Kinh tế khó khăn, tiệm cầm đồ trúng đậm

(Dân trí) - Chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và không thể đợi đến kỳ lương, ngày càng nhiều người Đông Nam Á đang sẵn sàng đem đồ trang sức, đồng hồ đắt tiền đến hiệu cầm đồ, khiến ngành này phất lên trông thấy tại Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh tiệm cầm đồ trong khu vực đang thu hút không ít nhà đầu tư. Tại Singapore, giá cổ phiếu của công ty MoneyMax Financial Services đã tăng khoảng 30% sau khi lên sàn hồi tháng trước.

Riêng tại Hà Nội ước tính có khoảng hơn 2700 hiệu cầm đồ
Riêng tại Hà Nội ước tính có khoảng hơn 2700 hiệu cầm đồ

Những công ty này cũng đang tìm cách xóa đi hình ảnh là nơi cuối cùng những người bí bách về tài chính tìm tới. Tuy vậy, thành công bất ngờ của các tiệm cầm đồ cũng có thể là chỉ dấu cho những vấn đề mà các nền kinh tế Đông Nam Á đang dối mặt. Bởi các tiệm cầm đồ, và các loại hình kinh doanh tương tự khác thường chỉ nở rộ khi ngân sách của các hộ gia đình bị thắt chặt.

Bên trong một cửa hàng của Cash Converters tại phía Đông Singapore, một bức tượng phật Di Lặc bằng vàng được đặt cạnh nhiều túi xách hàng hiệu, một cây vĩ cầm cũ, các thiết bị điện tử và rất nhiều nhẫn kim cương. Trên quầy, cả những người trẻ lẫn người già đều đang chờ món đồ của mình được định giá, trong khi một số người mua tới săn lùng những món hời.

“Khi nền kinh tế trở nên khó khăn hơn, rõ ràng chúng tôi có nhiều khách hàng hơn”, Jeremy Taylor, giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của công ty trên cho biết. “Đông Nam tương đối ít bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra tại châu Âu, nhưng giờ khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tình hình có vẻ hơi căng thẳng hơn”.

Cash Converters là một mạng lưới các cửa hàng nhượng quyền, chuyên cung cấp các khoản cho vay cầm cố tại một số thị trường như Australia. Riêng tại Singapore và Malaysia công ty này tập trung vào hoạt động mua và bán lại hàng đã qua sử dụng. Taylor cho biết cửa hàng của mình tại hai nước này đã có lượng khách tăng từ 5-10% trong 3 tháng gần đây.

Với việc kinh tế Thái Lan về mặt kỹ thuật cũng đang trong suy thoái, trong khi tăng trưởng giảm tốc tại Indonesia và Malaysia, các tiệm cầm đồ chính là những nơi làm ăn khấm khá.

Theo một bản báo cáo của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse cuối tháng 7, Malaysia, Singapore và Thái Lan hiện giữ 3 trong số 4 vị trí đầu tiên về mức độ nợ của hộ gia đình tại châu Á. Và những ai không đủ điều kiện vay ngân hàng đang phải tìm đến các nguồn tài chính khác ngày càng nhiều.

Không ít tiệm cầm đồ giờ được trang hoàng trông rất hiện đại
Không ít tiệm cầm đồ giờ được trang hoàng trông rất hiện đại

Nhiều tiệm cầm đồ cũng đã từ bỏ mặt tiền thường lộn xộn, bụi bặm, vốn đôi khi khiến khách hàng thấy e ngại, để khoác lên mình “bộ cánh” trông hiện đại hơn, ưa nhìn hơn. Khách hàng cũng thích sự tiện lợi và linh hoạt trong việc lấy lại các món đồ của mình khi tình hình tài chính được cải thiện.

Cash Converters có kế hoạch mở thêm cửa hàng trong nửa đầu năm tới và mở rộng hoạt động kinh doanh sang cung cấp dịch vụ tại nhà và trực tuyến. Trong khi đó Easy Money, chuỗi cửa hàng cầm đồ tư nhân lớn nhất Thái Lan, đã ghi nhận lượng khách tăng 15 – 20% trong những tháng gần đây, nhất là khu vực gần Bangkok, giám đốc điều hành Sittiwit Tangthanakiat xác nhận.

“Nếu số nợ của các hộ gia đình tiếp tục tăng, chúng tôi nghĩ rằng sẽ còn nhiều khách hàng hơn tìm đến các hiệu cầm đồ”, Tangthanakiat nói, và ước tính ngành cầm đồ của Thái Lan có quy mô tới 170 tỷ baht, tương đương 5,3 tỷ USD.

Tại Singapore, hiện có khoảng 200 hiệu cầm đồ, tăng so với mức 114 của năm 2008. Số tiền các cửa hiệu này cho vay ra trong năm ngoái đạt tới 7,1 tỷ đô la Singapore, gấp 3,9 lần năm 2008.

“Tại Singapore, mức lãi suất cao nhất theo quy định áp dụng cho các khoản vay tại hiệu cầm đồ là 1,5%/tháng, vào hàng thấp nhất thế giới. Điều này phần nào lí giải vì sao loại hình kinh doanh này rất được ưa chuộng tại đây”, Yeah Lee Ching, giám đốc điều hành của ValueMax Group chia sẻ.

Nhưng khách hàng tại các tiệm cầm đồ không chỉ có cá nhân. Nhiều công ty tại Việt Nam trong cảnh thiếu vốn thậm chí đang bán cả xe, cầm cố văn phòng để tồn tại. “Kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2009 cho đến giờ, số lượng chủ doanh nghiệp tìm đến chúng tôi đã tăng đáng kể”, chủ một hiệu cầm đồ tại Hà Nội cho biết.

Với việc lãi suất cho vay tại một số ngân hàng lên tới trên 15%/năm, ước tính kể từ năm 2011 đến nay có khoảng 120.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động, phần nhiều do khó khăn trong vay vốn ngân hàng. Theo một ước tính mới đây, riêng tại Hà Nội có khoảng 2710 hiệu cầm đồ.

Tại Malaysia, các hiệu cầm đồ chủ yếu do các gia đình gốc Hoa điều hành, nhưng một số công ty có liên hệ với chính phủ cũng đã gia nhập hoạt động này để cho vay cộng đồng người Hồi giáo.

Tháng 7 vừa qua, Pos Malaysia Bhd, công ty dịch vụ bưu chính quốc gia của Malaysia, đã mở rộng sang cả hoạt động cầm đồ cho người Hồi giáo. “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã có đóng góp vào lợi nhuận chung”, Iskandar Mizal Mahmood, người đứng đầu mảng dịch vụ này cho biết.

Trong năm ngoái, công ty MoneyMax cầm đồ và bán lẻ trang sức của Singapore đã ghi nhận mức lợi nhuận tới 5,8 triệu đô la Singapore, gấp 5 lần năm 2010. Công ty này hiện có 29 cửa hàng nhưng còn muốn mở thêm vài cửa hàng nữa trong 12 tháng tới.

Riêng mảng hoạt động cầm đồ của họ có tỷ suất lợi nhuận trước thuế hơn 30% nhờ tần suất giao dịch cao, giám đốc điều hành Peter Lim khẳng định. “Tôi cho anh vay 1000 USD, trong vòng 3 tuần anh đã trả lại tôi rồi, và tôi lại đem nó cho người khác vay. Đó là lí do vì sao tỷ suất lợi nhuận cao đến vậy, bởi tiền liên tục luân chuyển”, ông Lim giải thích.

Thanh Tùng
Tổng hợp