xét nghiệm sàng lọc quy mô lớn", theo tờ The Economist. Và điều đó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế.

Công ty lữ hành Beizhong International Travel Agency, có trụ sở tại thành phố Thiên Tân, chỉ đón duy nhất một khách hàng kể từ khi các đợt bùng dịch xuất hiện từ tháng 7.

"Hai năm trước, đây là khoảng thời gian bận rộn nhất của chúng tôi", Wang Hui - Giám đốc công ty nói trên AP News và cho biết thêm: "Giờ thì khách hàng phải tạm hoãn lại kế hoạch đi du lịch của mình vì các đợt bùng phát dịch".

"Năm nay thậm chí còn tồi tệ hơn cả năm ngoái", anh buồn rầu chia sẻ.

Hội chợ thương mại lớn nhất Trung Quốc - Canton Fair kết thúc hôm 19/10 vừa qua với nỗi thất vọng vô cùng lớn từ phía các doanh nghiệp tham gia khi thiếu hụt đi lực lượng khách hàng quốc tế. Thậm chí một số gian hàng đã được hoàn trả mặt bằng sớm trước khi hội chợ này khép lại.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tham gia vào hội chợ, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết họ không tiếp cận được bất kỳ một nhà nhập khẩu nước ngoài nào trong suốt sự kiện, trong khi các khách hàng trong nước lại tỏ ra không mấy mặn mà.

Benlita Chen, giám đốc kinh doanh của công ty sản xuất hàng điện tử Helenbo, có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, cho biết khách hàng nội địa không thể thay thế được các khách hàng nước ngoài, những đơn vị từng góp mặt đông đảo tại hội chợ này các năm về trước.

"Đối với cùng một sản phẩm, giá bán lẻ tại thị trường nước ngoài và thị trường Trung Quốc không có sự chênh lệch quá lớn, nhưng thị trường nước ngoài mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn", cô nói. Cô cho biết thêm rằng doanh nghiệp của cô bán hàng dễ dàng hơn tại thị trường nước ngoài vì được giảm thuế và không tốn quá nhiều chi phí dịch vụ sau bán hàng.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 17

 

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã trở lại đầy ấn tượng sau đại dịch, nhưng lại đang dần đánh mất đi đà tăng trưởng vốn có vì những biện pháp phòng dịch ngặt nghèo khi phát hiện ra những ổ dịch mới gây ra bởi chủng virus Delta. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những nút thắt trong chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng nợ đang nhen nhóm trong lĩnh vực bất động sản.

10 ngân hàng lớn trên thế giới đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021. Tình trạng thiếu điện, chi tiêu tiêu dùng thấp và những nỗ lực kiểm soát sự tăng trưởng vốn phụ thuộc vào "núi nợ" của thị trường bất động sản có thể sẽ gây áp lực lên tốc độ phát triển của nền kinh tế.

"Quá trình phục hồi của Trung Quốc đang mất dần đi đà tăng trưởng trong quý IV tới đây", theo Bruce Pang tới từ China Renaissance. Ông chỉ ra một vài nguyên nhân gây ảnh hưởng tới tăng trưởng, từ các ổ dịch mới cho tới những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 từ 8% xuống còn 7,7%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của năm 2022 từ 5,3% xuống chỉ còn 4%.

Kinh tế Trung Quốc: 2 năm vượt khó vẫn như ngọn đèn trước gió - 19

Ngân hàng này dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ ổn định ở mức 5,3% trong năm 2023, giảm 0,5% so với dự đoán trước đó.

Những đánh giá có phần tiêu cực trên được công bố sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống mức tương đương với thời điểm đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, do tình trạng thiếu điện trên diện rộng, và những thách thức đối với thị trường bất động sản, góp phần kéo tụt tăng trưởng của quốc gia này trong quý III.

"Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã có những động thái nhằm giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng theo chúng tôi, sẽ mất thời gian trước khi những biện pháp đó phát huy tác dụng", theo các chuyên gia của Bank of America.

Đúng vậy, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm đủ mọi cách để gia tăng nguồn cung than và điện nhưng tình trạng thiếu điện được dự báo sẽ vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất trong từ 1 đến 2 tháng tới. Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chưa được thực hiện.

Quan ngại về những tác động lan truyền sau vụ việc của ông lớn bất động sản Evergrande cũng không ngừng tăng lên, và đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều định chế tài chính lớn hạ triển vọng tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Việc buộc phải cắt giảm hoạt động sản xuất, gây ra bởi tình trạng thiếu điện và đà tăng giá nguyên liệu thô do dịch bệnh Covid-19 khiến He, chủ doanh nghiệp bao bì đến từ Nghĩa Ô, phải từ chối nhận những đơn hàng gấp. Giá nhựa PVC đã tăng hơn 50% trong vòng một năm qua, trong khi giá dầu diesel để vận hành máy phát điện cũng trở nên quá đắt đỏ, cô cho biết.

Lợi nhuận giảm sút, nữ doanh nhân này tỏ ra vô cùng lo lắng về số phận của công ty. "Những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi khó mà có thể tồn tại được", cô chia sẻ.