1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế thế giới chạm đáy khủng hoảng

(Dân trí) - “Chúng ta đang chạm đến đáy của cuộc khủng hoảng và nằm ở đó chứ chưa bật dậy được. Nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục trong 5 năm nữa. Mặc dù vậy, giai đoạn khó khăn kéo dài đang còn ở phía trước”, Paul Krugman - “nhà cảnh báo khủng hoảng” nhận định.

Kinh tế thế giới hồi phục: 5 năm nữa

Ngày 21/5, nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới - Giáo sư Paul Krugman - chủ nhân duy nhất của giải Nobel kinh tế 2008, đã có buổi nói chuyện với 700 doanh nhân, chuyên gia kinh tế Việt Nam và các chuyên gia trong khu vực với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn, khủng hoảng” do trường doanh nhân PACE tổ chức.
Kinh tế thế giới chạm đáy khủng hoảng - 1

Cha đẻ của thuyết thương mại mới - Giáo sư Paul Krungman.
Krugman đưa ra lời cảnh báo: “Giống như dịch bệnh đã lờn thuốc, những vấn nạn kinh tế từng gây ra cuộc Đại suy thoái 70 năm trước đang quay trở lại với chúng ta”.

Nếu khủng hoảng ở thập niên 70 của thế kỷ trước có thể đ lỗi do các nguyên nhân như chiến tranh ở Iran, cuộc cách mạng ở một số quốc gia, và khủng hoảng chỉ liên quan đến suy giảm GDP. Còn khủng hoảng lần này là tồi tệ nhất, tác động đồng bộ nền kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng lần này là sự yếu kém, do cơ chế thị trường, các nền kinh tế bị lạm phát quá lớn… Trong đó, những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ, bất động sản, cho vay cầm cố dưới chuẩn, sự mất cân đối về cán cân thanh toán… Trước tình hình này, Cục dự trữ liêng bang Mỹ có kế hoạch kích thích lớn với 800 tỷ USD chiếm 5% GDP để cứu vãn tình hình.

“Khi bong bóng nhà đất bùng nổ vào giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI, hệ thống tài chính Mỹ trở nên dễ tổn thương không kém gì các quốc gia đang phát triển trong những lần khủng hoảng trước đây”. Theo Krugman thì thất bại của những quy định quản lý hệ thống tài chính đang nhanh chóng thoát khỏi vòng cương toả của Nhà nước, đẩy nước Mỹ và thế giới vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ những năm 1930 trở lại đây.

Và chỉ khi nào, nhà nước Mỹ kiểm soát được tình hình thì chừng đó kinh tế mới hết khủng hoảng. “Chúng ta đã chạm đáy của khủng hoảng và chúng ta nằm ịch ở đó chứ chưa bật dậy được. Nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục trong vòng 5 năm nữa…”, Krugman nhận định.

Paul Krugman cũng dự đoán nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng sẽ trầm lặng hơn, ít dịch chuyển vốn và ít đầu cơ hơn. Sau khủng hoảng, Mỹ sẽ không còn đi bảo ban thế giới phải làm thế này thế kia nữa vì bản thân Mỹ cũng có nhiều điều chưa làm tốt. Lúc đó, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản. Châu Âu vẫn là đối thủ tiềm năng với Mỹ. Nhưng Mỹ vẫn là cường quốc hàng đầu thế giới.
Kinh tế thế giới chạm đáy khủng hoảng - 2

Các doanh nhân, học giả, nhà nghiên cứu của Việt Nam, đại sứ quán, lãnh sự quán của nhiều quốc gia cũng tham gia hội thảo.  

Việt Nam dùng cầu nội địa để giảm nhẹ suy thoái

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, tăng thương mại mậu dịch vẫn là hình thức phát triển nhất. Trả lời câu hỏi: “Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là giày dép, café, vải, gạo… Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có cần dựa vào xuất khẩu để thoát khỏi khủng hoảng hay không?” - Theo Krugman, Việt Nam phải trung hoà để tự hồi phục trong thị trường nội địa. Hàn Quốc những năm 1960 mức sống người dân kém. Nhưng hiện nay, Hàn Quốc là một nước phát triển, thu nhập cơ bản ở nhóm đầu. Việt Nam đến nay vẫn dựa vào may mặc, giày dép chẳng có gì sai. Đây là bước khởi đầu để sau này đi vào công nghệ cao, sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Krugman nhận định, Việt Nam có nền kinh tế quy mô nhỏ, phụ thuộc vào thương mại và phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nhưng chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng. “Các bạn có thể giảm nhẹ sự suy thoái bằng cách duy trì nhu cầu nội địa. Nên giám sát hệ thống tài chính để bảo đảm không xảy ra những vấn đề đã tác động đến biết bao nước khác”, giáo sư Paul Krugman chia sẻ.  

Tại cuộc hội thảo, dưới góc độ của một người làm giáo dục và cũng là nhà tổ chức, ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng trường Doanh Nhân PACE đã chia sẻ thêm góc nhìn của mình: “Cuộc khủng hoảng này gần như đã làm thay đổi rất nhiều những hình dung của chúng ta về tương lai. Những gì mà chúng ta đã mường tượng, dự đoán về tương lai vào thời gian trước khi khủng hoảng xảy ra gần như sẽ đổi khác sau khủng hoảng. Và đây chính là thời điểm phù hợp để chúng ta cùng định vị lại tương lai ngay trong lòng khủng hoảng. Nói một cách cụ thể hơn, là ta cần phải định vị lại chính mình, định vị lại con đường và cách thức mà mình đi trên con đường đó”. 

Thế giới sau khủng hoảng: Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ “soán ngôi” đồng USD?

 

Hiện nay, các thương mại mậu dịch đều dựa trên đồng USD. Nhưng Trung Quốc lại muốn đưa đơn vị đồng Nhân dân tệ của mình trong các mậu dịch thương mại của thế giới. Krugman khẳng định: “Tôi không nghĩ đồng nhân dân tệ soán ngôi USD. Đồng tiền quốc tế là đồng tiền sống mà mọi người muốn sử dụng chứ không thể bắt dùng loại tiền này mà không dùng loại tiền kia. Hiện nay, đồng Nhân dân tệ không thể chuyển thành đồng quốc tế. Đồng EURO có thể cạnh tranh với USD nhưng chưa thể là thách thức lớn đối với USD”.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm