Kinh tế Nga - “Nạn nhân” lớn của khủng hoảng Ukraine

(Dân trí) - Những gì mà Nga đã làm ở Ukraine trong những ngày qua đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại nhiều tỷ USD. Trong thời gian tới, mức thiệt hại còn có thể tăng thêm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Theo hãng tin Bloomberg, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào vùng Crimea của Ukraine đã khiến thị trường chứng khoán nước này sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm trong phiên giao dịch ngày 3/3 và kéo đồng Rúp xuống mức thấp kỷ lục, buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1998. Hai tỷ phú Nga Gennady Timchenko và Leonid Mikhelson, những người được cho là có quan hệ thân cận với ông Putin, mất tổng cộng 3,2 tỷ USD trong giá trị tài sản ròng do cổ phiếu của hãng khí đốt Novatek sụt 18%.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:



“Nga chính là đối tượng thiệt hại lớn trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine”, ông Timothy Ash, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi thuộc Standard Bank ở London, nhận xét. “Niềm tin trong và ngoài nước Nga sẽ chịu một cú sốc lớn. Đầu tư sẽ giảm và có khả năng xảy ra sự tháo chạy của các dòng vốn. Các ngân hàng Nga làm ăn ở Ukraine có thể thua lỗ, đồng Rúp mất giá thêm, tăng trưởng kinh tế của Nga yếu đi”.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn ra giữa lúc kinh tế Nga đang yếu. Trong một báo cáo đưa ra vào tháng trước, ông Antonio Spilimbergo, trưởng phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Moscow, đánh giá rằng, nước Nga cần một mô hình kinh doanh mới, đa dạng hơn để đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng như hiện nay.

Năm ngoái, nền kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD của Nga có mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm do tiêu dùng yếu đi và đầu tư chững lại cùng với nhu cầu năng lượng. Kinh tế Nga tăng 1,3% trong năm 2013, thấp nhất kể từ cuộc suy thoái 2009, từ mức tăng 3,4% đạt được trong năm 2012.

Bên cạnh đó, khủng hoảng Ukraine là một trong những nguyên nhân chính đẩy tỷ giá đồng Rúp Nga giảm 9% từ đầu năm đến nay, mức giảm mạnh thứ nhì trong số 24 đồng tiền của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi, sau đồng Peso của Argentina.

Ngoài ra, động thái can thiệp vào Ukraine có thể xói mòn những nỗ lực tìm kiếm các khoản vay quốc tế trị giá 8 tỷ USD mà ít nhất 10 công ty Nga đang thực hiện. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo rằng, Nga có thể bị loại khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8), đóng băng tài sản và ra các lệnh cấm đi tới một số nơi trên thế giới đối với các quan chức Nga. Cảnh báo này có thể buộc các ngân hàng nước ngoài đánh giá lại xem có nên cho các công ty Nga vay vốn hay không.

Tháng 11/2013, Tổng thống Putin nói rằng, các ngân hàng Nga đang nắm 28 tỷ USD tiền nợ và tài sản ở Ukraine. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings hôm 25/2 nhận định rằng, các khoản nợ xấu ở Ukraine có thể sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của các ngân hàng Nga.

Chưa kể, các công ty Nga cũng có các khoản đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và nông nghiệp ở Ukraine. Nước này là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 39,6 tỷ USD trong năm 2013, trong đó Nga xuất khẩu sang Ukraine đạt 23,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15,8 tỷ USD.

Nhưng quan trọng hơn cả đối với Nga là hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraine. Một nửa số khí đốt mà Nga xuất sang châu Âu đi qua hệ thống này. Nga hiện là nguồn cung đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Sự tháo chạy của các dòng vốn ngoại là một thiệt hại khác đối với kinh tế Nga. Ngay trước khi các cuộc biểu tình ở Kiev chuyển thành đẫm máu vào tháng trước, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Andrei Klepach đã nhận định rằng, các dòng vốn chạy khỏi Nga đang tăng và có thể đạt 35 tỷ USD trong quý 1, cao hơn một nửa mức thoái vốn khỏi Nga trong năm 2013 là 63 tỷ USD.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Michael Ganske, trưởng bộ phận thị trường mới nổi thuộc công ty Rogge Global Partners ở London, ông Putin vẫn sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cần thiết để ngăn Ukraine trở nên gắn bó hơn với phương Tây.

Theo quan điểm của ông Ganske, Nga coi dân số 45 triệu người của Ukraine là chìa khóa cho mục tiêu xây dựng một khối thương mại cạnh tranh với EU. Liên minh hải quan của Nga bao gồm Nga, Belarus và Kazakhstan. Khi còn đương chức, ông Yanukovych muốn thắt chặt quan hệ với liên minh này. Armenia cũng đã nhất trí gia nhập liên minh này.

“Ông Putin quan tâm tới nền kinh tế Nga. Tuy nhiên,  ông ấy quan tâm nhiều hơn tới sự vĩ đại của nước Nga và ảnh hưởng trong khu vực”, ông Ganske đánh giá. “Từng là một điệp viên, ông Putin có ý tưởng về một nước Nga lớn ở trong đầu, và ông ấy không chấp nhận tầm quan trọng của nước Nga trong bối cảnh địa chính trị hiện nay đã suy giảm. Ông ấy không thích ý tưởng rằng Ukraine đang dịch chuyển xa khỏi nước Nga và trở thành một phần của EU ở một cấp độ nào đó, chưa nói gì tới NATO”.

Phương Anh
Theo Bloomberg
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước