Kinh doanh sụt lãi 90%, bầu Đức vẫn có quyền vui vì “nhẹ gánh nợ”
(Dân trí) - Mặc dù nguồn thu từ trái cây tăng mạnh song Hoàng Anh Gia Lai vẫn ghi nhận giảm lãi hơn 90% trong quý II/2018 do sự chùng xuống của mảng cao su và việc duy trì đàn bò nay chỉ để lấy phân bón. Tuy vậy, trong kỳ, áp lực nợ đối với bầu Đức đã giảm.
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, mặc dù trong kỳ doanh thu của tập đoàn này vẫn tăng trưởng, song kết quả lợi nhuận lại đi xuống.
Cụ thể, doanh thu thuần quý II của HAGL đạt 1.894 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2017. Ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc HAGL cho biết, mức tăng này chủ yếu dựa vào kết quả khả quan của mảng trái cây.
Trong quý II/2018, doanh thu trái cây tăng 261 tỷ đồng lên 932 tỷ đồng do có thêm nguồn thu từ hoạt động bán trái cây của Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Đại Thắng, một công ty con được HAGL mua về từ tháng 3/2018.
Bên cạnh đó, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) còn ghi nhận thêm 356 tỷ đồng doanh bán ớt. Doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa tăng 70 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 211 tỷ đồng nhờ tận dụng được nguồn thu từ các sản phẩm phụ từ hoạt động chăn nuôi.
Trong khi cây ăn trái bội thu thì các hoạt động kinh doanh khác của HAGL lại trầm xuống. Doanh thu cung cấp dịch vụ cho thuê và dịch vụ khác giảm nhẹ 9 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu bán bò giảm tới 214 tỷ đồng so cùng kỳ (mức giảm gần 85%), chỉ còn 38 tỷ đồng trong quý II. Hiện, HAGL cũng không còn ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho ngành bò nữa mà tập trung cho mảng cây ăn trái.
Doanh thu bán mủ cao su sụt giảm mạnh 139 tỷ đồng (gần 90%) so với quý II/2017, chỉ còn vỏn vẹn 16 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá cao su giảm mạnh, HAGL chủ trương không bán nhiều cho giá lên.
Với việc hoàn tất chuyển nhượng nhóm công ty mía đường cho Thành Thành Công vào ngày 22/5/2017, trong quý II/2018, HAGL không còn phát sinh doanh thu bán đường.
Việc tập trung phát triển cây ăn trái cũng giúp HAGL giảm đáng kể gíá vốn hàng bán trong kỳ, giảm gần 12% còn 921 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp nhờ đó tăng 365 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 60% so với cùng kỳ lên 973 tỷ đồng trong quý II/2018.
Trong khi sản xuất kinh doanh trái cây khởi sắc thì tập đoàn của bầu Đức cũng ghi nhận khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 140 tỷ đồng (tương ứng tăng tới 65%) do phải trích trước dự phòng một số khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giữa lúc doanh thu tài chính giảm mạnh 853 tỷ đồng, chỉ còn 172 tỷ đồng trong quý II (cùng kỳ đã ghi nhận khoản lãi từ thanh lý nhóm công ty mía đường và Công ty CP Cao su Ban Mê) thì chi phí hoạt động tài chính giảm nhẹ 37 tỷ đồng còn 489 tỷ đồng.
Áp lực nợ giảm là một yếu tố “cộng điểm” đối với HAGL trong bối cảnh đến nay tập đoàn này vẫn còn tổng cộng 36.851 tỷ đồng nợ phải trả. Cụ thể, chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu trong kỳ đã giảm 59 tỷ đồng còn 429 tỷ đồng do dư nợ vay giảm.
Hoạt động khác của HAGL ghi nhận lỗ 134 tỷ đồng trong quý II, tăng lỗ gấp 6 lần cùng kỳ. Qua đó, góp phần dẫn tới tổng lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ còn gần 113 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ 2017. Lãi sau thuế ghi nhận được chỉ còn hơn 83 tỷ đồng (giảm hơn 90% so với quý II/2017). Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm gần 14 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, công ty bầu Đức có lãi trước thuế 145 tỷ đồng (giảm lãi hơn 83% cùng kỳ và lãi sau thuế 140 tỷ đồng.
Như vậy, với những số liệu đưa ra tại báo cáo tài chính quý II/2018 có thể thấy bầu Đức dường như đã “toàn tâm toàn ý” cho hoạt động sản xuất kinh doanh cây ăn trái. Mặc dù lãi giảm sâu, nhưng mảng này đã cho thấy những dấu hiệu khả quan và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của HAGL.
Trước đó, thông điệp nêu trong báo cáo thường niên 2017 của HAGL, bầu Đức cũng cho biết, khoảng trên 40% diện tích cây ăn trái của tập đoàn này sẽ được thu hoạch vào năm nay. Đồng thời thể hiện tham vọng muốn đưa doanh nghiệp này dẫn đầu châu Á trong mảng trồng và xuất khẩu trái cây.
Bích Diệp