Kinh doanh sim số đẹp đến thời phá sản!

Kinh doanh sim số đẹp một thời là nghề làm ăn hái ra tiền. Tuy nhiên, buôn bán sim số sắp hết thời, thậm chí, sẽ có những chủ kinh doanh sẽ phá sản khi nhiều sim số đẹp đang tích trữ bị “xóa”.

Càng lớn càng dễ phá sản

 

Gần hai tháng nay, giới buôn sim số điện thoại như ngồi trên đống lửa vì cơ hội kinh doanh đang bị thu hẹp, thậm chí trắng tay, mất toàn bộ vốn liếng khi kho sim số đẹp mà tích trữ được có thể sẽ bị thu hồi.

 

Theo quy định mới của VinaPhone và MobiFone, từ ngày 1/8, các loại sim, kit phát hành trước 0h ngày 1/8/2011 chỉ có thời hạn sử dụng tối đa đến hết ngày 31/12/2013. Các sim, bộ kit phát hành sau 0h ngày 1/8/2011 có thời hạn sử dụng tới 24h00 ngày 31/12 của năm thứ hai liền sau năm phát hành. Sau thời gian này, các số đã phát hành ra thị trường nhưng không được kích hoạt, hoặc đã kích hoạt nhưng không phát sinh cước sẽ bị thu hồi.

 

Sự thay đổi trong chính sách quản lý lại khiến cho giới kinh doanh sim số gặp rắc rối. Thậm chí, càng kinh doanh lớn, thu gom nhiều sim số càng có nguy cơ thiệt hại lớn.

 

Theo lý giải chung của các đại lý, từ trước đến nay, việc buôn đi, bán lại các số di động giữa các đại lý và nhất là việc lựa chọn, thu gom các sim số đẹp để bán kiếm lãi là chuyện diễn ra từ lâu trên thị trường sim số. Từ trước đến nay, các sim số phát hành, bán đứt cho các đại lý đều không quy định thời hạn lưu hành nên các đại lý mua số đều yên tâm "đầu tư" để "ăn dần". Thế nhưng, với quy định mới này thì hàng ngàn mà các đại lý đã mua và nắm giữ có bị "xóa" khi đến hạn nếu không bán kịp. Thậm chí, những sim số đẹp có giá cả trăm triệu cũng có thể bị thu trắng.

 

Trước tình thế này, chủ một đại lý sim ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trong kho và đại lý của anh hiện có khoảng 3000 ngàn sim mua từ trước và không quy định thời hạn. Với giá 65 ngàn đồng/sim - kit thì số tiền tồn trữ trong đó cũng lên đến 130 triệu đồng. Trong số đó, có hàng trăm số đẹp có giá trên thị trường, là khoản lãi chính của các đại lý được tích trữ từ nhiều năm qua và ngày càng có giá, các đại lý sẽ để dành bán dần.

 

Tuy nhiên, với quy định mới thì buộc phải bán tháo sớm với giá rẻ, nếu không sẽ mất trắng khi đến hạn theo quy định. Việc tích trữ và kinh doanh sim không trái với các quy định trước đây, nay quy định hạn lưu hành 2 năm và thực hiện khá đột ngột sẽ gây ra nhiều khó khăn.

 

Kinh doanh sim số đẹp đến thời phá sản! - 1
Kinh doanh sim số đẹp sẽ không còn dễ làm ăn nữa.

 

Trong khi đó, một đại lý khác ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, các đại lý thường thu gom và lựa chọn sim số đẹp qua 3 cách sau: mua thẳng từ nhà mạng với số lượng lớn; mua gom lại trên thị trường từ các đại lý khác nhau và mua lại từ những người đang dùng. Trừ cách cuối là sim số đã được kích hoạt, hai cách đầu, địa lý đều trực tiếp thanh toán với nhà mạng và cấp sim số chưa kích hoạt.

 

Chủ đại lý cho biết, khi mua sim, đại lý đều phải thanh toán tiền ngay với nhà mạng. Nếu có 10.000 sim với giá 50.000 đồng thì phải đầu tư 500 triệu đồng. Trong số đó, chỉ có khoảng 200 - 300 số đẹp được tích trữ bán dần. Còn lại hơn 9.000 sim sẽ phải bán ngang giá, thậm chí bán lỗ để thu hồi vốn càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc thu tiền không thể nhanh đươc vì phải chờ cửa hàng nhỏ bán lẻ trả tiền dần. Tiền lãi trông chờ vào các số đẹp kia.

 

Nếu theo quy định mới thì đại lý sẽ khó nhiều đường. Các sim phân phối cho đại lý chưa bán hết  đã bị thu hồi, sim số đẹp nếu không bán được cũng bị thu hồi, hoặc phải tìm cách bán tháo. Trong thời điểm thị trường đang bão hòa , việc bán được sim số, đặc biệt là sim số giá trị lớn càng không dễ, nguy cơ thiệt hại là thấy rõ. Các đại lý cũng đang rất lúng túng vì ngoài thông báo thu hồi, chưa có những biện pháp xử lý nào đi kèm.

