Kinh doanh Ký gửi hàng hóa: Cũng lắm rủi ro

Khi việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhằm tận dụng mặt bằng và tăng thêm thu nhập, nhiều chủ cửa hàng tranh thủ nhận thêm hàng ký gửi của một số cá nhân. Tuy vậy, việc làm này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.

Lối thoát lúc khó khăn

 

Từ trước đến nay nguồn thu nhập chính của gia đình chị Lê Thu Lan ở quận Đống Đa, Hà Nội là cửa hàng bán quần áo trên đường Chùa Bộc.

 

Chị Lan cho biết, hàng tháng, chị phải bỏ ra 6 triệu đồng để thuê mặt bằng, 6 triệu đồng trả lương cho 2 nhân viên bán hàng và một số khoản chi phí khác. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ hàng diễn ra rất chậm, có những ngày cửa hàng chỉ bán được vài trăm nghìn đồng tiền hàng nên việc chi tiêu cho cuộc sống gia đình chị Lan ngày càng bị thắt chặt.

 

Sau khi cho 2 người bán hàng nghỉ việc, chị Lan nhận thêm mỹ phẩm, đồ trang sức ký gửi của một số người bán hàng qua mạng và một vài cửa hàng nhỏ, lẻ khác. Khách ký gửi hàng thường là những người không có địa điểm bán hàng thuận lợi hoặc quá chật chội. Theo thỏa thuận, với mỗi món hàng nhận ký gửi, khi bán được, chị Lan sẽ nhận được 6% giá trị sản phẩm. Việc thanh toán được tiến hành sau khi sản phẩm được bán. Những món hàng không bán được thì chị Lan trả lại cho chủ nhân. Do nhận bán ký gửi nhiều loại sản phẩm nên mỗi tháng thu nhập của chị Lan tăng thêm từ 2-4 triệu đồng.

 

Cũng trong tình trạng tương tự, do khai trương trong thời điểm kinh tế khăn nên dù đã bỏ ra khá nhiều vốn đề đầu tư trang trí cửa hàng, song việc kinh doanh của địa điểm bán quần áo trẻ em của chị ĐàoThị Hồng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân rất vắng khách.

 

Do tiền thuê mặt bằng đã thanh toán hết năm nên chị Hồng không còn cách nào khác là phải cố gắng cầm cự. Trong một lần đến mua hàng, một khách hàng đề nghị chị Hồng “hợp tác kinh doanh” bằng cách họ sẽ gửi một số loại thực phẩm chức năng cho trẻ em và phụ nữ tại cửa hàng.

 

Chị Hồng có trách nhiệm giới thiệu sản phẩm và hưởng hoa hồng trên số sản phẩm bán được. Cửa hàng còn rộng rãi, chị Hồng đồng ý ngay. Thời gian đầu, việc hợp tác diễn ra khá thuận lợi và có những tháng số tiền kiếm thêm của chị Hồng lên tới 4-5 triệu đồng.

 

Tuy vậy, cách đây ít ngày, chị Hồng bị một phen hú vía khi có khách sau khi sử dụng thực phẩm chức năng do chị bán giúp đến “ăn vạ”. “Họ nói tôi bán hàng rởm, hàng kém chất lượng khiến họ bị dị ứng toàn thân nên đến bắt đền. Tôi giải thích thế nào họ cũng không nghe, thậm chí họ còn dọa đi báo cơ quan chức năng. Cuối cùng tôi phải bồi thường cho họ số tiền gấp 3 lần so với giá trị sản phẩm họ đã mua”– chị Hồng thở dài.

 

Những tín đồ hàng hiệu có thể tìm mua các sản phẩm ưa thích tại cửa hàng ký gửi với giá “mềm”
Những tín đồ hàng hiệu có thể tìm mua các sản phẩm ưa thích tại cửa hàng ký gửi với giá “mềm”

(Ảnh minh họa)

 

Dịch vụ gửi bán, cầm đồ hàng hiệu

 

Gần đây, một số cửa hàng còn thực hiện dịch vụ nhận ký gửi, cầm đồ quần áo, túi xách, giày dép, nước hoa… của các nhãn hiệu nổi tiếng như Luis Vuitton, Burberry, Chanel, Hermes... Bà Nguyễn Cẩm Thanh – chủ một cửa hàng bán túi xách, quần áo trên phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, hiện nay có nhiều phụ nữ dùng túi xách, quần áo đồ hiệu có giá tới hàng nghìn USD, sau khi sử dụng một thời gian muốn bán đi để mua món đồ khác nhưng không tìm được khách nên mang tới cửa hàng nhờ ký gửi. Tùy vào từng loại hàng gửi bán, cửa hàng sẽ nhận tiền hoa hồng sau khi đã bán được hàng. Thông thường, số tiền dao động từ 5-10% giá trị hàng bán. Riêng với những chiếc túi cầm đồ, thời gian cầm tối đa là 6 tháng, hàng tháng khách hàng phải thanh toán tiền lãi. Sau thời gian quy định mà khách không đến lấy, cửa hàng có quyền bán sản phẩm.

 

Cũng theo bà Thanh, giá hàng hiệu mới thường rất cao nên lựa chọn phổ biến của một số người ít tiền nhưng thích hàng hiệu là đến cửa hàng cầm đồ, nhận ký gửi để mua hàng đã qua sử dụng. Hầu hết các loại hàng nhận ký gửi còn khá mới (từ 80 đến 90%) với thời gian đã sử dụng dưới 6 tháng, hình thức còn đẹp, có mức giá dao động từ 10-50 triệu đồng. So với nước hoa, quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu bán chạy hơn do không phải ai cũng sẵn sàng mặc lại đồ hay sử dụng giày dép của người khác.

 

Bên cạnh việc mang lại lợi nhuận không nhỏ cho cả hai bên thì dịch vụ ký gửi hàng hóa còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, thực tế đã có không ít khách hàng khi mua hàng tại các hiệu cầm đồ, nhận ký gửi đã vớ phải món hàng có chất lượng không tương xứng với số tiền mình bỏ ra do việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ những món hàng này không đơn giản. Lợi ích của bên nhận ký gửi là không bỏ vốn mà vẫn có thể thu lợi, tuy vậy, nếu không ký kết hợp đồng với các điều khoản cụ thể, bên ký gửi có thể bị thiệt hại trong việc nhận trả hàng như hàng hóa bị hư hỏng hay bán với giá quá thấp. Còn bên nhận ký gửi nếu không kiểm tra kỹ về chất lượng, hạn sử dụng… sản phẩm nhận ký gửi sẽ có nguy cơ bị “đền oan”, mất uy tín đối với khách hàng.  

 

Theo Huệ Linh

ANTĐ