Kinh tế năm 2017: "Còn chặng đường gian khổ phía trước"
(Dân trí) - Tại cuộc tọa đàm về kinh tế vĩ mô chiều nay (22/7), chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng: "Chúng ta vẫn còn một chặng đường gian khổ phía trước với bội chi ngân sách rồi nhiều vấn đề của doanh nghiệp chưa được giải quyết".
Chính phủ mới có nỗ lực vượt bậc
Phát biểu tại tọa đàm kinh tế vĩ mô do Báo điện tử Bizlive tổ chức vào chiều nay (22/7), ông Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Chính phủ mới có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
"700 DNNN đã cổ phần hoá mà chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu lần lượt lên sàn hết. Khả năng vốn hoá sẽ tăng lên, sự hấp dẫn cũng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp (DN) rất hấp dẫn như Sabeco, Habeco. Kinh tế dựa vào rất nhiều những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo", ông Doanh nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, hiện ngành là động lực phát triển kinh tế công nghiệp, chế biến, chế tạo vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). FDI chiếm trên 50% sản lượng công nghiệp Việt Nam, chiếm trên 71% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó Samsung chiếm rất lớn.
TS Lê Đăng Doanh cũng lưu ý rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà chúng ta ghi nhận từ xuất khẩu có một khoảng cách đáng kể với tổng thu nhập quốc dân (GNI). Các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển dòng tiền về quê hương họ. Trong khi đó, các ngành công nghiệp khai khoáng có sự giảm sút đáng kể.
"Chính phủ lúc này đang rất quan tâm đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Hiện nay chúng ta đã có nghị quyết 19 duy trì 4 năm liền, Nghị quyết 35 và các nghị quyết khác. Thủ tướng Chính phủ đã gặp các doanh nghiệp tư nhân và lắng nghe họ. Tôi nghĩ rằng với xu thế hiện nay và môi trường kinh doanh được cải thiện, vốn và sự năng động của người dân sẽ được phát huy, từ đó đóng góp của kinh tế tư nhân sẽ tăng lên và sẽ làm giảm đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài", ông nói.
"Còn chặng đường gian khổ phía trước"
Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra rằng: "Chúng ta vẫn còn một chặng đường gian khổ phía trước với bội chi ngân sách rồi nhiều vấn đề của doanh nghiệp chưa được giải quyết".
"Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp, họ than phiền rằng còn khoảng cách rất lớn giữa chính sách đề ra và việc thực thi chính sách. Nhiều sếp doanh nghiệp còn e ngại việc thực hiện đầu tư. Họ nói có thể ngày nay tôi là anh hùng, nhưng ngày mai có thể là tội đồ. Điều đó có nghĩa, nếu làm gì khác thường so với quy định họ rất có thể sẽ gặp khó khăn", ông Doanh nói.
Theo đó, ông Doanh cho rằng cần cải cách hành chính, giảm bớt chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp thì nền kinh tế Việt Nam thực sự phát triển và thị trường chứng khoán mới cất cánh.
Về mục tiêu tăng trưởng 6,7%, ông cho rằng, Chính phủ phải cố gắng đạt được, nếu không mức bội chi ngân sách và trần nợ công có thể sẽ bị vượt ngưỡng quy định và không an toàn.
"Chính phủ đang thúc đẩy ngành than khai thác thêm 2 triệu tấn, dầu thêm 1 triệu tấn. Samsung cố gắng đạt kim ngạch xuất khẩu 50 tỷ USD và Formosa cố gắng sản xuất thêm thép. Nhưng theo tôi giá trị thực phải là phát huy được khối doanh nghiệp tư nhân bởi khai thác thêm than, dầu khí, Samsung có xuất khẩu thêm thì cũng không thêm được nhiều việc làm. Theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP trong năm nay là 6,2 – 6,3%. Nếu đạt được thì cũng là con số rất đáng ghi nhận rồi", ông nói thêm.
Còn theo ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong năm nay có ba cái khác, ba cái mới. Thứ nhất là Chính phủ mới, thứ hai là sự hưng phấn, tươi sáng của thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế, và thứ ba là kinh tế thế giới có nhiều lãnh đạo mới, chính sách mới.
Theo ông Thành, sau khi gia nhập WTO, thì lĩnh vực dịch vụ đóng góp rất tốt trong việc dẫn dắt tăng trưởng. Tăng trưởng dịch vụ 6 tháng đầu năm 2017 tăng cao hơn mức tăng GDP chung đáng kể. Trong đó du dịch, bán lẻ có mức đóng góp tốt. Nếu nhìn những giải pháp Chính phủ đang nỗ lực thì chúng ta thấy khu vực khai khoáng, trong đó có PVN đã vượt kế hoạch đặt ra. Cũng phải nói thêm, chúng ta nếu có khai thác thêm 1 triệu tấn dầu trong năm nay thì tổng sản lượng khai thác dầu vẫn thấp hơn năm ngoái.
"Một giải pháp khác mà Chính phủ đang làm đó là cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện niềm tin của công chúng, của nhà đầu tư… Qua đó giá trị gia tăng cho GDP sẽ tăng lên. Giải ngân đầu tư công hiện nay nếu làm tốt thì xây dựng, kết cấu hạ tầng sẽ được đầu tư tốt. Một điều khác là chính sách tiền tệ có thể sẽ cao hơn mục tiêu chúng ta đề ra, có thể giảm lãi suất cho vay", ông Thành nói.
Phương Dung