 

Một đại lý cho biết, đại lý đầu tư nhiều và nắm giữ số vì các quy định trước đây không giới hạn thời gian. Khi mua sim, thì đã trả tiền đầy đủ nên dù chưa kích hoạt thì đây vẫn có thế coi là "tài sản" đã được mua bán nay thay đổi chính sách chẳng lẽ mất trắng số tiền đã bỏ ra mua.

 

Chủ một đại lý khác cho biết, đành rằng, có sự thay đổi về quy định của nhà nước, các nhà mạng có lý khi thực hiện các quy định mới nhưng cần phải xem xét để đảm bảo quyền lợi cho các đại lý và các cánh tay nối dài của nhà mạng bởi quy định mới có hiệu lực từ 1/8 nhưng áp dụng cho cả các sim số phát hành trước đó, nhưng lại không đề cập đến việc xử lý tiếp theo.

 

Chấm dứt số ảo, số đẹp?

 

Động thái của các nhà mạng di động là điều dễ hiểu. Đây là bước tiếp theo trong việc thực hiện các quy định mới về quản lý tài nguyên số, thực hiện tiết kiệm, không lãng phí kho số cho các mạnh viễn thông và quản lý sim số một cách hiệu quả hơn. Việc này càng có ý nghĩa hơn khi thời gian gần đây các nhà mạng luôn cháy kho số và đề xuất cấp đầu số mới trong khi đó lại phải đối phó với một lượng sim số ảo ngày càng nhiều, tốn chi phí duy trì.

 

Với mục đích đó, về cơ bản ý nghĩa có quy định được sự ủng hộ của nhà quản lý và các chuyên gia. Tuy nhiên, phát sinh từ quyết định này là các đại lý đã mua sim từ trước nay có thể bị thiệt hại.

 

Theo các đại lý, với quy định này, chắc chắn nghề buôn bán sim số sẽ co hẹp, các đại lý sẽ không dám nhập nhiều sim về bán, và không ai dám kích hoạt sim để bán vì như thế sẽ rất tốn kém và mạo hiểm. Về dài hạn, có thể sẽ hạn chế nhất định được sim số ảo nhưng chấm dứt sim số ảo không thể trông chờ mỗi biện pháp này.

 

Theo các đại lý, sim của các đại lý đang cầm giữ thuộc quy định mới là sim chưa kích hoạt. Vì thế, so với quan điểm sim số ảo là sim đã kích hoạt, nhưng gọi hết tiền, thì việc sim số bị khóa hai chiều mà chưa thu hồi khiến nhà mạng tốn chi phí duy trì. Trong khi sim số này vẫn còn nguyên, và về cơ bản dù đã bán và giao cho đại lý nhưng vẫn nằm trong "kho" và thuộc quản lý của nhà mạng nên khó có thể coi là "rác" và "ảo", hoàn toàn có thể tiếp tục duy trì và sử dụng.

 

Trong khi đó, các sim số "ảo", vốn là hậu quả của một thời kỳ dài chạy đua khuyến mãi, tăng thuê bao ồ ạt mà không tính đến cách chính sách cam kết, đã được kích hoạt nhưng không hoạt động và phát sinh cước lại không nằm trong quy định này.

 

Với các quy định hiện nay, các đại lý nếu muốn vẫn có thể lách để duy trì các số mong muốn khi kích hoạt, rồi duy trì số để kinh doanh. Đây là việc khá tốn kém nhưng với một số lượng nhỏ các sim số đẹp thì các đại lý vẫn có thể làm.

 

Sau thời kỳ dễ dãi và ồ ạt tăng thuê bao bằng nhiều cách, ưu ái với các đại lý để phát triển bán hàng, đến nay, các nhà mạng đã vào thời kỳ ổn định, việc phát triển thuê bao cũng "kịch trần" nên buộc phải tìm cách quản lý hiệu quả nhất trong đó có việc hạn chế sim số ảo, quản lý tốt kho số. Thực chất, dù việc mở rộng thuê bao không còn khả thi  và ưu tiên, thì các đại lý cũng không còn được ưu ái nữa.

 

Kinh doanh sim số sẽ không còn là nghề dễ làm ăn nữa. Trước mắt, quy định này có thể sẽ khiến hàng loạt cửa hàng, đại lý đóng cửa, nhiều đại lý có nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng vì sim lưu trong kho chưa hề bóc ra khỏi bộ kit nhưng vẫn hết hạn và bị thu hồi. Còn về lâu dài, muốn kinh doanh sim số chắc hẳn sẽ cần nhiều điều kiện và sẽ kém hấp dẫn hơn.

 

Theo Hoàng Sơn
VEF