Kinh tế tháng đầu năm: Những con số rất đáng lưu ý về sức khỏe doanh nghiệp

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng vọt cùng số doanh nghiệp thành lập mới có sự cải thiện rất lớn tạo nên bức tranh tích cực hơn về sức khỏe nền kinh tế.

Kinh tế tháng đầu năm: Những con số rất đáng lưu ý về sức khỏe doanh nghiệp - 1

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đều tăng mạnh (Ảnh: Lưu Thành Đạt).

Doanh nghiệp thành lập mới, hồi sinh tăng cao

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 1. 

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết "có nhiều khởi sắc khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021".

Ngoài ra, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả lĩnh vực hoạt động. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022, cơ quan thống kê nhận định.

Cụ thể, trong tháng 1, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 77.100 lao động, tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm trước, con số này tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Nếu tính cả 343.800 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1 là 536.100 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 352,8% so với tháng trước và tăng 194% so với cùng kỳ năm ngoái), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32.100 doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong tháng 1/2022, có gần 29.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021; 7.084 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,5%; có 2.025 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,3%.

Dòng tiền chảy vào nền kinh tế tháng đầu năm ra sao?

Về hoạt động đầu tư trong tháng 1, Tổng cục Thống kê cho biết tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2022, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 4,8% so với kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tháng 1/2022 đạt mức khá (1,61 tỷ USD), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 1 ước tính đạt 25.300 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%).

Trong đó vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 3400 tỷ đồng, bằng 3,4% kế hoạch năm và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 21.900  tỷ đồng, bằng 5,2% kế hoạch năm và tăng 8,5%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong tháng 1/2022 có 15 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 44,2 triệu USD, gấp 13,97 lần so với cùng kỳ năm trước; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh giảm 7,2 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 36,9 triệu USD, gấp 11,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giá xăng dầu đẩy CPI lên cao

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 1 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết.

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng Một tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66%.

Ngoài ra báo cáo cho thấy tháng 1 là tháng cận Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại trong nước, vận tải và du lịch đều tăng so với tháng trước, trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm.

Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 ước đạt 470.700 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3%.

Ước tính tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 29,5 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.