Kinh tế “khổ" vì virus: “Hỗ trợ bằng tiền nếu không đúng còn gây hệ luỵ”

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, cần thận trọng, không thể vội vàng lạm dụng chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay.

Kinh tế “khổ vì virus: “Hỗ trợ bằng tiền nếu không đúng còn gây hệ luỵ” - 1
Thận trọng khi dùng các biện pháp chính sách tiền tệ.

Dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid - 19) vẫn tiếp tục diễn biến xấu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và lan cả sang nhiều nước khác đã gây thiệt hại không nhỏ đối với kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh này, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm “cứu" nền kinh tế. Nới lỏng chính sách tiền tệ là biện pháp thường được sử dụng. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng đang thực hiện các chính sách nới lỏng để đối phó với tác động từ dịch virus.

Ở Việt Nam, chính sách tiền tệ cũng được nhiều ý kiến đề cập tới thời gian qua. Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh cần thận trọng, không thể vội vàng lạm dụng chính sách tiền tệ.

Trong bối cảnh lo ngại về sự giảm phát trước sự tác động của dịch bệnh không chỉ phạm vi ở một nước mà còn mang tính quốc tế. Một số ý kiến đặt vấn đề về gói hỗ trợ… Kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm Covid-19. Vậy giải pháp cốt tử theo ông là gì?

Thời điểm này vẫn chưa có những con số thống kê cụ thể. Mọi thứ vẫn bất định, khó lường. Việc nghiên cứu biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ thường được đưa trong bối cảnh kinh tế khó khăn. 

Tuy nhiên, tôi cho rằng, không thể lạm dụng chính sách tiền tệ được. Đặc biệt khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại. Cần cân đối, và khi sử dụng phải khoanh vùng đối tượng, đúng đối tượng.

Đối với tác động dịch bệnh hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp không chỉ đối với một số ngành nhìn rất rõ như du lịch, hàng không, nông nghiệp thì có thể thấy đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung đều chịu ảnh hưởng rất lớn.

Một số doanh nghiệp cho biết, họ chỉ cố “cầm cự” được 1-2 tháng nữa khi doanh thu bằng 0 mà vẫn phải chi trả mọi thứ. Đặc biệt, khối dịch vụ rất khó khăn kể từ sau Tết.

Kinh tế “khổ vì virus: “Hỗ trợ bằng tiền nếu không đúng còn gây hệ luỵ” - 2
Chuyên gia Phan Lê Thành Long.

Còn ở khối sản xuất thì doanh nghiệp đau đầu với nguyên liệu đầu vào. Nhiều doanh nghiệp than không có nguyên liệu để sản xuất bởi nguồn nguyên liệu bấy lâu nay phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Những vấn đề này chính sách tiền tệ không thể xử lý tận gốc được. Hỗ trợ bằng tiền nếu không đúng thì còn gây hệ luỵ. 

Hiện tại tất cả đều “đau đầu" nghĩ giải pháp ứng phó. Điều quan trọng, chính sách gì thì vẫn phải căn cứ trên nền tảng là doanh nghiệp. Trong đó, đầu tiên là cần những biện pháp mang tính kỹ thuật.

Chẳng hạn như du lịch thì kích cầu du lịch như thế nào để vẫn đảm bảo ổn định an toàn. Có an toàn người dân mới dám đi, phải kiểm soát tốt dịch bệnh vì đây là vấn đề cốt lõi. Rồi những việc tái cơ cấu ngành du lịch lâu nay vẫn làm phải làm mạnh hơn, rốt ráo hơn nữa. 

Về nông nghiệp cũng thế, xử lý các vấn đề cốt lõi của ngành này. Bởi lâu nay không cần dịch bệnh thì thỉnh thoảng vẫn có điệp khúc “giải cứu", “được mùa mất giá"... Đối với các doanh nghiệp ngành sản xuất hiện nay, làm thế nào để phát triển hướng đi, vùng nguyên liệu khác thay thế.

Quan trọng, dịch bệnh hiện nay phải được kiểm soát tốt. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân sẽ quay trở lại mua sắm, đi du lịch… kinh tế sẽ trở lại guồng quay.

Ông có nói cần thận trọng với chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh hiện nay. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Việc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ có thể gây nhiều hệ lụy phát sinh như mất giá đồng tiền, lạm phát cao, tỷ giá biến động mạnh… khiến nền kinh tế có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Thực tế còn cho thấy, lạm phát tăng trong tháng 1 vừa qua là chỉ báo rất đáng lưu tâm. Sức cầu hiện nay giảm không phải do dân thiếu tiền mà vấn đề tâm lý e ngại. 

Việc sử dụng chính sách tiền tệ được cân nhắc tới nhưng phải có đối tượng rõ ràng (như hiện nay thì du lịch và nông nghiệp) và phải có kiểm soát chặt chẽ, chứ để tiền “chui” vào các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản là sẽ lợi bất cập hại.

Từng bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 cả về trước mắt lẫn lâu dài.

Đối với bản thân chính các doanh nghiệp, họ cũng cần có hai việc làm ngay. Trước mắt đối phó với khủng hoảng biến cố phải có đội phản ứng nhanh như thành lập ủy ban rủi ro để đưa ra các giải pháp hạn chế rủi ro. 

Về lâu dài phải tính toán xem tái cơ cấu hoạt động của mình như thế nào. Nếu dịch kéo dài thì phương án như thế nào, nếu dịch kết thúc thì sau đó như thế nào về thị trường. 

Ông có kỳ vọng kinh tế sẽ khởi sắc trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát?

Theo thế giới đánh giá, nó sẽ tác động trong ngắn hạn, chứ không gây khủng hoảng sâu rộng như thời điểm cách đây chục năm.

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước biến động tăng theo giá vàng thế giới. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng chủ yếu là do lo ngại về dịch viêm phổi Covid-19 gây sức ép đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng chỉ là yếu tố tâm lý tạm thời, không đáng lo ngại.

Tính đến thời điểm hiện nay, WHO chưa công bố đại dịch mà mới chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng nếu đại dịch, thì nguy cơ khủng hoảng cũng có thể phải tính đến.

Ở đây, chúng ta kỳ vọng mọi thứ tốt lên nhưng vẫn phải chuẩn bị cho những thứ tồi tệ, thậm chí là phương án đối phó với kịch bản xấu nhất.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Mạnh (thực hiện)