Kinh doanh thua lỗ kỷ lục, vợ và con Chủ tịch Vinasun có động thái lạ

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc Vinasun đang chật vật với tình hình kinh doanh sa sút thì vợ và con trai của ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch Vinasun bất ngờ công bố thông tin mua vào - bán ra cổ phiếu VNS.

"Ông lớn" taxi thua lỗ kỷ lục, giảm hơn 1.000 nhân viên

Cổ phiếu VNS của Vinasun trong sáng nay (26/8) tăng 450 đồng, tương ứng 4,27%, lên 11.000 đồng.

Cổ phiếu VNS thời gian gần đây biến động phức tạp trong bối cảnh hãng taxi này đang có những thông tin về giao dịch trái chiều liên quan đến gia đình Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Đặng Phước Thành.

Cụ thể, ông Đặng Thành Duy - Phó Tổng Giám đốc Vinasun vừa đăng ký bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phần, tương đương 7,97% vốn điều lệ của công ty để giải quyết việc riêng. Giao dịch này dự kiến được thực hiện từ ngày 27/8 đến 25/9/2020 theo phương thức thỏa thuận.

Nếu giao dịch thành công, ông Đặng Thành Duy sẽ thu về khoảng gần 60 tỷ đồng, đồng thời không còn là cổ đông của công ty. Ông Đặng Thành Duy là con trai ông Đặng Phước Thành.

Một thông tin có liên quan khác là bà Ngô Thị Thuý Vân, vợ ông Đặng Phước Thành lại vừa công bố thông tin đăng ký mua vào hơn 5,4 triệu cổ phiếu VNS để nâng sở hữu từ 16,9 triệu cổ phiếu tương ứng tỉ lệ 24,92% lên 7,17 triệu cổ phiếu tương ứng tỉ lệ 10,56%. Giao dịch này cũng dự kiến thực hiện từ 27/8 đến 25/9.

Theo đó, nhiều khả năng đây sẽ là giao dịch chuyển nhượng giữa vợ và con Chủ tịch Vinasun. Tại Vinasun, ông Thành hiện sở hữu hơn 16,9 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 24,92% vốn điều lệ và là cổ đông lớn nhất của công ty.

Kinh doanh thua lỗ kỷ lục, vợ và con Chủ tịch Vinasun có động thái lạ - 1

Biến động của cổ phiếu VNS trong vòng 1 tháng trở lại đây

Vinasun vừa trải qua một kỳ kinh doanh biến động khi quý 2/2020, hãng taxi này giảm 70% doanh thu thuần hợp nhất, chỉ còn đạt 156 tỷ đồng. Lỗ sau thuế hơn 111 tỷ đồng cũng là mức lỗ kỷ lục theo quý trong lịch sử 35 năm hoạt động của Vinasun.

Tình hình kinh doanh khó khăn dẫn đến việc hãng taxi này phải cắt giảm rất mạnh nhân sự trong nửa đầu năm. Tại thời điểm 30/6/2020, Vinasun còn 4.625 nhân sự so với 5.790 người tại thời điểm cuối năm 2019, giảm hơn 1.000 người trong vòng 6 tháng.

Kinh doanh thua lỗ kỷ lục, vợ và con Chủ tịch Vinasun có động thái lạ - 2

Tình hình kinh doanh của Vinasun liên tục lao dốc (đơn vị: tỷ đồng; nguồn: BCTC)

Tiền ầm ầm vào chứng khoán, cổ phiếu nhỏ đắt khách

Về thị trường chứng khoán, không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, các chỉ số trong sáng nay tiếp tục giằng co, rung lắc. Tuy vậy, tạm ngừng phiên giao dịch, các chỉ số chính đều đạt được trạng thái tăng.

VN-Index tăng 1,96 điểm tương ứng 0,22% lên 876,08 điểm còn HNX-Index tăng 0,56 điểm tương ứng 0,46% lên 123,93 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,22 điểm tương ứng 0,37% lên 58,41 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản vẫn đạt tốt. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 200,05 triệu đơn vị tương ứng 3.530,86 tỷ đồng; trên HNX là 37,15 triệu đơn vị tương ứng 438,49 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối lượng giao dịch đạt 16,52 triệu cổ phiếu tương ứng 202,34 tỷ đồng. Nhìn chung dòng tiền vẫn đang phân bổ vào nhóm cổ phiếu nhỏ.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá tuy vậy chênh lệch không lớn; với 352 mã tăng, 44 mã tăng trần so với 317 mã giảm, 26 mã giảm sàn.

Sàn HSX sáng nay “xanh vỏ đỏ lòng” với số lượng mã giảm là 193 mã và có 176 mã tăng nhưng chỉ số vẫn tăng. Trong đó, động lực kéo chỉ số là nhóm cổ phiếu lớn.

Phiên này, Vn30-Index tăng 0,82 điểm tương ứng 0,1% lên 816 điểm. Trong rổ này có 15 mã tăng giá trong khi có 9 mã giảm.

Theo đó, PLX tăng 1,8% lên 51.300 đồng; VRE tăng 1,5% lên 27.350 đồng; VNM, GAS, VHM, MSN… cũng tăng. Theo đó, GVR, VNM, PLX, VHM lần lượt là các mã có ảnh hưởng tích nhất đến chỉ số chính. Ngược lại, VCB, HPG, CTG, SAB, BID, TCB lại kìm hãm VN-Index.

BVSC dự báo rằng, VN-Index có thể điều chỉnh vào đầu phiên hôm nay trước khi hồi phục tăng điểm trở lại về cuối phiên.

Nhóm phân tích cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái hưng phấn cùng diễn biến tăng điểm mạnh của các chỉ số chứng khoán thế giới được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách các vùng kháng cự 878-883 điểm và 895-905 điểm trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường được cho là sẽ có sự phân hóa mạnh trở lại trong những phiên tới và dòng tiền nhiều khả năng sẽ luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn này sẽ chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs diễn ra vào tuần cuối tháng 8 và những tuần đầu tháng 9.

Nhìn chung, dòng tiền sẽ vẫn có sự tập trung chủ đạo tại nhóm cổ phiếu midcap được hưởng lợi bởi các yếu tố vĩ mô như bất động sản khu công nghiệp, đá xây dựng, vật liệu xây dựng. Do vậy,  nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức 60-70% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể canh các nhịp rung lắc của thị trường và các nhóm cổ phiếu để thực hiện các hoạt động mua trading.